Làm Giàu Từ Nuôi Ếch
Với ý chí tự lực làm giàu bằng mô hình nuôi ếch sinh sản và ếch thịt trong bể xi măng, thanh niên Bùi Sơn Nam, ở ấp Trường Hiệp, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang hiện là dân quân cơ động, nhưng có thu nhập khoảng 200 triệu đồng ngay năm đầu thực hiện mô hình.
Xuất thân từ một gia đình nông dân, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, ý chí làm ăn tạo sự nghiệp cho bản thân luôn ấp ủ trong Nam. Nhận thấy nơi đây điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhưng ít người chăn nuôi, đặc biệt là nghề nuôi ếch. Khi được tham quan trại nuôi ếch của một số hộ dân ngoài tỉnh cho hiệu quả kinh tế cao, Nam học hỏi kinh nghiệm và mạnh dạn xin gia đình hỗ trợ kinh phí xây dựng 10 bể xi măng nuôi.
Khởi nghiệp với 40 con ếch bố mẹ cho sinh sản, nhờ chăm sóc tốt, chưa đầy một năm ếch cho ra hàng chục ngàn con. Lúc nào ếch giống hút hàng thì bán ếch con, rẻ thì để lại nuôi thịt. Một con ếch con khi được sinh ra đến trưởng thành phối giống sinh sản mất thời gian khoảng 12 tháng và ếch thịt nuôi 4 tháng là có thể xuất bán. Gần một năm qua, Nam xuất bán khoảng 150 triệu đồng tiền ếch thịt và con giống. Nam cho biết: “Dù đầu tư bể xi măng chi phí rất cao (60 triệu đồng), nhưng vẫn cho lãi 90 triệu đồng sau khi trừ chi phí”.
Tuy nuôi ếch trong bể xi măng chi phí đầu tư chuồng trại cao hơn nuôi trong mùng lưới, nhưng Nam cho biết cách nuôi này dễ kiểm soát được dịch bệnh. Lúc đầu nuôi cũng gặp nhiều khó khăn trong vấn đề kỹ thuật, nhưng dần dần tích góp kinh nghiệm từ sách, báo, nghe đài và thực tiễn của bản thân đã giúp cho mô hình nuôi ếch đạt được hiệu quả.
Theo Nam, để cho ếch sinh sản tốt và đẻ sai, trước tiên cần phải chọn con ếch khỏe mạnh, thân dài. Trung bình một con ếch đẻ một năm 3 lần, mỗi lần đẻ và nở ra từ 1.500 - 2.000 con. Muốn ếch sinh sản tốt, ngoài thức ăn dạng viên còn bổ sung thêm cá, ốc. Mặt khác, chuồng trại cũng được quan tâm hàng đầu, nếu không đảm bảo sạch sẽ dễ gây bệnh, nhất là bệnh ghẻ, mù mắt. Hiện tại, ngoài 10 ao ban đầu, Nam còn thả thêm 12 mùng lưới nuôi trong mương vườn, tổng số khoảng 20.000 con ếch lớn - nhỏ. Vậy là từ 20 cặp ếch bố mẹ ban đầu, hơn một năm thực hiện mô hình, Nam nắm trong tay hơn 250 triệu đồng từ tiền bán ếch và số nuôi hiện tại, thật là một khoản tiền không nhỏ.
Ở địa phương có rất nhiều người nuôi ếch, nhưng không phải ai cũng thành công. Bí quyết trước khi nuôi của Nam là phải tự tìm được mối tiêu thụ ếch thịt ổn định, từ đó Nam đi rất nhiều nhà hàng bắt mối để bán. Nam cho biết, nếu bán trực tiếp cho nhà hàng thì giá cao gần gấp đôi so với bán cho thương lái, nhưng ếch phải đạt chất lượng. Nghĩa là ếch phải mập, đùi phải to và chắc.
Để đạt yếu tố này, phải thường xuyên tuyển chọn ếch, những con trọng lượng gần bằng nhau thì bỏ chung một bể. Nếu không tuyển con lớn thì ếch nhỏ không thể ăn mồi, ếch lớn lấn át con nhỏ, ếch sẽ không lớn đồng đều, thậm chí con lớn ăn thịt con nhỏ, dẫn đến hao hụt số lượng. Nam chia sẻ kinh nghiệm: “Muốn thành công ngoài nắm vững kỹ thuật, thì trước khi nuôi phải tìm đầu ra ổn định mới bền vững để không gặp cảnh thừa hàng, dội chợ, giá thấp”.
Chững chạc trong cách nghĩ, cách làm, xông xáo trong làm ăn, lúc nào cũng muốn làm thật nhiều, thật giỏi để làm giàu cho gia đình và xã hội. Ngoài ra, còn sẵn sàng nhận nhiệm vụ mỗi khi có quyết định điều động tham gia huấn luyện và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Với những thành tích nổi bật, Bùi Sơn Nam mới đây còn được báo cáo điển hình tại Đại hội thi đua quyết thắng tỉnh.
Có thể bạn quan tâm
Trong những năm qua, để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn, Trạm Khuyến nông huyện Văn Bàn (Lào Cai) đã tập trung hỗ trợ nông dân về kỹ thuật sản xuất; cách phòng, chống dịch bệnh hại cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là xây dựng mô hình trình diễn. Mặc dù qua đánh giá, các mô hình trình diễn đều mang lại hiệu quả cao, người dân rất phấn khởi tham gia, nhưng khả năng nhân rộng lại hạn chế. Nguyên nhân là do khó tìm được đầu mối cung ứng giống, đòi hỏi đầu tư, thâm canh cao, thị trường tiêu thụ không ổn định... Những khó khăn đó đòi hỏi khi xây dựng mô hình cần phải tìm hiểu kỹ để khắc phục những hạn chế trên.
Hiện nay, năng suất bình quân của cây mía tại Đồng Nai đạt khoảng trên 59 tấn/hécta/năm. Tuy nhiên, một số nông dân trong tỉnh lại có “bí quyết” đẩy năng suất mía cao gấp 1,5 - 2 lần mức bình quân.
Cây cam sành ở nước ta được trồng nhiều ở các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Vĩnh Long, Tiền Giang, Cần Thơ…
Theo kế hoạch, năm 2012, Hiệp hội càphê ca cao Việt Nam (Vicofa) sẽ hỗ trợ năm tỉnh Tây Nguyên và một số doanh nghiệp càphê trên địa bàn tổng cộng 296.000 cây giống càphê.
Nuôi cá trên ruộng lúa trong mùa nước nổi thay cho vụ lúa Thu đông kém hiệu quả ngày càng được nhiều nông dân áp dụng ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang). Mô hình này góp phần thay đổi tập quán từ sản xuất độc canh 3 vụ lúa/năm, chuyển sang hình thức luân canh lúa - cá mang lại hiệu quả kinh tế cao.