Liên kết để phát triển
Phát triển HTX đúng hướng sẽ là một yếu tố và động lực cơ bản để đổi mới tư duy, nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Tại HTX Toàn Thắng, chuyên chăn nuôi heo ở ấp Sơn Phú 1, xã Đại Thành, dù mới thành lập chưa đầy tháng nhưng mọi công việc đã được lên lịch sẵn sàng.
Điều đặc biệt ở đây, 10 thành viên trong HTX đều là phụ nữ.
Quy mô chăn nuôi hiện đạt khoảng 200 con heo thịt.
Tất cả các việc như đầu tư giống ra sao, tiêu thụ thế nào được đưa ra bàn bạc cụ thể, thống nhất rồi lên phương án, kế hoạch rõ ràng mới triển khai thực hiện.
Chị Nguyễn Kim Toàn, Giám đốc HTX Toàn Thắng, vui vẻ kể lại cho chúng tôi nghe về những ngày trước khi thành lập.
Với chị Toàn, ở giai đoạn đầu, khâu vận động các hộ tham gia gặp không ít khó khăn vì đa phần các hộ chăn nuôi heo đều có thu nhập thấp, quy mô nhỏ lẻ.
Trước thực trạng của ngành chăn nuôi hiện nay, chị Toàn đứng ra vận động bà con trong xóm thay đổi cách nghĩ, cách làm và nhất là biện pháp để liên kết tạo ra sức mạnh tổng hợp trong sản xuất kinh doanh.
“Chúng tôi trăn trở làm sao cho các thành viên có thể đảm bảo được đầu ra ổn định.
Bản thân tôi mong muốn các hộ nuôi heo nhỏ lẻ sẽ cùng liên kết lại để tìm được thị trường ổn định, phát triển kinh tế gia đình.
Điều quan trọng hơn, trước áp lực cạnh tranh, người nuôi phải tiết giảm được các chi phí từ thức ăn đến con giống.
Sau khi tính toán ra toàn bộ chi phí sản xuất, HTX quyết định các xã viên sẽ tự sản xuất con giống và chủ động tìm nguồn cung cấp thức ăn, thuốc phòng trừ bệnh cho heo trực tiếp từ công ty để được ưu đãi giá rẻ hơn các đại lý.
Khi HTX đi vào hoạt động ổn định, tôi sẽ tiếp tục vận động các thành viên kết hợp thêm mô hình biogas tận dụng chất thải cùng các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường chăn nuôi”, chị Nguyễn Kim Toàn, chia sẻ.
Về các xã Đại Thành, Tân Thành không khó nhận ra nhiều vựa nông sản thu mua cam sành.
Thực tế cho thấy trồng cam không chỉ có giá trị kinh tế cho nhà vườn mà còn góp phần hỗ trợ các lĩnh vực khác của địa phương phát triển hơn.
Chuyện các vựa thu mua nông sản tại thị xã Ngã Bảy không quá xa lạ, tuy nhiên, việc thành lập HTX chuyên thu mua cam đã nhen nhóm thêm nhiều kỳ vọng mới cho nhà vườn trồng cam.
Cũng như HTX Toàn Thắng, HTX Tiến Hà, ở ấp Mái Dầm, xã Đại Thành, vừa được thành lập từ tháng 10.
Ngày nào cũng vậy, bắt đầu từ tầm 8 giờ sáng, ông Nguyễn Văn Men, Giám đốc HTX Tiến Hà, lại tất bật với các cuộc gọi lên lịch xem thời gian hái cam ở các vườn.
Từ sau khi HTX thành lập, việc làm của ông Men ngày càng nhiều hơn, nhiều “mối” liên tục gọi điện đặt hàng.
Kinh nghiệm lâu năm làm “chủ vựa” đã tiếp cho ông Men cùng các thành viên khác thêm động lực đưa cam Ngã Bảy vươn ra thị trường bên ngoài.
“Tôi nhận thấy được mặt hàng cam của địa phương mình ngày càng có giá trị.
Các tiểu thương có thể liên kết lại sẽ rộng đường đi hơn cho cây cam Ngã Bảy.
Khi liên kết với nhau, các vựa chủ động được nguồn hàng, mở rộng địa bàn,… Xuất phát từ lý do trên, sau khi được địa phương vận động, các chủ vựa đã thống nhất vào HTX”, ông Men cho hay.
Ông Lê Hùng Chiến, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Ngã Bảy, cho biết: Thị xã Ngã Bảy đã vận dụng các chính sách để hỗ trợ khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, đồng thời thành lập Ban chỉ đạo củng cố đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác - hợp tác xã nhằm khai thác tiềm năng lợi thế để giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của các thành viên và nhân dân.
Đặc biệt những năm gần đây, kinh tế tập thể kỳ vọng sẽ tạo đột phá khi ngành nông nghiệp trong điều kiện ngày càng hội nhập sâu với kinh tế quốc tế.
Thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở thị xã đã chứng minh được hiệu quả hoạt động của các HTX.
Sự xuất hiện của nhiều HTX mới là dấu hiệu đáng mừng về phát triển về quy mô, số lượng HTX; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo mối liên kết, hợp tác giữa các nông dân và các thành phần khác trong chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm.
Các HTX thông qua tổ chức và hoạt động của mình đã huy động có hiệu quả các nguồn lực của xã hội để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, mở rộng sản xuất, phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt trong nông nghiệp, nông thôn.
Trong thời gian tới, nếu phát triển HTX đúng hướng sẽ là một yếu tố và động lực cơ bản để đổi mới tư duy, nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Có thể bạn quan tâm
Ông Lộc Mậu Triển - Chủ tịch HĐQT Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Chiềng Sung đã trở thành người bạn thân thiết của nhà nông Tây Bắc, là người có công đầu đưa Sơn La thành vựa ngô của cả miền Bắc.
Nhiều nhà vườn ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp) cho biết, thanh long ruột đỏ là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh, dễ tiêu thụ, cho năng suất và giá trị kinh tế cao.
Những ngày tháng 5 trời nắng gắt, cá mú con vào rạng khá dày. Ngư dân vùng biển Gành Rái, xã Chí Công (Tuy Phong, Bình Thuận) thu nhập khấm khá từ bắt cá mú con.
Ngoài khu nuôi 15.000 con rắn mối rộng khoảng 100 m2 tại khóm 10, anh Thuyết còn có 5 trại rắn mối ở thị trấn Giá Rai (huyện Giá Rai, Bạc Liêu). Anh cho biết: Mấy năm về trước, trong một lần đi du lịch ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Trung, tình cờ được thưởng thức món rắn mối ở một nhà hàng sang trọng, tìm hiểu mới biết giá cả quá đắt nhưng nguồn cung thuộc loại khan hiếm nên anh tìm hiểu, học cách nuôi để áp dụng.
Theo thời vụ, khoảng tháng 6 hàng năm mới vào mùa thu hoạch chôm chôm. Thế nhưng, năm nay mới vào đầu tháng 5, nhiều nhà vườn ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai) đã tất bật thu hoạch chôm chôm và bán được giá cao.