Lao Đao Với Nấm

Chỉ trong một thời gian ngắn, giá nấm mèo và nhiều loại nấm khác đột ngột giảm sâu khiến các đại lý mua gom mặt hàng này lao đao, còn người trồng nấm thì rơi vào tình trạng thua lỗ nặng.
Đồng Nai có 5 vùng trồng nấm lớn, thuộc các huyện: Trảng Bom, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Nhơn Trạch và TX.Long Khánh, với hàng trăm trại trồng nấm mèo đen, mèo trắng, bào ngư, nấm sò… Trong đó, nấm mèo chiếm đa số với thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc.
Thế nhưng, hơn 2 tháng nay Trung Quốc giảm nhập khẩu mặt hàng này nên hàng trong nước bị ứ lại, giá giảm hơn một nửa.
* Thiệt hại lớn
Đầu năm 2014, giá nấm mèo có thời điểm vượt mốc 100 ngàn đồng/kg và đầu ra tương đối hút hàng, nhiều nông dân, các đại lý thắng lớn. Song chỉ được một thời gian, đến cuối tháng 5-2014, giá nấm liên tiếp giảm và hiện nấm mèo đen chỉ còn hơn 40 ngàn đồng/kg, nấm mèo trắng khoảng 50 ngàn đồng/kg. Tuy giá nấm đã giảm hơn một nửa, nhưng đầu ra vẫn rất khó khăn.
Bà Vũ Thị Hiên, chủ đại lý nấm ở phường Xuân Thanh (TX. Long Khánh) kể: “Tôi mua gần 100 tấn nấm mèo khô chưa kịp xuất thì giá giảm sâu nên mất vài trăm triệu đồng chỉ trong một thời gian ngắn. Hiện nấm rất khó kiếm đầu ra, tìm được mối mua hàng tôi mới dám mua nấm về”.
Tương tự, ông Đỗ Đắc Đình, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX)sản xuất nông nghiệp, dịch vụ Toàn Thắng, xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom), chuyên sản xuất nấm, cho hay: “Nhiều đại lý chuyên mua nấm trong huyện đã thua lỗ lớn, phải bỏ nghề chỉ vì nấm mua về chưa kịp xuất giá đã giảm sâu.
Dù giá đã hạ hơn một nửa nhưng các đại lý vẫn không tìm được đầu ra. Các đại lý không bán được sản phẩm nên không mua hàng nữa, kéo theo nông dân trồng nấm cũng khốn đốn”.
Theo nông dân trồng nấm, với giá nấm mèo như hiện nay, người trồng nấm sẽ thua lỗ hơn 10 ngàn đồng/kg, vì giá thành của nấm mèo hiện đã gần 60 ngàn đồng/kg.
* Tìm đường xuất khẩu
Lâu nay, nấm mèo của Đồng Nai chủ yếu phơi khô xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, giá cả khá bấp bênh.
Không ít lần, giá nấm đã giảm dưới giá thành, song từ nông dân cho đến các đại lý mua gom chỉ biết gồng mình chịu trận vì thị trường trong nước tiêu thụ mặt hàng này rất ít. Gần đây, một số đại lý đã mạnh dạn tìm thị trường mới tại một số nước, vùng lãnh thổ như: Campuchia, Đài Loan và Hong Kong nhưng chỉ với số lượng nhỏ.
Chị Bùi Thị Kim Nhung, chủ đại lý nấm ở KP.1, phường Xuân Thanh (TX.Long Khánh), chia sẻ: “Tôi làm đại lý mua bán nấm hơn 20 năm nhưng chưa khi nào gặp cảnh giá nấm biến động và giảm nhanh như vậy.
Nguyên nhân nấm rớt giá là do thương lái của Trung Quốc ngưng nhập nấm của Việt Nam, dẫn đến mặt hàng này đang từ 110 ngàn đồng/kg tuột xuống dưới 50 ngàn đồng/kg. Cũng may, hiện đại lý của tôi tìm được mối xuất nấm sang Đài Loan nên cũng không đến mức phải đóng cửa như một số đại lý khác”.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, Phó trưởng phòng Kinh tế thị xã thì Long Khánh là vùng trồng nấm tập trung lớn nhất cả nước. Trung bình mỗi năm, nông dân thị xã cung cấp cho thị trường từ 2,5-3 ngàn tấn nấm, chủ yếu là nấm mèo.
Trước đây, thị xã nhiều lần giúp các HTX, đại lý đem hàng đi giới thiệu ở nhiều hội chợ để tìm đầu ra. Hiện một số đại lý đã tìm được đơn hàng xuất khẩu nấm sang Đài Loan, Hong Kong và Campuchia nhưng số lượng chưa nhiều.
“Trong HTX có một số xã viên làm đại lý mua nấm, giá nấm giảm nhanh đã khiến các đại lý bị lỗ. Để hàng không bị tồn kho, HTX đã cử người ra cả miền Trung, miền Bắc để tìm các mối tiêu thụ hàng và hiện mỗi ngày HTX xuất được trên 1 tấn nấm cho thị trường miền Trung, miền Bắc và sang Hong Kong thông qua doanh nghiệp trung gian” - ông Nguyễn Quang Hòe, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp Long Khánh, chuyên sản xuất mua bán nấm, nói.
Cũng theo ông Hòe, với số lượng tiêu thụ như trên, HTX giúp nhiều đại lý, nông dân không thuộc xã viên của HTX tiêu thụ bớt lượng hàng tồn.
Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, nấm của Đồng Nai được trồng theo quy trình rất an toàn và được xác nhận là nấm sạch qua nhiều đợt kiểm tra. Mỗi năm, Đồng Nai cung cấp cho thị trường trên 5 ngàn tấn nấm các loại, trong đó nấm mèo chiếm trên 80%.
Giá nấm mèo giảm, nhiều hộ tận dụng mùn cưa sản xuất nấm tươi, như: nấm bào ngư, nấm sò, nấm rơm... khiến thị trường nấm tươi cung vượt cầu, giá giảm mạnh. Cụ thể, nấm bào ngư từ 15-16 ngàn đồng/kg hiện chỉ còn 8 ngàn đồng/kg, nấm sò từ 20 ngàn đồng/kg, giảm xuống còn 12 ngàn đồng/kg, nấm rơm giảm hơn 10 ngàn đồng/kg và đầu ra rất khó khăn.
Có thể bạn quan tâm

Nông dân Phạm Văn Hải, Ấp Tư, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh phấn khởi nói: Vịt biển là giống vịt mới, rất thích nghi với vùng nuôi ven khu vực biển như ở Cầu Ngang. Đối với chăn nuôi vịt đòi hỏi phải đảm bảo nguồn nước trong quá trình phát triển của vịt, nếu như trước đây khi vào mùa khô thì nguồn nước ngọt trên các ao đìa không còn, vịt rất khó phát triển, do phần lớn là đất ngập mặn (ven biển).

Là một trong những ngành kinh tế quan trọng, nông nghiệp Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Các doanh nghiệp đã đầu tư vào sản xuất chăn nuôi nay sẽ có thêm cơ hội thành công nhờ nguồn vốn cho vay xây dựng chuồng trại từ Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển TP.Hồ Chí Minh (HDBank).

Người chăn nuôi heo lại lâm vào tình trạng “điêu đứng” do giá heo thịt giảm mạnh. Liên tục trong gần 2 tháng qua, giá heo thịt giảm từ 4,7 triệu đồng/tạ xuống còn 3,4 - 4 triệu đồng/tạ. Hiện nhiều hộ chăn nuôi heo “tiến thoái lưỡng nan”, bởi heo đến thời kỳ xuất chuồng gặp phải lúc giá quá thấp, bán thì lỗ mà giữ lại chờ giá lên thì tốn thêm nhiều chi phí.

Trước đây, các hộ gia đình nông dân ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) chăn nuôi bò theo quy mô nhỏ lẻ, mỗi hộ thường nuôi từ 1 đến 2 con. Những năm trở lại đây, việc chăn nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững nên được các hộ gia đình đầu tư để phát triển đàn bò trên quy mô lớn, mỗi hộ nuôi từ 5 đến 10 con, nhiều hộ có đàn bò lên đến trên 20 con.

Xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa - Thanh Hóa) có tổng diện tích 200 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có 106 ha nuôi công nghiệp và 94 ha vùng ngoại đê. Đối với diện tích vùng ngoại đê, UBND xã Hoằng Phụ chỉ đạo chủ ao đầm nuôi đa con, đa canh và đa thời vụ, trong đó tôm sú, cua là đối tượng chính, đồng thời mở rộng diện tích nuôi bán thâm canh các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm he chân trắng, vẹm, ngao...