Làm giàu từ cây chanh leo
Trước đây, gia đình ông Trần Văn Lộng (ở xã Kdang) đã nhiều năm trồng cây cà phê nhưng thu nhập không cao. Không chịu thua trước cái nghèo, ông Lộng luôn ấp ủ tìm tòi một giống cây mới có giá trị kinh tế cao hơn cây cà phê. Năm 2011, ông được một người bạn ở Đà Lạt giới thiệu, phổ biến cho các kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chanh leo.
Mặc dù đây là một loại cây trồng mới, chưa thể khẳng định được hiệu quả, năng suất nhưng với đầu óc dám nghĩ dám làm, ông quyết định bán 6 sào đất và vay mượn thêm anh em để hạ giống trên 3 ha cây chanh leo.
Sau 6 tháng tích cực chăm sóc đúng kỹ thuật, gia đình ông Lộng bước vào đợt thu hoạch đầu tiên. Nhìn 3 ha chanh leo trĩu quả, ông vui mừng khôn xiết. Chỉ với lứa thu bói đầu tiên, trang trại của ông đã thu hoạch được 10 tấn. Với giá bán tại vườn vào thời điểm đó từ 10 ngàn đồng đến 12 ngàn đồng/kg, gia đình ông cầm chắc trong tay hơn 100 triệu đồng.
Tập trung chăm sóc, một tháng sau gia đình ông thu hoạch lứa tiếp theo. Cứ tiếp tục như vậy, sau một năm vất vả gia đình ông Lộng thu được hơn 400 tấn chanh leo, trừ chi phí đầu tư ông bỏ túi trên 4 tỷ đồng
Sau vụ mùa bội thu ấy, ông Lộng được bà con trong vùng mệnh danh là ông “vua” của cây chanh leo. Cũng từ đó bà con trong xã bắt đầu đến trang trại của ông để tìm hiểu, học hỏi thêm kinh nghiệm canh tác và mở rộng mô hình kinh tế hiệu quả này.
Ông Lộng cho biết, mỗi ha chanh leo đầu tư khoảng 100 triệu đồng, năng suất đạt từ 80 tấn đến 100 tấn mỗi năm. Cây chanh leo là loại cây dễ trồng, công chăm sóc lại ít chỉ cần tỉa cành, lá để quả nhận được ánh nắng mặt trời và tránh sâu bệnh. Sau khi cây đã leo lên giàn thì cỏ bên dưới không thể mọc được, chỉ việc phun thuốc trừ sâu và thuê công thu hoạch.
Cây chanh leo đã chứng minh được hướng đi mới, năng suất và hiệu quả hơn hẳn cà phê và hồ tiêu. Từ sự thành công của ông Lộng, mô hình kinh tế này đã được người dân ở các xã lân cận áp dụng và phát triển rộng khắp.
Đứng trong vườn chanh leo hơn 250 gốc của mình, ông Nguyễn Bá Thiêm (xã Kdang) hồ hởi nói: “Đây là lần đầu tiên tôi trồng cây chanh leo, nhưng thấy năng suất cao lắm chú ạ. Cả vườn này tôi đầu tư 45 triệu đồng, mới thu đợt đầu thôi đã lấy lại được vốn rồi”.
Cùng chung niềm hứng khởi của ông Thiêm, anh Lê Viết Hưng (xã Đak Djrăng)-chủ của trang trại chanh leo với hơn 200 gốc cho biết: “Tôi nghe nói loại cây này mang lại hiệu quả kinh tế cao nên cũng thử trồng xem thế nào. Trước mắt tôi thấy công chăm sóc ít, vốn đầu tư cũng không nhiều nên cũng cố gắng canh tác”.
Trao đổi với P.V, ông Trương Văn Biện-Chủ tịch UBND xã Đak Djrăng cho biết: Những năm vừa qua, hiệu quả kinh tế từ cây chanh leo mang lại cho bà con là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, các mô hình kinh tế này chủ yếu là tự phát, huyện vẫn chưa có chủ trương để phát triển mô hình này một cách bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình trình diễn nuôi ếch thương phẩm trong vèo kết hợp với cá hỗn hợp do Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Trà Vinh triển khai tại huyện Tiểu Cần, qui mô 150m2 vèo/400m2 ao với 7.500 con ếch giống.
Xã Tân Thuận (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) là địa phương có diện tích hồ nuôi tôm nhiều nhất huyện, nhưng 2 năm trở lại đây, người dân xã Tân Thuận không khỏi lo lắng và lao đao vì tôm bị nhiễm bệnh chết hàng loạt.
Các cơ quan chuyên môn ở huyện Tuy An (Phú Yên) vừa thả nuôi cá chình bông thương phẩm bằng bể xi măng ngoài trời.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản xuất cá tra đang dần bước ra khỏi khó khăn do ứng dụng mô hình liên kết sản xuất hiệu quả giữa nông dân, doanh nghiệp (DN) chế biến, DN cung ứng thức ăn và hệ thống ngân hàng.
Hiện nay, Ảrập Xêút là thị trường NK cá tra lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. 8 tháng đầu năm 2015, tổng giá trị XK cá tra sang thị trường Ảrập Xêút đạt 42,46 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 4,2% tổng XK cá tra của Việt Nam.