Làm giàu từ mô hình nuôi chim cút
Chim cút được nuôi đầu tiên ở xã Thạch Khê ở hộ gia đình anh Trương Văn Tuấn. Anh có duyên với những con chim cút từ những năm 2000 – 2001, khi công việc là thu mua thực phẩm cung cấp cho các nhà hàng tại thành phố Hà Tĩnh. Hồi đó, món chim cút cũng như trứng cút rất được ưa chuộng và lúc nào cũng đắt hàng.
Nhưng để có mặt hàng này anh phải tìm hiểu, liên hệ nhiều nơi ở các tỉnh khác mới có. Sau một thời gian, anh suy nghĩ, vì sao ở những tỉnh khác họ nuôi được mà ở Hà Tĩnh lại không ai nuôi con vật này. Xuất phát từ ý nghĩ đó, anh đã bỏ nhiều công sức tìm hiểu đặc điểm con vật này xem có thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương hay không và cuối cùng, anh quyết định mua giống về nuôi thử. Mới đầu anh chỉ nuôi với số lượng ít, nhưng anh nhận thấy đây là đối tượng không khó nuôi. Từ đó, anh tăng số lượng chim và mở rộng diện tích nuôi.
Cũng chính sự say mê với con chim cút mà dù sau hai lần thay đổi nơi ở, anh vẫn một mực “trung thành” với nó. Đến năm 2010, gia đình anh bắt đầu ổn định, lập nghiệp tại thôn Long Giang, xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà và anh đã không quên mang theo “người bạn” của mình. Hiện nay, với khu vườn khá rộng, một bên anh làm nhà ở, một bên anh xây dựng một trại chim cút với số lượng 10.000 con.
Ban đầu, anh cũng chỉ mua 2000 con chim cút còn nhỏ về làm giống, sau đó anh cho đẻ và nhân giống. Gia đình anh đầu tư cả lò ấp nên rất thuận tiện cho quá trình ấp nở. cũng có khi đàn cút của anh lên đến vài vạn con. Những thời điểm đó, anh vừa cho đẻ lấy trứng, vừa nuôi chim thịt và bán cả chim giống.
Thời gian để một con chim cút trưởng thành và đẻ trứng là khoảng 35 - 40 ngày. số lượng chim đẻ trứng khoảng 85 - 90%. Ưu thế nổi trội của chim cút là liên tục cho trứng trong vòng 07 tháng đến 09 tháng. Sau khoảng thời gian trên thì năng suất trứng sụt giảm. Lứa chim đó sẽ loại thải bằng cách bán chim thịt với giá 4.000 – 5.000 đồng/con. Hiện nay, với số lượng 10.000 con, anh đang cho 3.000 con đẻ lấy trứng lộn, còn lại là cho đẻ lấy trứng thường.
Cứ mỗi ô chuồng anh ghép 30 con chim mái với 10 con chim trống và mỗi ngày thu được 2.500 quả trứng lộn, 4.000 quả trứng thường. Nhờ chăm sóc tốt nên đàn chim cút nhà anh đẻ rất đều. Với giá bán 6.500 đồng/chục quả trứng cút lộn, 4.000 đồng/chục quả trứng thường, mỗi ngày anh thu trên 3 triệu đồng, trừ mọi chi phí, mỗi tháng anh thu về trên 40 triệu đồng. Nhờ đó, kinh tế gia đình anh vững hơn, có nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi, con cái học hành đến nơi đến chốn. Bây giờ, anh đang thuê 0,5 ha ao đầm của xã để nuôi thêm tôm thẻ chân trắng.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, nhờ có kinh nghiệm nhiều năm nên ai có nhu cầu nuôi chim cút, anh đều chia sẻ kinh nghiệm cho họ. Vì thế, riêng ở thôn Long Giang, đã có hơn chục hộ nuôi chim cút, mỗi hộ nuôi từ nghìn con trở lên và đều được anh cung cấp con giống cũng như kinh nghiệm trong chăn nuôi. Hiện nay, gần nhà anh Tuấn có gia đình anh Trương Văn Dũng đang nuôi chim cút với số lượng 3000 con, anh Trương Đăng Chương đang nuôi 5000 con… và cho thu nhập khá ổn định.
Anh Tuấn cho biết: nuôi chim cút đòi hỏi phải chăm sóc, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, đảm bảo đủ ánh sáng. Mật độ nuôi không quá dày (40 - 50 con/m2). Mùa hè, thời tiết nắng nóng, nên vệ sinh chuồng thông thoáng, giữ nhiệt độ mát mẻ; còn mùa đông, do thời tiết lạnh, chim sinh sản chậm nên cần đảm bảo ánh sáng và tăng độ ấm, nhiệt độ thích hợp cho chim cút phát triển là 20 - 300C. Mô hình nuôi chim cút có ưu điểm là nhanh thu hồi lại vốn, hơn thế nữa chi phí đầu tư không cao, ít bị dịch bệnh, ít tốn công chăm sóc, rất phù hợp với các hộ nông dân. Người chăn nuôi có thể tranh thủ thời gian nông nhàn để làm mô hình này. Bên cạnh đó, đầu ra cho sản phẩm cũng khá thuận lợi.
Từ mô hình nuôi chim cút của anh Trương Văn Tuấn cũng như các hộ dân ở thôn Long Giang, xã Thạch Khê cho hiệu quả kinh tế cao, nhận thấy chim cút là đối tượng nuôi cần được nhân rộng, nhất là đối với những vùng nông thôn để có thể giúp người nông dân xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Dù không phải xã điểm của tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), nhưng sau 3 năm triển khai, đến nay, diện mạo xã Vị Bình, huyện Vị Thủy đã có nhiều thay đổi. Hạ tầng kinh tế - xã hội, hệ thống chính trị đều được củng cố và phát triển, đời sống của người dân đang từng bước được nâng lên.
Ngay cả những nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ cũng đã có những chính sách thay thế dần nguồn năng lượng hóa thạch (dầu mỏ, than đá) bằng các nguồn năng lượng tái tạo. Nguyên nhân do các nguồn năng lượng hóa thạch đang cạn kiệt dần việc khai thác, sử dụng loại nhiên liệu này là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chi phí ngày càng tăng cao.
Chị Trần Thị Kim Oanh-Chủ tịch Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cho biết: Vật dụng để làm giá đỗ gồm tấm ni lông, bao bố, gạch. Về quy trình làm, ngâm đậu trong thời gian 9 tiếng đồng hồ theo công thức 2 sôi, 3 lạnh.
Những ngày này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã La Bằng (Đại Từ) rất phấn khởi bởi sau 3 năm nỗ lực, đến nay, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới và đang được các ngành chức năng thẩm định hồ sơ để công nhận đạt chuẩn vào tháng 12 tới.
Hiện nay, diện tích chuyên NTTS ở các vùng triều trên địa bàn tỉnh là 18.050 ha, trong đó, nuôi nước ngọt 10.350 ha; nuôi nước mặn, lợ 7.700 ha. Để hoạt động NTTS của người dân đạt hiệu quả, ngay từ đầu vụ nuôi ngành thủy sản đã phối hợp với các địa phương tăng cường tập huấn, hướng dẫn cho nông dân về các đối tượng nuôi, quy trình kỹ thuật nuôi thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa.