Làm Giàu Từ Trồng Lan

Mấy năm trở lại đây, do tốc độ đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn quận Hà Đông ngày càng giảm dần nên nhiều hội viên nông dân chuyển sang mô hình trồng hoa lan, đem lại thu nhập cao.
Nói đến trồng lan ở Hà Đông, không thể không nhắc tới vườn lan của ông Đặng Như Thưởng, tổ dân số 2, phường Yên Nghĩa. Với diện tích 1.000m², từ năm 2007, ông Thưởng đã đầu tư trên 300 triệu đồng để xây dựng hệ thống giàn treo, giàn phun nước cho hàng nghìn chậu lan, giò lan Đai Châu (tên dân dã là Tai Trâu), Quế, Tam Bảo Sắc, Hoàng Nhạn, Sóc, Cáo… mỗi năm ông Thưởng thu về hàng trăm triệu đồng. Riêng năm 2011, ông thu gần 400 triệu đồng tiền lan. "Thị trường tiêu thụ lan tương đối thuận lợi, thương lái thường tìm về đến tận nhà, mua cả vườn lan" - ông Thưởng cho biết.
Từ một vài hộ, đến nay phong trào trồng lan đã lan ra nhiều xã, phường của quận Hà Đông như Phú Lãm, Biên Giang, Văn Quán… Điều đáng nói là trồng lan tận dụng được diện tích sân vườn với nhiều quy mô khác nhau. Tận dụng mảnh vườn trước nhà, ông Vũ Hồng Doanh, một cựu chiến binh ở tổ 1, phường Phú Lãm cũng gây dựng được vườn lan hơn 500m² với gần 1.000 giò lan lớn nhỏ. Ông Doanh chia sẻ, phong lan bán được quanh năm, mỗi giò lan cả giá thể gỗ bán thấp nhất cũng được 200.000 - 500.000 đồng, giò đẹp có giá 5 - 7 triệu đồng. Trồng lan vừa để chơi cảnh, vừa làm kinh tế, mỗi năm ông Doanh cũng thu bình quân 50 - 60 triệu đồng.
Theo Hội Nông dân quận Hà Đông, hiện toàn quận chỉ còn hơn 1.200ha đất nông nghiệp trong khi số người trực tiếp sống bằng nông nghiệp chiếm khoảng 45% dân số. Bà Đỗ Thị Năm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân quận Hà Đông cho biết, cùng với các ngành nghề dịch vụ, buôn bán, việc phát triển các mô hình trồng rau an toàn, hoa, cây cảnh, trong đó có hoa lan sẽ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân. Đến nay, trên địa bàn quận Hà Đông đã có hàng trăm hộ dân phát triển mô hình trồng lan. Hội Hoa lan Hà Đông cũng ra đời thu hút trên 100 hội viên tham gia.
Tuy nhiên, theo những hộ trồng lan, mô hình này đòi hỏi vốn đầu tư lớn để xây dựng hệ thống giàn treo. Cùng với đó, cây lan yêu cầu kỹ thuật chăm sóc cầu kỳ, nhất là về ánh sáng, độ ẩm. Do đó, để nhân rộng mô hình trồng lan, cần có sự hỗ trợ về vốn và tập huấn kỹ thuật cho các hộ nông dân. Đặc biệt, tại các vùng ven đô có thể kết hợp trồng lan với cây ăn quả, trong đó tận dụng các cây ăn quả như nhãn, bưởi để treo lan. Cách làm này giúp giảm chi phí đầu tư giàn treo, tăng hiệu quả kinh tế cho người nông dân.
Related news

Sau một thời gian dài đối mặt triền miên với dịch bệnh, hàng loạt đầm tôm công nghiệp của người dân trên địa bàn huyện Đầm Dơi (Cà Mau) bỏ trống. Thế nhưng, những tháng gần đây nuôi tôm công nghiệp có dấu hiệu phục hồi trở lại khi quy trình sản xuất cũ được thay đổi bằng quy trình nuôi mới an toàn, đạt chất lượng, hiệu quả cao. Đây thật sự là một tín hiệu vui không chỉ cho nông dân mà còn cho nền kinh tế của huyện.

Những ngày qua, nhiều người dân hiếu kỳ kéo đến chùa Phước Thạnh - Cây Dương (ấp Phước Thuận, xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng - Tây Ninh) để chiêm ngưỡng bụi củ mì khổng lồ nặng trên 90kg, trong đó củ to nhất có chiều dài khoảng 1m, nặng gần 12kg.

Khi diện tích đất sản xuất ít, nhiều hộ nông dân đã xen canh những loại cây trồng ngắn ngày vừa tăng thêm nguồn thu, vừa có tác dụng bổ sung chất dinh dưỡng cho cây trồng chính. Trước đây, nông dân thường chọn xen cây mì vào vườn cao su non nhưng đất ngày càng bạc màu, làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của cây trồng chính.

Ông Lê Xuân Phiên, Bí thư chi bộ thôn 10, xã Thống Nhất (Bù Đăng) cho biết, toàn thôn có 168 hộ dân nhưng đã có khoảng 70% số hộ biết đa dạng hóa cây trồng trên cùng một diện tích cho hiệu quả kinh tế cao. Người dân thôn 10 chủ yếu trồng xen hồ tiêu, cà phê trong vườn điều. Một số hộ kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới tán cây...

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của xã Thanh Lương (TX. Bình Long). Đặc biệt trong 4 năm gần đây, chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học đang phát triển mạnh về số hộ nuôi và tổng đàn. Toàn xã hiện có khoảng 30 hộ chăn nuôi gà thả vườn với quy mô 1.000-15.000 con/lứa. Trong đó phải kể đến Câu lạc bộ (CLB) chăn nuôi gà thả vườn an toàn sinh học Thanh Bình.