Làm Nông Sản Theo Chuẩn Nào?
Những năm qua, một số mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp theo chuẩn toàn cầu đã thuyết phục được nhiều nông dân làm theo, nhưng khó khăn về đầu ra khiến nông dân e ngại. Dù vậy, đây vẫn là xu hướng tất yếu để nông sản Việt có chỗ đứng trên thị trường thế giới trong giai đoạn hội nhập.
Nông sản xuất khẩu phải theo quy chuẩn mà các nước trên thế giới chấp nhận. Ngoài yếu tố về cơ hội thị trường, sản xuất theo chuẩn toàn cầu nông dân đạt được nhiều lợi ích cho chính bản thân họ. Global GAP, ISO, UTZ Certified, 4C... là các bộ tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt, bền vững, có trách nhiệm được nhiều nước trên thế giới công nhận với các yêu cầu, như: sản phẩm an toàn, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, đảm bảo về lao động...
* Nhiều ích lợi
Tại Đồng Nai, sản xuất theo chuẩn GlobalGAP với rau, cây ăn quả; sản xuất cà phê 4C... không còn xa lạ với nông dân. Riêng chương trình chứng nhận nông sản bền vững UTZ Certified đã được triển khai từ năm 2012 với cây ca cao. Hiện toàn tỉnh có trên 92 hécta ca cao với 79 hộ được chứng nhận UTZ.
Ông Trương Văn Gộc (xã Tà Lài, huyện Tân Phú), chia sẻ: “2 năm thực hành sản xuất theo chuẩn UTZ, vườn ca cao của tôi luôn đạt năng suất tốt, ngay cả thời điểm nhiều nhà vườn thất bát vì nấm bệnh.
So với cách làm truyền thống, trồng ca cao UTZ không phải mất thêm chi phí vì chủ yếu là thay đổi tập quán sản xuất, như: ưu tiên dùng thuốc sinh học trong phòng trừ sâu bệnh; phải mang ủng, bịt khẩu trang khi phun thuốc cho cây trồng; ghi nhật ký sản xuất...
Nhờ thực hiện mô hình sản xuất an toàn cho môi trường nên gia đình tôi yên tâm làm nhà sống ngay trong vườn ca cao”.
Ông Lê Minh Tôn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca cao Hưng Lộc (huyện Thống Nhất), cho biết: “Từ năm 2012 đến nay, câu lạc bộ thu hút được 24 hội viên với 22 hécta ca cao thực hiện sản xuất theo chuẩn UTZ. Nông dân nhiệt tình tham gia vì chương trình mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Quan trọng nhất là chúng tôi được đảm bảo ưu tiên thu mua với mức giá cao hơn mặt bằng thị trường khoảng 25 ngàn đồng/kg hạt khô”.
* Phải tính đầu ra
Năm 2011, bưởi Tân Triều được cấp giấy chứng nhận GlobalGAP với mục tiêu bước vào thị trường thế giới. Thực tế, không thiếu khách từ Nhật, châu Âu đặt hàng, nhưng do sản xuất theo quy mô manh mún, nhỏ lẻ, bưởi Tân Triều đã bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu, nông dân cũng đành bỏ GlobalGAP.
Tuy vậy, các loại nông sản chủ lực của Việt Nam, như: cà phê, ca cao, chè đáp ứng về sản lượng và nhu cầu thị trường cũng rất lớn. Thời gian đầu, một số tập đoàn cà phê, ca cao quốc tế đặt hàng cho nông dân sản xuất theo chuẩn toàn cầu rồi dần dần thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam tham gia.
Ông Nguyễn Tuấn Vượng, Giám đốc bộ phận thu mua ca cao của Công ty TNHH Cargill Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2), nhận xét trước đây do còn hạn chế về mặt kỹ thuật nên năng suất cây ca cao tại nhiều tỉnh, thành của Việt Nam đạt thấp.
Khi thực hành UTZ, năng suất ca cao tại nhiều địa phương tăng từ 30-50% so với trước. Ý nghĩa lớn nhất của chương trình là nông dân được tập huấn, đào tạo về kỹ thuật sản xuất; thay đổi ý thức làm nông theo hướng công nghiệp, hiện đại. Hiện Cargill đang thu mua ca cao đạt chứng nhận UTZ với giá 120 USD/tấn hạt khô.
Theo báo cáo của Tổ chức chứng nhận nông sản bền vững UTZ Certified tại Việt Nam, năm 2002 Việt Nam chỉ có 3 đơn vị được chứng nhận UTZ Certified cho mặt hàng cà phê. Đến cuối tháng 6-2014, cả nước đã có 58 đơn vị được chứng nhận với 43.405 nông hộ tham gia, tổng diện tích trên 59 ngàn hécta, sản lượng gần 198 ngàn tấn/năm, đứng thứ 2 trên toàn thế giới. Với cây ca cao, chè, cả nước hiện có 3.572 nông hộ tham gia, tổng diện tích khoảng 2.604 hécta.
Ông Nguyễn Văn Thiết, Trưởng đại diện UTZ Certified tại Việt Nam, cho biết: “Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm UTZ trên thị trường thế giới tăng ở mức cao, khoảng 35%/năm trên tổng sản lượng nông sản UTZ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tham gia chương trình phải căn cứ vào thị trường để xây dựng lộ trình phát triển cho phù hợp, không nên làm ồ ạt theo phong trào vì dễ gặp khó về thị trường rồi nản lòng bỏ cuộc”.
Có thể bạn quan tâm
Bộ NN và PTNT xác định năm 2015 là năm đảm bảo vệ sinh ATTP trong nông nghiệp và đề ra mục tiêu tạo chuyển biến rõ nét về vấn đề này, trọng tâm là sản phẩm rau, thịt và thủy sản. Năm nay, ngành đề ra mục tiêu, tỷ lệ mẫu giám sát tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi giảm 10%.
Tuy nhiên, bên cạnh đó việc phát triển chăn nuôi heo cũng còn nhiều bất cập như: việc xử lý chất thải, phòng chống dịch bệnh, những vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được người chăn nuôi quan tâm đúng mức, đang thách thức nghề chăn nuôi heo tại Củ Chi.
Theo Sở Nông nghiệp & PTNT AN Giang cho biết, trong nhiều năm qua tỉnh An Giang đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách nhằm cải tạo hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng hoàn chỉnh, từ đó đưa diện tích gieo trồng cây lúa ở 3 vụ chính từ 581.292 ha vào năm 2010 lên đến 625.917 ha vào năm 2014 và năng suất trung bình 3 vụ từ 5,98 tấn/ha lên 6,453 tấn/ha, sản lượng năm 2014 ước đạt 4,039 triệu tấn tăng 17,8 ngàn tấn so năm 2013 góp phần ổn định an ninh lương thực và phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Ngày 7/2, tại Đà Lạt diễn ra Hội thảo “Chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên”. Chủ trì hội thảo gồm có Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Xuân Tiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng; ông Đoàn Văn Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng.
Tính đến tuần đầu của tháng 2/2015, Sóc Trăng đã thu hoạch được trên 75.000 ha lúa đông xuân, bằng 53% diện tích gieo trồng. Do đặc điểm từng vùng sinh thái, nên thời gian xuống giống giữa các địa phương chênh lệch nhau khá xa. Diễn biến thị trường trong vụ lúa này cho thấy: Thu hoạch sớm có nhiều lợi thế về giá, vì khoảng 3 tuần này lúa rớt giá mạnh.