Làm Giàu Từ Chăn Nuôi Lợn Nái Ngoại
Sau hơn 10 năm phát triển, trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại, lợn thịt của gia đình anh Lê Văn Khánh, xã Linh Sơn đã trở thành một trong số ít các địa chỉ cung cấp lợn thương phẩm quy mô lớn của huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên). Trang trại này đã đem lại cho gia đình anh lợi nhuận gần 400 triệu đồng mỗi năm.
Đến khu trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại, lợn thịt theo quy trình khép kín của gia đình anh Khánh, chúng tôi thấy ngay được môi trường sạch sẽ và sự quy mô, khoa học trong bố trí chuồng nuôi.
Trang trại được xây dựng trên diện tích 1,8 ha, với bảy khu chuồng được bố trí khép kín từ khu lợn nái đến khu cai sữa sau đó chuyển sang nuôi thịt và xuất chuồng. Hệ thống máng ăn, uống tự động, hệ thống chống nóng, làm mát, quạt hút gió và dàn phun mưa trên mái đều được anh trang bị đầy đủ.
Nước và chất thải của trang trại được thiết kế để đưa toàn bộ về hầm bi-ô-ga, qua bể lắng, rồi chảy xuống ao sinh học để khử mùi, làm sạch. Xung quanh khu trang trại, gia đình trồng cây xanh chung quanh bảo đảm không khí trong lành. Trong ba năm gần đây, từ trang trại này, bình quân mỗi năm gia đình anh xuất bán trên 100 tấn lợn thương phẩm và thu lãi gần 400 triệu đồng.
Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, anh cho biết: Công tác ở Ban Chỉ huy quân sự huyện Đồng Hỷ được 16 năm, đến năm 1999, anh được cơ quan giải quyết cho nghỉ công tác do là bệnh binh mất 72% sức khỏe. Hoàn cảnh gia đình khi ấy rất khó khăn, thường phải lo ăn từng bữa. Được tham gia lớp tập huấn về chăn nuôi lợn nái ngoại do Phòng Nông nghiệp huyện tổ chức, anh đã bị thuyết phục trước cách làm ăn mới mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội.
Thế là, dẹp bỏ tất cả các ý định phát triển kinh tế khác, anh toàn tâm toàn ý dồn sức cho mô hình trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại, lợn thịt theo hướng công nghiệp quy mô lớn. Anh quyết định dốc hết tiền Nhà nước hỗ trợ bệnh binh để xây chuồng nuôi và nhờ Phòng Nông nghiệp huyện bảo lãnh cho vay 30 triệu đồng để mua 11 con lợn nái ngoại giống, quyết tâm làm kinh tế theo mô hình trang trại.
Khi ấy nhiều người gàn, cho rằng anh liều lĩnh. Nuôi lợn dễ mắc dịch bệnh, vốn liếng lại đi vay mượn, giàu đâu chưa thấy chỉ thấy nợ nần chồng chất, thất bại là trắng tay... Dù rất lo lắng, nhưng anh tự tin vào lựa chọn của chính mình, rằng đây là con đường để vươn lên làm giàu chính đáng.
Năm 2000, gia đình anh bắt đầu nuôi 10 con lợn nái ngoại và 1 con lợn đực. Đến năm 2001, lợn nái đẻ được trên 100 con lợn con. Đến cuối năm đó, anh xuất chuồng trên 100 con lợn thịt, trừ mọi chi phí, thu lãi được trên 30 triệu đồng, bõ công sức chăn nuôi vất vả. Anh phấn khởi tiếp tục mở rộng chuồng trại, tăng số lượng lợn nuôi.
Cứ thế, đến năm 2004, anh trả hết nợ và mua được 1,8ha đất đồi, xây dựng trang trại để mở rộng quy mô nuôi 30 lợn nái và gần 400 con lợn thịt/năm. Tuy vậy, cái giá anh phải trả vì chủ quan, lơ là sau đà ăn nên làm ra không hề nhỏ. Năm 2009, đàn lợn của anh bị mắc dịch bệnh phải tiêu hủy hàng loạt. Năm đó, anh trắng tay, nhưng thành công lớn nhất anh rút ra từ thất bại ấy là phòng trừ dịch bệnh phải được ưu tiên hàng đầu trong chăn nuôi.
Mỗi con lợn con phải được tiêm 6 mũi chủng ngừa từ khi 3 ngày tuổi đến 50 ngày tuổi. Lợn bố, mẹ phải tiêm chủng đầy đủ.Thực hiện nghiêm ngặt nguyên tắc ấy, từ đó đến nay, anh không gặp phải rủi ro trong chăn nuôi vì dịch bệnh nữa. Đàn lợn trong trại của anh không ngừng tăng lên theo từng năm.
Hiện gia đình anh Khánh đang chăn nuôi 60 con lợn nái ngoại và 1,2 nghìn con lợn thương phẩm/năm. Với quy trình chăn nuôi lợn khép kín, chủ động hoàn toàn con giống (lợn nái sinh sản ra bao nhiêu con, anh Khánh giữ lại nuôi hết) có năm cao điểm như 2007, 2011, gia đình anh thu lãi được trên 1,4 tỷ đồng/năm từ việc bán lợn thương phẩm.
Riêng trong ba năm gần đây, dù việc chăn nuôi không thuận lợi do giá cả không ổn định, nhưng bình quân mỗi năm gia đình anh Khánh xuất bán gần 100 tấn lợn thương phẩm, trừ tất cả các khoản chi phí, gia đình anh thu lãi khoảng gần 400 triệu đồng. Gia đình anh cũng tạo việc làm ổn định cho 3 lao động với thu nhập 3 đến 5 triệu đồng/tháng.
Ðặc biệt, trong nhiều năm trở lại đây khi dịch tai xanh và các dịch bệnh khác ở lợn xuất hiện, làm điêu đứng nhiều hộ chăn nuôi thì trang trại của anh vẫn an toàn, không bị dịch. Anh Khánh cho biết: Tôi cũng không có bí quyết gì đặc biệt, theo tôi, để chăn nuôi tránh được dịch bệnh thì cần tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về an toàn dịch bệnh cho vật nuôi.
Ðó là: Phòng, chống dịch từ xa, người vào trại phải phun thuốc sát trùng; xe chở lợn xuất chuồng được sát trùng và đi theo đường riêng; chuồng trại và môi trường xung quanh luôn được vệ sinh sạch sẽ, tiêm phòng vắc-xin cho lợn đúng và đủ liều...
Anh Khánh tâm sự, điều làm anh thấy hữu ích nhất là thành công từ trang trại đã góp phần thay đổi suy nghĩ của nhiều bà con. “Mục sở thị” trang trại của anh, hướng phát triển kinh tế mới cho bà con trong vùng được mở ra. Không ít bà con trong vùng đã dần thay đổi cách nghĩ, cách làm, bắt đầu làm quen và mạnh dạn lựa chọn làm giàu từ trang trại.
Thấm thía thất bại trong nghề, anh tận tình hướng dẫn, phổ biến cho bà con có nhu cầu cách làm từ: Tư vấn kỹ thuật, cách thức xây dựng chuồng trại để “đông ấm, hè mát”, cách phòng chống dịch bệnh, giữ gìn môi trường…
Có thể bạn quan tâm
Nhờ được cơ quan khuyến nông xây dựng mô hình sản xuất và chuyển giao các giống mì cao sản nên hầu hết diện tích mì ở đây được trồng các giống mì mới như: KM 94, KM 98, KM 140. Hiện nông dân Phù Cát đang vào chính vụ thu hoạch mì, nhưng giá mì tươi giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, làm người trồng mì rất lo lắng.
Dù thời gian canh tác kéo dài, năng suất thấp nhưng lúa mùa nổi đang cho thấy những lợi thế mà lúa cao sản ngắn ngày không có được. Đó là khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, làm nền cho canh tác màu theo hướng tạo ra nông sản sạch… Quan trọng hơn, nông dân hoàn toàn có thể nghĩ đến chuyện làm giàu trên ruộng lúa mùa nổi.
Mặc dù giá mủ cao su liên tục giảm mạnh từ đầu năm đến nay nhưng nhìn chung, bà con nông dân trồng cao su tiểu điền trên địa bàn tỉnh vẫn giữ vườn cây. Diện tích cao su chặt phá đến nay khoảng 430 ha, tuy nhiên phần lớn là thanh lý vườn cây già cỗi và tái canh; ngoài ra còn có 119 ha cao su chuyển sang trồng cây ăn trái.
Chúng gây hại trên dừa bằng cách đẻ trứng vào cuống quả. Ấu trùng nở ra là bắt đầu xâm nhập vào trái dừa từ khi còn non, làm rụng trái hoặc làm méo mó, kích thước nhỏ, không còn giá trị thương phẩm. Sâu đục trái dừa cũng bắt đầu tấn công khi trái dừa còn non.
Nhà bà Nguyễn Thị Mai tại thôn Cam Bình, xã Tân Phước, La Gi cách đây chừng 3-4 năm có trồng một cây chuối sứ, cây phát triển thêm cây con thành một bụi chuối chừng 5-6 cây. Những cây chuối này đã từng trổ trái bình thường như mọi cây chuối khác.