Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Làm Giàu Từ Trồng Quýt

Làm Giàu Từ Trồng Quýt
Ngày đăng: 24/09/2014

Theo giới thiệu của Bí thư Đoàn xã Tả Ngài Chồ (Mường Khương - Lào Cai), chúng tôi đến thăm gia đình anh Giàng Seo Di khi anh chuẩn bị lên đồi hái quýt cho phiên chợ cuối tuần. Sau gần 2 giờ đi bộ lên đồi, tôi có dịp nghe anh kể về hành trình thoát nghèo của gia đình nhờ cây quýt Mường Khương.

Anh Giàng Seo Di, sinh năm 1985, dân tộc Mông, là công an viên, đoàn viên tiêu biểu của xã Tả Ngài Chồ trong những năm gần đây. Không chỉ là đoàn viên gương mẫu, nhiệt tình trong hoạt động Đoàn, anh Di còn là điển hình trong phát triển kinh tế, gia đình anh nhiều năm được công nhận là hộ sản xuất giỏi cấp huyện.

Anh Di vừa cắt những chùm quả quýt lúc lỉu vàng ươm, vừa tâm sự: Người Mông ở Tả Ngài Chồ nghèo lắm. Suốt cuộc đời chỉ trồng lúa, trồng ngô, bám đất, bám rừng mà sống. Có những năm mất mùa thì cả làng, cả bản bị đói. Gia đình anh lao động quần quật quanh năm, suốt tháng, hết vụ thì sang địa phương khác làm thuê, vậy mà nghèo đói vẫn đeo đẳng.

Có lần sang Trung Quốc chơi, thấy người dân bên đó trồng quýt có thu nhập khá, anh trở về dốc vốn đầu tư mua 600 gốc quýt để trồng. Hai vợ chồng anh cứ ngày này qua tháng khác, cặm cụi bên vườn quýt cách nhà gần 7 km. Chẳng biết do bén duyên với cây quýt hay do trời thương anh nghèo, 3 năm sau, đồi quýt nhà anh ra hoa, rồi cho lứa quả đầu tiên.

Cuộc sống gia đình anh cũng thay đổi từ đó. Mùa quýt năm 2013, gia đình anh thu hái trên 3 tấn quýt quả, trung bình mỗi năm thu nhập gần 50 triệu đồng. Nhờ đó, đời sống gia đình ngày càng khấm khá, cả 4 đứa con đều được đi học đầy đủ. Ngoài ra, anh cũng làm tròn trách nhiệm với em trai, nuôi em đi học, lấy vợ, làm nhà.

Bí thư Đoàn xã Tả Ngài Chồ Giàng Seo Quả cho biết: “Gia đình đoàn viên Di nhiều năm nay đều được công nhận là hộ sản xuất giỏi. Di là niềm tự hào của Đoàn xã, là điển hình để các đoàn viên trong xã học tập”.

Khi anh Di mang những cây quýt đầu tiên về trồng trên mảnh đất vốn chỉ quen với cây lúa, cây ngô, nhiều hộ dân trong xã e dè, lo lắng thay, bởi trước đây đã từng có cán bộ đến xã lấy mẫu đất để thử nghiệm, rồi kết luận quỹ đất không phù hợp với cây quýt. Ấy vậy mà anh Di vẫn mạnh dạn trồng thử nghiệm trên 1 ha.

Để chăm sóc đúng kỹ thuật, anh Di thường học hỏi kinh nghiệm của các hộ dân có kinh nghiệm trồng quýt ở Trung Quốc. Mỗi tháng 2 vợ chồng anh đều đặn đến làm cỏ, cắt tỉa cành, phòng, trừ sâu bệnh cho đồi quýt của gia đình. Anh chia sẻ thêm: Cây quýt không chỉ giúp gia đình anh thoát nghèo, mà còn trở thành thương hiệu của địa phương.

Trực tiếp chứng kiến cách bảo quản quả của một số hộ dân bên Trung Quốc, nghĩ đến cảnh bà con mình hằng năm phải nhập quýt từ địa phương khác, anh chẳng đành lòng. Anh Di tâm sự: “Quýt Mường Khương ngon, được nhiều người dân ưa chuộng, nếu như mình tự trồng, tự cung cấp được thì càng tốt”.

Để đáp ứng hơn nữa nhu cầu của người dân địa phương, thời gian tới, anh Di dự kiến sẽ mở rộng diện tích trồng quýt lên 2 ha. Đồng thời, anh cũng sẽ học hỏi kinh nghiệm chiết giống cây trồng để có thể cung ứng giống cho bà con trồng rộng rãi hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Với hy vọng, cây quýt Mường Khương sẽ giúp đồng bào thoát nghèo, anh Di luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm về lựa chọn đất phù hợp, cách trồng và chăm sóc cây quýt đúng kỹ thuật cho bà con.

Với những cố gắng trong phát triển kinh tế, thoát nghèo và vươn lên thành hộ có thu nhập khá, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, trong những năm qua, gia đình anh Giàng Seo Di đã trở thành hộ nông dân tiêu biểu của xã, được UBND huyện công nhận là hộ sản xuất giỏi, nông dân vượt khó, làm giàu.


Có thể bạn quan tâm

Thu Nhập Cao Từ Trồng Nấm Thu Nhập Cao Từ Trồng Nấm

Đó là ông Đỗ Đình Hòa, chủ cơ sở sản xuất meo nấm ở thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn (Bình Định). Hiện cơ sở của ông Hòa chuyên sản xuất meo giống nấm sò, nấm rơm, nấm mộc nhĩ, cung cấp thành phẩm nấm các loại. Từ sản xuất, kinh doanh mặt hàng nấm, ông Hòa có lãi ròng vài trăm triệu đồng/năm.

10/09/2014
Gia Lai Vận Động Nông Dân Không Chặt Bỏ Cao Su Gia Lai Vận Động Nông Dân Không Chặt Bỏ Cao Su

Do giá mủ cao su trên thị trường giảm mạnh, trồng cao su không có lợi nhuận, thậm chí bị lỗ nên nhiều người ở huyện Đak Đoa (Gia Lai) đã chặt bỏ cây cao su (chủ yếu là cao su tiểu điền) chuyển sang trồng các loại cây khác như hồ tiêu, cà phê nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

10/09/2014
Xử Lý Triệt Để Ổ Dịch Sâu Róm Thông Xử Lý Triệt Để Ổ Dịch Sâu Róm Thông

Theo tin từ Trung tâm Phát triển lâm nghiệp Hà Nội, sau 4 ngày (từ 4/9) tập trung dập ổ dịch sâu róm hại thông trên 27,5ha rừng tại 2 xã Nam Sơn và Phù Linh (huyện Sóc Sơn) bằng thuốc trừ sâu sinh học Kuraba WP, tỷ lệ sâu róm bị diệt trừ đạt 95%. Tỷ lệ này đạt hiệu quả cao so với sử dụng thuốc truyền thống.

10/09/2014
Nhà Vườn Chợ Lách Trăn Trở Với “GAP” Nhà Vườn Chợ Lách Trăn Trở Với “GAP”

Tháng 6-2011, Tổ sản xuất chôm chôm ấp Phụng Đức B, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách (Bến Tre) được công nhận đạt bộ tiêu chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP), với diện tích hơn 22ha, có 36 hộ tham gia. Đây là tổ sản xuất chôm chôm theo tiêu chuẩn GlobalGAP đầu tiên của huyện được công nhận. Thế nhưng mô hình rất khó nhân rộng, bởi chi phí quá cao và còn nhiều chuyện phải bàn.

10/09/2014
Mỹ Cho Phép Nhập Khẩu Vải Và Nhãn Tươi Từ Việt Nam Mỹ Cho Phép Nhập Khẩu Vải Và Nhãn Tươi Từ Việt Nam

Theo quyết định được Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố vào cuối tuần trước, vải và nhãn tươi của Việt Nam sẽ được phép xuất khẩu vào Mỹ nếu đáp ứng được 1 số tiêu chuẩn về vệ sinh-an toàn thực phẩm.

10/09/2014