Làm Giàu Từ Mô Hình Cây Ăn Quả

Điện Biên không chỉ là vùng đất lịch sử mà còn là nơi xây dựng ước mơ, ấp ủ làm giàu của rất nhiều nông dân vượt lên cái khó khăn, nghèo đói để trở thành những tấm gương sản xuất giỏi. Ông Lò Văn Tỉnh sống tại bản Khá, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên là tấm gương như thế.
Ông Lò Văn Tỉnh sinh ra và lớn lên tại xã ẳng Cang, huyện Mường ảng trong gia đình nhiều anh em, có hoàn cảnh khó khăn vất vả. Với suy nghĩ vượt lên cái nghèo đói, năm 2002, vợ chồng ông chuyển đến xã Mường Phăng lập nghiệp. Thời gian đầu, ông khai hoang được 2,5ha nương tại bản Khá, xã Mường Phăng.
Do không có vốn sản xuất nên ông chủ yếu trồng sắn và làm nương, lương thực không đủ ăn. Không thể chấp nhận nghèo đói đeo bám, năm 2003, vợ chồng ông về tỉnh Sơn La thăm mô hình trồng đào và thấy rất hiệu quả nên đã mua giống đào Mỹ về trồng thử. Sau 2 năm chăm sóc, cây đào sinh trưởng nhanh và phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng địa phương.
Năm 2004, gia đình ông được dự án của Viện Cây ăn quả (Hà Nội), đầu tư giống đào Mỹ và hồng không hạt. Nhận thấy đây là mô hình thí điểm nên vợ chồng ông quyết tâm làm. Từ khi trồng, bón phân, chăm sóc làm cỏ, ông đều tuân theo qui trình kỹ thuật do vậy cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Thời gian đầu ông trồng xen cây lạc và đậu tương để cải tạo đất, tăng thêm thu nhập.
Từ năm 2006-2007, vườn đào và hồng của ông Tỉnh đã được thu hoạch; cuộc sống của vợ chồng ông cũng dần ổn định và có điều kiện nuôi các con ăn học. Vợ chồng ông đã dựng được ngôi nhà sàn to đẹp, 3 người con đã tốt nghiệp ra trường và có việc làm ổn định. Năm 2012, vườn đào của ông thu được 4 tấn quả, vườn hồng Đài Loan không hạt thu được 1,5 tấn quả. Tổng thu nhập từ vườn cây ăn quả đạt 50 triệu đồng.
Ngoài trồng cây ăn quả, vợ chồng ông nuôi 10 con bò, trung bình mỗi năm bán bê và bò cũng được 40 triệu đồng. Thu nhập từ vườn cây và chăn nuôi của gia đình ông sau khi đã trừ hết chi phí đạt 70 triệu đồng/năm.
Ông Tỉnh tâm sự: Để có được ngày hôm nay, vợ chồng ông luôn tìm tòi các biện pháp kỹ thuật mới trên báo nông thôn, báo khuyến nông, trên các trang mục bạn của nhà nông và các chương trình khuyến nông do huyện và tỉnh tổ chức. Từ những hướng dẫn đó, ông áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi trong gia đình.
Ông Lò Văn Tinh, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng cho biết: “Gia đình ông Lò Văn Tỉnh có nguồn thu nhập cao và ổn định từ mô hình cây ăn quả. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Tỉnh còn giúp đỡ các hộ gia đình trong bản kỹ thuật trồng cây ăn quả và truyền đạt những kinh nghiệm sản xuất. Mô hình gia đình ông Tỉnh là mô hình kiểu mẫu để người dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm…
Related news

Thiên nhiên thật hào phóng, ban tặng cho người dân ở vùng châu thổ Mê Kông một loài cá quý có tên là bông lau (loài hoa trắng). Cá thuộc loại da trơn, thịt trắng, thơm ngon. Giới sành điệu gọi là “đệ nhất da trơn” vì có giá trị cao gấp 10 lần cá tra. Hằng năm, khi nước dưới sông chuyển màu từ đục sang trong, cơn gió chướng bắt đầu thổi, là lúc người dân trong vùng bước vào mùa đánh bắt.

Là huyện trung du miền núi thấp, trừ một số ít xã nằm dọc đôi bờ sông Lam, đất Thanh Chương (Nghệ An) là cả một chuỗi nối nhau của những quả đồi hình bát úp. Ở đó, dưới tán mít, đồi cọ trải dài, những chú gà thơ thẩn kiếm ăn đã làm nên một thương hiệu riêng không thể lẫn - gà đồi Thanh Chương, góp thêm một món ăn độc đáo của vùng đất này ngoài quả tro, nhút mít.

Theo thống kê của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), hiện cả nước có hơn 28.000 điểm giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó hơn 10.500 điểm giết mổ không được giám sát, kiểm soát của cơ quan thú y.

Ngày 20-1, Hội đồng Khoa học và Công nghệ nghiệm thu loại xuất sắc đối với đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu kỹ thuật xây dựng nhà yến và hoàn thiện quy trình nuôi chim yến trong nhà”. Đề tài do Thạc sỹ Lê Hữu Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa làm chủ nhiệm.

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo thí điểm nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, qua 3 năm thực hiện thí điểm chương trình bảo hiểm trên cây lúa tại 3 huyện: Tân Hồng, Tháp Mười, Châu Thành đã đạt được một số kết quả bước đầu.