Làm Giàu Từ Trồng Bưởi Diễn Xen Cây Dược Liệu

Những năm gần đây từ phong trào thi đua phát triển kinh tế đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vươn lên làm giàu trên đồng đất quê hương. Ông Phạm Văn Oai ở thôn Đức Nhuận, xã Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên) là một trong những người như thế.
Gia đình ông Oai có 1 mẫu ruộng, trước đây quanh năm trồng ngô, trồng táo, đậu tương… nhưng vất vả mà cho hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2000, ông có cơ hội đi tham quan mô hình trồng bưởi Diễn ở Hà Nội do huyện Khoái Châu tổ chức và được giới thiệu về cây bưởi Diễn dễ trồng, dễ chăm sóc, được nhiều người ưa chuộng lại bán được giá cao. Sau lần ấy, ông mạnh dạn đưa 300 cây bưởi Diễn xuống ruộng của gia đình.
Cây bưởi trồng sau 1 năm bắt đầu cho quả, tuy nhiên khi cây bưởi còn ít năm thì chất lượng quả chưa ngon nên những năm đầu ông không lấy quả mà tập trung nuôi cây. Bắt đầu từ năm thứ tư thì ruộng bưởi Diễn cho thu hoạch.
Từ tháng 10 âm lịch hàng năm, gia đình ông đã đón những thương lái khắp nơi tìm đến tận ruộng đặt mua những quả bưởi ngon, mẫu mã đẹp để mang đi khắp nơi bán. Hàng năm 1 mẫu bưởi Diễn này cho thu khoảng 12.000 quả, bán với giá trung bình 25.000- 35.000 đồng/quả, trừ mọi chi phí cho lãi 300- 320 triệu đồng/năm.
Những năm gần đây, ông Oai còn tìm tòi, đưa cây tam thất nam và cây địa liền vào trồng xen cây bưởi Diễn. Đây là hai loại cây dược liệu, thường được trồng vào tháng Giêng, tháng Hai âm lịch và đến khoảng tháng 11-12 âm lịch là có thể thu hoạch.
Việc trồng xen tam thất nam, địa liền không những không làm ảnh hưởng tới sự phát triển của cây bưởi Diễn mà ngược lại, tam thất, địa liền được trồng bên dưới vừa có thể tận dụng được lượng phân bón, thuốc trừ sâu bón cho bưởi, vừa hạn chế được cỏ dại, đến tháng 5, tháng 6, lá tam thất, địa liền xòe rộng phủ kín mặt đất có tác dụng giữ độ ẩm cho cây bưởi trong những ngày nắng hạn.
Không những vậy, tam thất, địa liền còn là loại cây ít bệnh, dễ chăm sóc và mang lại thu nhập cao. Mỗi năm gia đình ông thu 2,5- 3 tấn tam thất nam, địa liền, được thương lái đến tận nơi thu mua với giá 9.500- 10.000 đồng/kg.
Chia sẻ về bí quyết trồng bưởi Diễn, ông Oai nói: “Để trồng bưởi Diễn ngon, trước hết người trồng phải chọn mua được loại cây giống chất lượng, được chiết từ cành trung tán, tuyệt đối không lấy cành ngọn tán. Khi trồng, chú ý phải trồng cách mặt nước ngầm khoảng 50cm bởi đây là loại cây dễ chết vì ngập úng.
Hàng năm, sau khi thu hoạch quả phải chăm bón cho cây bằng các loại phân bón lót, nghiền ngô, đỗ tương trộn với phân lân, tưới nước giữ ẩm và cắt, tỉa cành cho cây. Đến tháng Giêng, tháng Hai, khi cây ra hoa, đậu quả thì bổ sung thêm phân NPK; khoảng tháng 4- 5 âm lịch thì tỉa bớt quả nhỏ, vẹo… để quả đều trên cây.
Từ lúc này đến khi thu hoạch thì phải thường xuyên kiểm tra cây, quả để sớm phát hiện ra sâu bệnh và xử lý, đồng thời bổ sung thêm phân bón cho những cây yếu. Trong quá trình trồng, chăm sóc bưởi Diễn nên sử dụng các loại phân chuồng, phân vi sinh, hữu cơ vì các loại phân bón này sẽ tốt cho cây, làm bền cây và tốt cho đất”.
Cùng với 1 mẫu ruộng, gia đình ông còn nuôi thả cá trôi, cá mè trên 1 mẫu ao. Hàng năm cho thu trên 5 tấn cá. Ngoài ra, gia đình ông còn chăn nuôi 15- 20 con lợn nái, 100- 120 con lợn thịt để vừa có thêm thu nhập, vừa có nguồn phân chuồng bón cho cây. Từ việc nuôi thả cá và nuôi lợn, gia đình ông có thêm thu nhập khoảng 1,2 tỷ đồng/năm.v
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, việc ứng dụng phương pháp nuôi gà an toàn sinh học dưới tán cây lâu năm ở Bình Phước đã và đang mang lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi. Hình thức này còn góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời tạo ra sản phẩm gà sạch, bảo đảm an toàn sức khỏe người tiêu dùng. Cách làm của hộ ông Lê Xuân Tuyến ở ấp 1, xã Minh Lập (Chơn Thành) là ví dụ điển hình.

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu giống vật nuôi và thức ăn chăn nuôi, họ đang gặp phải nhiều vướng mắc liên quan đến vấn đề cấp phép kiểm dịch và nhập khẩu.

Bà con nông dân ấp Nam Hải, xã Đại Hải, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng vốn gắn bó với nghề chăn nuôi từ lâu. Bên cạnh việc trồng lúa, hầu hết nông hộ đều có chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Những năm 2010 trở về trước, nuôi heo nái và heo thịt quy mô gia trại là thế mạnh ở đây.

Là xã thuần nông, những năm qua xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, toàn xã có 1.699 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, thu nhập từ chăn nuôi chiếm 40% giá trị sản xuất nông nghiệp. Vật nuôi cho giá trị thu nhập cao nhất phải kể đến con trâu.

Nằm trong vùng sinh thái có khí hậu đặc thù của Tây Nguyên, lượng mưa trung bình năm đạt 1.600 – 1.800 mm, với diện tích đồng cỏ tự nhiên rộng lớn, đa dạng rất thích hợp với phát triển chăn nuôi đại gia súc, việc đưa bò ngoại vào chăn nuôi thử nghiệm tại huyện M’Drak thành công đã mở ra nhiều triển vọng mới cho ngành chăn nuôi Dak Lak.