Làm Giàu Từ Trồng Chanh Xen Trong Vườn Điều, Cà Phê
Trồng thành công giống chanh Bắc trên vùng rừng núi chỉ quen với những loại cây công nghiệp như điều, cà phê, cao su, anh Đinh Văn Anh ở thôn 9, xã Đức Liễu (Bù Đăng - Bình Phước) khiến nhiều người khâm phục.
THU LỢI TỪ CÂY CHANH
“Mấy năm gần đây, điều mất mùa, mất giá. Nhiều nơi trong tỉnh nông dân đua nhau chặt bỏ điều trồng cao su, hồ tiêu, hoặc xen canh, đa canh nhiều giống cây trồng, vật nuôi trong vườn điều để tăng năng suất. Không chạy theo phong trào, tôi quyết định xen canh cà phê, chanh vào vườn điều già cỗi. Khi chanh, cà phê cho thu hoạch thì loại dần những cây điều xấu cho năng suất thấp để mở rộng diện tích cây chanh”, anh Đinh Văn Anh nói.
Từ tỉnh Phú Thọ vào Bình Phước lập nghiệp (năm 1998), anh Anh mang theo 2 cây chanh. Chanh chỉ để trồng lấy trái ăn. Không ngờ chúng lại hợp với khí hậu, đất đai ở đây nên phát triển rất tốt. Từ 2 cây, nay gia đình anh đã nhân giống thành công, mở rộng diện tích với 700 cây xen trong vườn điều, cà phê. Trong 700 cây lớn, nhỏ, chỉ có 300 cây cho thu chính, còn lại đang cho bói.
Trao đổi về thị trường tiêu thụ, anh Đinh Văn Anh cho biết, với giống chanh Bắc, gia đình anh không lo đầu ra. Rất nhiều chợ đầu mối đề nghị anh cung cấp nhưng không có để bán. Hiện gia đình anh chỉ bán cho các tiểu thương ở chợ xã Thống Nhất. Với giá bán trung bình 20 ngàn đồng/kg lợi nhuận thu được khá cao, chưa tính lợi nhuận thu được từ điều và cà phê.
MỞ RA HƯỚNG LÀM ĂN MỚI
Ngoài bán chanh trái, gia đình anh còn thu lợi từ bán cây giống. Thay vì phải tỉa cành tạo tán cho cây, đối với cây chanh anh chiết cành làm giống. Chanh càng chiết cành càng ra nhiều chồi mà vẫn không ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây. Để có thu nhập cao, anh điều chỉnh để chanh ra trái vụ, bán với giá cao hơn. Chanh trồng 2 năm sẽ cho thu bói, 3 năm cho thu chính.
Nhờ dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, thu hoạch và chi phí đầu tư ít nên rất nhiều hộ đã mua giống chanh của gia đình anh về trồng. Xã Đức Liễu và Thống Nhất (Bù Đăng) đã có khoảng 10 ha chanh Bắc xen trong vườn điều đem lại hiệu quả kinh tế cao. Anh cho biết, rất nhiều người có nhu cầu trồng giống chanh Bắc nhưng gia đình chưa cung cấp đủ. Mùa mưa vừa qua, gia đình anh bán được gần 7.000 cây giống với giá 30.000 đồng/cây.
Chia sẻ kinh nghiệm trồng chanh, anh cho biết: Chanh ít bệnh, chủ yếu là bệnh sâu vẽ bùa làm xoăn lá nhưng không ảnh hưởng nhiều đến sự sinh trưởng và phát triển của cây. Chanh ra trái quanh năm nhưng cho thu chính vụ vào tháng 4 và tháng 8-9. Mỗi cây chanh cho thu hoạch bình quân 60-70kg (có những cây được 100kg/lần thu). Với 300 cây đang cho thu chính, trừ chi phí mỗi năm gia đình anh thu về khoảng 400 triệu đồng. Theo anh, sau mỗi lần thu hoạch phải bón phân cho cây. Mỗi năm bón phân 2 lần (chủ yếu là phân NPK) và xịt thuốc trừ sâu 3 lần với chi phí chỉ dưới 10 triệu đồng cho cả vườn chanh 700 cây.
Ông Trần Văn Sỹ, Trưởng thôn 9, xã Đức Liễu nói: Mô hình trồng chanh Bắc xen trong vườn điều, cà phê của gia đình anh Đinh Văn Anh đang được nhiều nông dân trong vùng lựa chọn. Cây chanh đặc biệt phù hợp với khí hậu khô nóng của Bình Phước nên rất hiệu quả. Với thu nhập 400 triệu đồng/300 gốc chanh mỗi năm, rất nhiều hộ trong thôn đã mua giống chanh của gia đình anh để trồng xen trong vườn điều. Đây là mô hình nhiều triển vọng.
Chanh Bắc có sức chịu hạn tốt, không kén đất, sai trái. Quả chanh to, vỏ mỏng, mọng nước, có mùi thơm nên được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Đặc biệt, khi ngâm phối hợp với một số nguyên liệu như mật ong, đường phèn sẽ thành bài thuốc trị ho rất hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
Về xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn, Bình Định) những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, chúng tôi thật ấn tượng với không khí nhộn nhịp chuẩn bị đón xuân mới của người dân địa phương. Năm nay nhân dân Tam Quan Bắc ăn Tết vui nhờ nghề cá đạt hiệu quả kinh tế cao.
Đã qua mùa nước lớn, sông Tiền vẫn mênh mang, khoáng đạt như sóng lụa dạt dào bao quanh xứ lụa Tân Châu (An Giang). Tưởng vẫn còn nghe đâu đây câu hò :“Bên nàng mặc lãnh Mỹ A, Đưa đò sang chợ, tưởng xa hóa gần...”. Những bè nuôi cá lồng quây quần thành từng cụm rải rác hai bờ sông từ lâu đã thành một phần không thể thiếu để hoàn thiện bức tranh sông nước sống động.
Đời ngư dân quanh năm lấy thuyền làm bạn, xem biển là nhà và đánh bắt hải sản cốt sao vò gạo gia đình không bị vơi. Thế nhưng, nhiều khi biển "nổi sóng" lại khiến họ lắm phen lao đao, đơn cử như Xuân Giáp Ngọ năm nay…
Mặc dù sản lượng, giá cá ngừ thấp nhưng những ngày giáp Tết Nguyên đán, ngư dân TP Tuy Hòa vẫn hồ hởi, tấp nập cho tàu cập bến, vận chuyển cá lên bờ bán cho các thương lái.
Để nâng cao hiệu quả nuôi trồng thuỷ sản, UBND huyện chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tập huấn kỹ thuật, có chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng, khuyến khích nông dân mở rộng diện tích, khảo sát lập quy hoạch xây dựng làng nuôi trồng thủy sản.