Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giải pháp trong nuôi trồng thủy sản mùa nắng nóng

Giải pháp trong nuôi trồng thủy sản mùa nắng nóng
Ngày đăng: 14/07/2015

Tại các vùng nuôi cá nước ngọt, thời tiết nắng nóng làm giảm sức đề kháng của cá và cũng làm các khí độc trong ao sản sinh như H2S, NH3… Đó cũng là điều kiện để mầm bệnh dễ dàng có cơ hội phát triển và xâm nhập vào cơ thể cá với các bệnh do ký sinh trùng hoặc các bệnh do vi khuẩn, vi-rút như: bệnh đốm đỏ, bệnh viêm ruột... Để chủ động chăm sóc, bảo vệ các loài thủy sản trong mùa nắng nóng, Phòng NN & PTNT huyện đã chỉ đạo các xã có diện tích nuôi trồng, cử cán bộ tăng cường xuống cơ sở nắm bắt tình hình, giám sát và hướng dẫn các hộ nuôi tuân thủ chặt chẽ quy trình, kỹ thuật các đối tượng nuôi thủy sản.

Hướng dẫn các chủ ao, đầm đang nuôi quản lý tốt môi trường; thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường trong ao, vùng nuôi, tình trạng sức khoẻ của các đối tượng nuôi. Tùy điều kiện từng nguồn nước cấp, các hộ tính toán thả giống với mật độ vừa phải, cân đối cơ cấu giống hợp lý và thường xuyên quan sát ao nuôi, tình trạng ao đầm, loài nuôi để kịp thời xử lý, không để bệnh lây lan. Đồng thời gia cố các bờ ao để chống xói lở và chống nước mưa có thể kéo theo các chất thải hữu cơ vào trong ao.

Gia đình Anh Nguyễn Thái An ở xóm 10, xã Quỳnh Yên có 1 ha ao nuôi các loại cá truyền thống như: trắm, trôi, chép, mè… Anh cho biết: Ngay từ đầu vụ, trước khi xuống giống, gia đình tập trung vệ sinh ao bằng cách thả vôi bột xuống đáy ao. Từ khi thả giống đến nay, mỗi tháng anh rắc vôi bột 3 lần và sử dụng thêm một số loại chế phẩm sinh học để ổn định môi trường nuôi. Anh đã thả thêm bèo tây che chắn, giảm cường độ nắng chiếu xuống ao và chủ động dùng dụng cụ đo độ pH trong ao để theo dõi diễn biến môi trường nước. Theo anh, những ngày thời tiết biến động, người nuôi cần phải kiểm soát lượng thức ăn cho cá vừa phải, không để cá ăn quá no, gây hại đến đường ruột. Nhờ chăm sóc tốt nên gần chục năm qua, những vụ nuôi của gia đình anh hầu như không xảy ra dịch bệnh, mỗi năm gia đình anh xuất bán ra thị trường trên 1 tấn cá thương phẩm cho thu lãi trên 20 triệu đồng.

Còn tại các vùng nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh mật độ cao trong những ngày qua, các hộ nuôi đã và đang tích cực bổ sung nước cho ao nuôi, duy trì mức nước trong ao nuôi từ 1,2 - 1,4m trở lên để tránh hiện tượng tôm bị sốc do nhiệt độ môi trường tăng cao. Đồng thời tăng thời gian sử dụng quạt đảo nước tạo ô-xy cho ao, làm tăng trao đổi chất, đảm bảo ô-xy cho tôm, tránh hiện tượng ngạt khí. Ông Hồ Văn Báu ở xã Quỳnh Thanh hiện có 3 ha nuôi tôm thẻ chân trắng đã thả giống được 40 ngày cho biết: “Trong điều kiện nắng nóng liên tục như hiện nay, trước khi cho tôm ăn, tôi phải kiểm tra độ pH và nhiệt độ dưới ao, nếu nhiệt độ nóng quá, tôi sử dụng quạt nước tạo ô-xy, chờ trời mát mới cho tôm ăn và cho ăn thành nhiều bữa trong ngày.

Đây là biện pháp giảm chất thải hữu cơ trong ao nuôi thông qua giảm lượng thức ăn dư thừa và thức ăn bị phân giải trong nước để tránh ô nhiễm môi trường nước, hạn chế các bệnh phát triển. Bên cạnh đó, tôi phải thường xuyên bổ sung chất khoáng và vitamin vào khẩu phần ăn để tăng sức đề kháng của tôm. Định kỳ sử dụng vôi và một số loại chế phẩm sinh học cải thiện chất lượng nước phòng bệnh tổng hợp cho đàn tôm. Trong đợt mưa cuối tháng 6 và đầu tháng 7 vừa qua, để tránh cho tôm bị sốc nhiệt, tôi đã tăng lượng quạt đảo khí và mỗi ao 1.000m2 bổ sung thêm 3 kg khoáng đa vi lượng nên đến nay, toàn bộ diện tích nuôi tôm của gia đình vẫn phát triển ổn định, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Đồng thời thu mẫu để cảnh báo sớm môi trường và dịch bệnh do vi-rút gây ra trên tôm như: bệnh đốm trắng, đầu vàng, hoại tử gan, hoại tử dưới vỏ…”.

Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, các hộ nuôi đã phát huy tốt tinh thần cộng đồng, cùng nhau tổ chức triển khai tốt các biện pháp phòng dịch, không để mầm bệnh phát tán ra môi trường và diện tích xung quanh. Cùng đó, ngành Nông nghiệp và chính quyền các xã tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về kinh doanh thức ăn, hóa chất cấm, chế phẩm sinh học không có trong danh mục được phép lưu hành, con giống không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch.

Năm nay, thời tiết được dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của những đợt nắng nóng kéo dài kèm theo đó là những cơn mưa chuyển mùa với lượng mưa lớn gây ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản, nhất là hoạt động nuôi tôm nước lợ. Do đó, các hộ nuôi thủy sản cần quan tâm theo dõi những bản tin dự báo thời tiết của Trung tâm Khí tượng thủy văn, chủ động hơn trong việc ứng phó, có những giải pháp phòng tránh thiệt hại cho tôm, cá, nâng cao giá trị của hoạt động nuôi trồng thủy sản.


Có thể bạn quan tâm

Hốt tiền triệu mỗi ngày nhờ hái rong mơ Hốt tiền triệu mỗi ngày nhờ hái rong mơ

Từ tháng 3 đến tháng 6 âm lịch hằng năm, ngư dân Quảng Nam lại giong thuyền ra khơi, ngụp lặn hái rong mơ.

09/06/2015
Có hơn 50 thương nhân Trung Quốc thu mua vải thiều Có hơn 50 thương nhân Trung Quốc thu mua vải thiều

Theo số liệu của cơ quan chuyên môn, tính đến ngày 4/6, đã có hơn 50 thương nhân là người Trung Quốc đến huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) thu mua vải thiều.

09/06/2015
Mở toang cửa xuất khẩu rau quả tiềm năng thị trường và câu chuyện trái Kiwi Mở toang cửa xuất khẩu rau quả tiềm năng thị trường và câu chuyện trái Kiwi

Từ chủ đề thời sự nhất với XK nông sản là vải thiều lên máy bay đi Mỹ, Úc, nông sản Việt Nam nói chung, rau quả nói riêng đã tiến những bước rất dài.

09/06/2015
Nhà vườn khóc ròng vì đu đủ chẳng ai mua Nhà vườn khóc ròng vì đu đủ chẳng ai mua

Sau hành tím Vĩnh Châu và ổi lê, nhà vườn trồng đu đủ ở ĐBSCL như đang ngồi trên đống lửa vì đến kỳ thu hoạch nhưng chẳng thương lái nào mua, dù giá bán rẻ mạt.

09/06/2015
Xuất qua nhiều cửa khẩu, vải thiều được giá cao Xuất qua nhiều cửa khẩu, vải thiều được giá cao

Khác với mọi năm, vụ mùa vải thiều này, các chủ hàng được xuất bán qua các cửa khẩu chính của Lạng Sơn, như: Tân Thanh, Cốc Nam (huyện Văn Lãng), Chi Ma (huyện Lộc Bình). Hàng hóa trao đổi nhanh chóng, giá cả nhích lên từng ngày.

09/06/2015