Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Làm giàu từ mô hình kinh tế trồng cây ăn quả và chăn nuôi lợn áp dụng công nghệ cao

Làm giàu từ mô hình kinh tế trồng cây ăn quả và chăn nuôi lợn áp dụng công nghệ cao
Tác giả: Nguyễn Thị Gái
Ngày đăng: 16/08/2022

Sau nhiều năm đầu tư xây dựng, hiện anh Luyện làm chủ trang trại với diện tích gần 2,0 ha gồm vườn trồng cây ăn quả chủ yếu là ổi, bưởi và chăn nuôi lợn với hệ thống chuồng trại kiên cố, quy mô hiện đại, diện tích chăn nuôi 1.000 m2.

Để có mô hình thành công như hôm nay, anh và gia đình đã phải trải qua quá trình đầu tư xây dựng hơn 10 năm. Anh cho biết: Sau khi học xong cấp 3, anh đi làm thuê đủ thứ nghề nhưng cũng chẳng tích lũy được bao nhiêu. Năm 2010 anh quyết định về quê lập nghiệp trên vườn cây ăn quả của gia đình rộng gần 1 ha. Nắm bắt được nhu cầu và xu hướng sử dụng các sản phẩm sạch, an toàn, anh tập trung nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng chăm sóc, cải tạo cây ăn quả, theo hướng VietGAP.

Vừa dẫn chúng tôi đi thăm vườn anh vừa chia sẻ: Với cây ổi muốn cho quả đều mẫu mã đẹp thì ngay từ khi quả ổi còn nhỏ như ngón tay cái, anh phải bọc túi nilon cho từng quả để quả ổi vừa không bị sâu ăn, ong châm, ruồi đẻ trứng vào, vừa hạn chế được sử dụng các loại thuốc BVTV. Bên cạnh đó anh dùng các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh cho cây, bón phân theo đúng quy trình, do vậy sản phẩm của gia đình anh có mẫu mã đẹp và chất lượng quả cao, được các thương lái thu mua tại vườn, sản phẩm làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Sau nhiều năm vừa làm vừa tích lũy đầu tư, hiện nay diện tích trồng ổi của gia đình anh đã được mở rộng hơn 1 ha với hàng nghìn gốc ổi lê Đài Loan và hơn 5 sào bưởi Diễn với gần trăm gốc bưởi từ 15 - 20 năm tuổi. Mỗi năm nguồn thu từ vườn ổi và bưởi từ 300 - 500 triệu đồng.

Những tháng ngày làm vườn, anh Luyện nghĩ đến phát triển thêm chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học. Để thực hiện có hiệu quả mô hình chăn nuôi lợn, anh đã tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi lợn trên các phương tiện thông tin đại chúng và tham gia các lớp tập huấn do các công ty cung cấp thức ăn, công ty thuốc thú y và các cơ quan chuyên môn của thành phố, của tỉnh tổ chức. Ngoài ra, anh còn học tập kinh nghiệm thực tế từ các trang trại trong, ngoài tỉnh. Năm 2015, anh đầu tư làm chuồng kiên cố rộng hơn 100 m2 có thể nuôi 80 - 100 con lợn thịt/lứa. Với sự quyết tâm và sự chịu khó học hỏi, anh đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi lợn bán tự động. Năm đầu tiên anh nuôi được 2 lứa, trung bình mỗi lứa lãi từ 110-120 triệu đồng.

Anh cho biết, trong quá trình chăn nuôi của mình, anh đã gặp 02 lần khủng hoảng, khó khăn. Lần đầu vào năm 2017, giá lợn xuống rất thấp và khó tiêu thụ, giá lợn hơi chỉ khoảng   20.000 - 25.000 đồng/kg. Khi đó, anh đang nuôi gần 200 con lợn, có thời điểm vợ chồng anh phải tự mổ lợn mang bán mong vớt vát được đồng nào hay đồng đó. Lần thứ hai là năm 2019, khi dịch tả lợn Châu Phi bắt đầu bùng phát và lan rộng trong cả nước. Tuy anh là người cẩn thận trong chăn nuôi nhưng vẫn không thể nào khống chế được sự lây lan của dịch bệnh. Từ dãy chuồng lớn đến dãy chuồng nhỏ, đàn lợn cứ thi nhau ốm, chết hàng loạt. Dù được Nhà nước hỗ trợ nhưng cũng không thể bù đắp được hết số tiền mà anh đã đầu tư.

Sau những thất bại anh đã rút ra bài học: “trong chăn nuôi cần có sự tính toán, đầu tư hợp lý và phải thay đổi tư duy sản xuất thì mới có thể phát triển được”. Năm 2019, sau đợt dịch anh nghỉ nuôi lợn để làm công tác phòng dịch, xử lý mầm bệnh. Trong thời gian đó, anh vào nuôi 02 lứa gà thịt mỗi lứa từ 2.000 - 5.000 con thu lãi 40 - 80 triệu đồng. Dự đoán được thị trường sẽ khan hàng sau dịch bệnh, anh Luyện tranh thủ đầu tư xây dựng thêm hệ thống chuồng trại kiên cố, quy mô, bài bản hơn. Mở rộng diện tích chăn nuôi lên 1.000 m2, với hai khu chuồng nuôi lợn nái và lợn thịt với quy mô từ 200 - 300 con/lứa.

Đầu năm 2020, để có con giống chất lượng và chủ động được nguồn giống trong chăn nuôi anh đã nhập thêm 30 lợn nái từ trong miền Nam và bắt đầu tái đàn với 50 con lợn nái, 200 con lợn thịt. Khâu tiêm phòng được anh chú trọng thực hiện và theo dõi sát sao, nguồn thức ăn, nước uống, khoáng chất cho lợn cũng được anh lựa chọn kỹ càng.

Để hạn chế cao nhất nguy cơ lây nhiễm bệnh cho đàn lợn anh hạn chế người ra vào khu chuồng nuôi và luôn phải sát khuẩn kỹ lưỡng, phòng dịch nghiêm ngặt. Anh đã ứng dụng công nghệ tiên tiến vào chăn nuôi. Giờ đây khâu cho lợn ăn, uống đều được tự động hóa, nhiệt độ, ánh sáng đều được kiểm soát, điều chỉnh phù hợp, hệ thống chuồng nuôi được gắn camera để có thể theo dõi và chăm sóc đàn lợn tốt hơn. Từ đầu năm đến nay, anh đã xuất bán 100 con lợn thịt, trọng lượng trung bình 110 kg/con, giá bán 53.000 - 55.000 đồng/kg lợn hơi, thu được gần 600 triệu đồng; xuất bán 100 con lợn giống đạt trọng lượng từ 8 – 10 kg/con, giá bán dao động 3 - 3,2 triệu đồng/con. Doanh thu từ bán lợn đạt gần1 tỷ đồng.

Hiện nay, anh đang thực hiện đăng ký thành lập trang trại, khi đó anh sẽ dễ tiếp cận với các nguồn vốn vay hỗ trợ để mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Mô hình của gia đình anh Luyện là mô hình điển hình khẳng định sự năng động, nhạy bén của thanh niên trẻ, mạnh dạn tìm hướng đi mới, làm giàu trên chính quê hương mình.


Có thể bạn quan tâm

Hiệu quả mô hình chuyển đổi cây lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu Hiệu quả mô hình chuyển đổi cây lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu

Với lợi thế nằm ven sông Hồng, xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư là địa phương có truyền thống sản xuất nông nghiệp.

04/07/2022
Hiệu quả từ mô hình chuyển đổi cây trồng gắn với liên kết sản xuất ở Ninh Thuận Hiệu quả từ mô hình chuyển đổi cây trồng gắn với liên kết sản xuất ở Ninh Thuận

Trong thời gian qua, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có chủ trương tái cơ cấu, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững.

13/07/2022
Chăn nuôi gà liên kết, hướng đi thành công của thanh niên miền sơn cước Hà Tĩnh Chăn nuôi gà liên kết, hướng đi thành công của thanh niên miền sơn cước Hà Tĩnh

Phát triển chăn nuôi theo mô hình liên kết, hộ chăn nuôi được đầu tư con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật nuôi và đặc biệt không lo về giá cả đầu ra.

16/08/2022