Làng Bò Lai Vĩnh Thọ (Bình Định)
Theo số liệu điều tra mới đây của Hội Nông dân xã Vĩnh Hiệp (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định), thôn Vĩnh Thọ có đến 98% số hộ chăn nuôi bò, trong đó tỉ lệ bò lai trong thôn chiếm 97% tổng đàn.
Theo ông Nguyễn Nghiêm, Trưởng thôn Vĩnh Thọ: Cũng như nhiều địa phương khác ở miền núi, đời sống của người dân Vĩnh Thọ trước đây hết sức khó khăn do diện tích đất nông nghiệp ít, trình độ sản xuất kém, thu nhập hằng năm thấp.
Từ hơn chục năm trở lại đây, người dân đã phát triển mạnh phong trào chăn nuôi bò lai và bước đầu đã có được nguồn thu nhập ổn định. Toàn thôn có 161 hộ thì có đến 157 hộ chăn nuôi bò, hộ nuôi ít nhất cũng vài ba con, hộ nuôi nhiều gần 40 con. Tổng đàn bò trong thôn tại thời điểm này là 585 con.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiệp, cho biết: Từ chỗ tỉ lệ bò lai không quá 10% vào năm 1995, nhờ thực hiện tốt chương trình cải tạo đàn bò, Vĩnh Thọ hiện có tỉ lệ bò lai vào hàng cao nhất huyện.
Ở Vĩnh Thọ, việc chăn nuôi bò lai không chỉ được quan tâm đến việc tạo giống mà bà con đã chú ý đến quy trình chăn nuôi bán thâm canh, ngoài thức ăn xanh trên đồng bãi, bà con đã bổ sung thêm thức ăn tinh tại chuồng để bò có điều kiện phát huy ưu thế lai, và đây cũng là nền tảng để Vĩnh Thọ phát triển chăn nuôi bò thịt năng suất cao nhiều năm qua.
Ông Phạm Văn Mãi bắt đầu chăn nuôi bò từ năm 1990, lúc đầu chỉ chăn nuôi vài ba con để lấy phân bón ruộng. Từ năm 1997 huyện Vĩnh Thạnh triển khai chương trình lai tạo đàn bò, ông đầu tư nuôi bò lai.
Trong gần 10 năm qua, đàn bò của gia đình ông ổn định từ 25 đến 30 con, trong đó luôn có ít nhất 10 con bò cái nền mỗi năm sinh sản chục con bê, sau 7 tháng nuôi mỗi con bê có giá khoảng 10 triệu đồng. “Bây giờ nhu cầu bò thịt cũng rất lớn nên việc bán bò cũng chẳng khó khăn gì. Mỗi năm tui bán chừng 10 con nghé và vài con bò thịt, thu về từ 150 - 170 triệu đồng” - ông Mãi nói.
Ngoài nguồn thu từ bán bò, người dân còn làm phân chuồng bón cây và bán cho người làm vườn. “Nếu nuôi bò đàn thì nguồn phân bò cũng đem lại thu nhập đáng kể. Với đàn bò chừng 10 con trở lên thì mỗi tháng tiền bán phân bò cũng được vài triệu, đủ chi phí thuê người chăn thả” - ông Mãi nói thêm.
Hiện nay rất nhiều hộ trong thôn đã có mức thu nhập từ 70 đến 100 triệu đồng/năm từ chăn nuôi bò lai. Nhiều hộ thoát nghèo nhờ nuôi bò lai. Có thể nói việc phát triển mạnh phong trào chăn nuôi bò lai ở thôn Vĩnh Thọ đã góp phần tích cực để ổn định đời sống của bà con ở đây.
Ông Lê Văn Đẩu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Phát triển đàn bò, đặc biệt là nâng cao tỉ lệ bò lai là mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của huyện. Đây là một trong những hướng sản xuất phù hợp với điều kiện, tập quán sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo bền vững và quan trọng là có tiềm năng phát triển trong tương lai.
Trong đó thôn Vĩnh Thọ là một điển hình trong phong trào chăn nuôi bò lai của huyện Vĩnh Thạnh và là một điển hình trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở Vĩnh Thạnh.
Có thể bạn quan tâm
Giá cao su XK bình quân tháng 1/2015 đạt 1.423 USD/tấn, giảm 31,27% so với cùng kỳ năm 2014. Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ vẫn duy trì là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1, chiếm 71,86% thị phần.
Bên cạnh đó, giá hoa tươi cũng tăng nhẹ, hoa ly giá từ 110.000 – 120.000 đồng/bó (tăng 10.000 đồng), huệ trắng giá 40.000 – 50.000 đồng/chục (tăng 10.000 đồng ), huệ đỏ 60.000 đồng/chục (tăng 10.000 đồng), cúc 8.000 - 10.000 đồng/nhánh (tăng 2.000 đồng), vạn thọ vẫn giữ giá 5.000 đồng/cây.
Hiện tại, giá heo hơi dao động từ 4,7 - 4,8 triệu đồng/1 tạ; heo con cũng đang ở mức giá thấp, dao động từ 90 - 100 ngàn đồng/kg, với mức giá này thì người nuôi có lãi từ 500 ngàn - 600 ngàn đồng/tạ. Cận Tết Nguyên đán vừa qua, giá heo hơi có lúc lên đến 4,9 triệu đồng/tạ, tuy không bằng cùng kỳ năm 2014 nhưng nhờ giá thức ăn chăn nuôi, thuốc phòng trị bệnh ổn định nên người chăn nuôi hết sức phấn khởi.
Ngày 4/3/2015, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Đồng Tháp phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường cùng Công an địa phương tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh phân bón do Lưu Quốc Trung (SN 1979, ngụ 175A, Nguyễn Đình Chiểu, phường 3, TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) làm chủ cơ sở.
Đến nay, có 15 hộ ở xã Phú Thọ, Phú Thành B và TT.Tràm Chim đã thả nuôi được 46,8 ha tôm càng xanh. Đàn tôm đạt từ 30 đến 60 ngày tuổi và đang phát triển tốt.