Hàm Yên (Tuyên Quang) Phòng Chống Rét Cho Đàn Gia Súc

Huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) hiện có đàn trâu hơn 15.000 con; đàn bò 1.100 con; đàn lợn 80.500 con. Để bảo vệ đàn vật nuôi trước dịch bệnh và rét, bước vào đầu vụ thu đông, huyện đã triển khai công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm. Đến nay, toàn huyện đã hoàn thành đợt tiêm phòng mũi 2 LMLM và mũi tụ huyết trùng cho đàn gia súc với 25.865 liều, trên 90% đàn trâu, bò được tiêm phòng. Công tác tiêm phòng vắc xin dịch tả, tụ huyết trùng cho đàn lợn, đàn gia cầm cũng được triển khai đồng thời. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn triển khai các giải pháp chống đói, rét cho gia súc. Những ngày giá rét này, các gia đình ở các xã đang tu sửa, che chắn chuồng trại cho đàn trâu, bò. Ông Trần Văn Khọi, thôn 6 Minh Phú xã Yên Phú cho biết: Những năm gần đây gia đình ông có thêm nguồn thu nhập đáng kể nhờ vào việc phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Mùa đông là thời điểm có nhiều dịch bệnh, trâu, bò rất dễ bị chết rét, vì thế gia đình luôn đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn trâu, bò có đủ các thành phần dinh dưỡng và tiêm phòng đúng định kỳ. Kinh nghiệm của ông Khọi là đến mùa đông, nhất là vào những ngày giá rét nhất thiết phải cho trâu ăn thêm thức ăn tinh bột để đàn trâu có sức đề kháng. Ngoài ra, gia đình còn tận dụng cây ngô vụ đông làm thức ăn, rơm khô dự trữ và trồng thêm cỏ voi. Xã Tân Thành một trong những xã có số lượng gia súc lớn của huyện, với trên 1.000 con trâu và 54 con bò. 5 năm trở lại đây, các hộ nuôi gia súc trong xã không để xảy ra trường hợp trâu, bò bị chết rét bởi người dân luôn nêu cao ý thức trong việc phòng chống rét cho gia súc, các hộ chăn nuôi đều đầu tư làm chuồng trại kiên cố và che chắn gió cẩn thận. Để chuẩn bị thức ăn cho đàn gia súc những ngày rét, phải nuôi nhốt trong chuồng, gia đình anh Lê Văn Vấn, thôn 1 Tân Yên, xã Tân Thành trồng 5 sào ngô, cỏ voi và rơm rạ được trữ từ vụ mùa, nhờ đó trong những năm qua, đàn trâu của gia đình anh Vấn luôn khỏe mạnh để chống chọi với cái rét. Anh Vấn còn chủ động tiêm các loại vắc xin phòng dịch bệnh, thường xuyên vệ sinh chuồng trại và xung quanh khu vực chăn nuôi. Anh Đỗ Hữu Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: Rút kinh nghiệm từ những đợt rét trước, năm nay, ngay từ đầu mùa rét xã đã tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng những kinh nghiệm về cách phòng chống rét cho gia súc. Cách làm hiệu quả là: Che chắn kín xung quanh; dự trữ nguồn thức ăn, cung cấp đủ và bổ sung các nguồn thức ăn dinh dưỡng; tăng cường nguồn thức ăn xanh; theo dõi thường xuyên sức khỏe của đàn gia súc; nuôi nhốt và không thả rông trâu bò trong những ngày rét hại; bổ sung thêm nguồn thức ăn có tinh bột, như: Cám, bột ngô, bột sắn... Để bảo vệ đàn gia súc trong mùa đông giá rét, UBND huyện Hàm Yên chỉ đạo các phòng chuyên môn, các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân không được chủ quan, lơ là việc chống rét cho gia súc. Ban chỉ đạo phòng chống rét cho trâu, bò của các xã thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc che chắn chuồng trại; khi phát hiện gia súc mắc bệnh phải báo cáo kịp thời để cán bộ thú y nhanh chóng có biện pháp ngăn chặn, xử lý tránh lây lan, bùng phát thành ổ dịch.
Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp từ 35 con lợn, nhờ lao động cần cù và tiết kiệm trong chi tiêu, ông Lê Văn Hoàng, ở thôn Lệ Sơn 2, xã Hòa Tiến (Hoà Vang - Đà Nẵng) đã làm giàu.

Đức và Đô là hai anh em ruột, lần lượt được nhận giải thưởng Lương Định Của dành cho nhà nông trẻ xuất sắc toàn quốc lần thứ IV (2009) và lần thứ VII (2013).

Mặc dù bị mù bẩm sinh cả hai mắt nhưng với nghị lực sống mạnh mẽ cùng sự khéo léo của đôi tay và tính cần mẫn, ông Phan Ly ở thôn An Mô, xã Triệu Long (Triệu Phong - Quảng Trị) đã vượt qua số phận, trở thành một tấm gương làm kinh tế giỏi.

Khai thác thủy sản theo mô hình tổ hợp tác ở Bến Tre đã được hình thành sơ khai từ trước những năm 2000, nhưng là tự phát từ các thành viên trong gia đình hay bạn bè thân thuộc khai thác cùng nghề, cùng ngư trường.

Cũng như nhiều người khác, hành trình làm giàu của chị Triệu Thị Liên, người Dao đỏ, ở thôn Nà Luồng, thị trấn Đông Khê (Thạch An - Cao Bằng) đã nếm trải không ít thất bại. Bây giờ, khi đã gặt hái thành công, chị đúc kết lại: “Muốn làm giàu, ngoài sự cần cù, chịu khó cần phải năng động, sáng tạo nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương”.