Làm Giàu Nhờ Mạnh Dạn Ứng Dụng Khoa Học Kỹ Thuật
Gia đình anh Ninh Hồng Hà ở thôn Đắk M’rê, xã Quảng Tân (Tuy Đức) hiện có 3 ha cà phê và 1,5 ha hồ tiêu đều đang trong thời kỳ kinh doanh. Thời gian này, gia đình anh đang vô cùng hứng khởi bởi tiếp tục sẽ có thêm một vụ mùa bội thu.
Theo ước tính, mùa này, gia đình anh sẽ thu về trên 10 tấn cà phê và 6 tấn tiêu. Với sản lượng trên, sau khi trừ chi phí, anh cũng có lãi gần 700 triệu đồng. Trao đổi về kinh nghiệm để hai loại cây công nghiệp này đều phát triển tốt, ít sâu bệnh, cho năng suất cao, anh Hà cho biết là đã mạnh dạn học tập, ứng dụng các tiến bộ của khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.
Cụ thể, đối với cà phê, anh đã mua giống tại vườn ươm của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên về trồng, đều là những giống kháng được các bệnh như rỉ sắt, sản lượng cao, chín đồng đều. Cùng với nguồn giống tốt, anh đã áp dụng một quy trình chăm sóc hợp lý.
Theo đó, trong suốt quá trình sinh trưởng, phát triển, cây cà phê được cắt tỉa cành, tạo tán tròn đều. Anh không để nhiều cành, mà cắt bớt những cành phụ, già để dinh dưỡng tập trung nuôi cành chính, khỏe mạnh. Theo anh thì cách phòng các loại bệnh thông thường trên cây cà phê bằng việc thường xuyên thăm vườn, theo dõi cây, vệ sinh sạch sẽ cỏ dại, tạo không gian vườn lúc nào cũng thông thoáng. Nếu phát hiện cây bị bệnh thì anh rất cẩn trọng trong việc dùng thuốc bảo vệ thực vật.
Ban đầu, anh thường nghiên cứu các tài liệu của ngành chức năng, thậm chí gọi điện thoại hỏi các cán bộ kỹ thuật về những biểu hiện của cây, chẩn đoán bệnh rồi mới mua loại thuốc nào để phun. Việc phun các loại thuốc, anh cũng không tiến hành tràn lan mà đúng liều lượng của nhà sản xuất.
Anh Hà cho biết: “Đối với những loại sâu, bệnh như nấm hồng, mọt đục cành, sâu đục vỏ trái, tôi rất ít dùng thuốc mà chủ yếu phòng chống bằng cách phát hiện sớm, cắt bỏ những cành, cây bị sâu, trái rụng mang đi tiêu hủy”.
Đối với cây tiêu, anh trồng bằng hai giống tiêu Lộc Ninh, Vĩnh Linh trên trụ sống. Để hạn chế sâu bệnh, giúp cây cho năng suất cao, qua nhiều năm, anh luôn chú ý tỉa bỏ tất cả các dây thân, cành mọc phía dưới gốc tiêu nhằm hạn chế sâu bệnh phát sinh lây lan nhanh từ đất.
Bên cạnh đó, anh cũng thường xuyên tỉa bỏ các dây thân mọc ngoài bộ tán tiêu, các dây thân mọc quá dài ở đỉnh trụ, hãm ngọn dây tiêu ở độ cao vừa phải, từ 5m- 6 m, không để ngọn dây tiêu trùm lên ngọn cây trụ sống. Anh cũng sử dụng cân đối các loại phân bón hữu cơ và vô cơ.
Trong đó, gia đình dùng nhiều hơn các loại phân hữu cơ, sinh học như phân bò, phân hoai mục từ vỏ cà phê nhằm giảm chi phí, tăng độ tơi xốp cho đất… Vì thế, cây trồng luôn cho năng suất ổn định và chất lượng sản phẩm được đảm bảo.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, tại huyện Tam Nông (Đồng Tháp) mô hình nuôi lươn trong bể có lót bạt nilon, cho ăn bằng thức ăn công nghiệp đạt năng suất và lợi nhuận khá.
Tại khu vực Cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn), Đội Kiểm soát Hải quan vừa phát hiện xe tải đầu kéo BKS 15C-00588 chở 320 con chim bồ câu có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, không có giấy tờ kiểm dịch.
Anh Lê Minh Hoan ở thôn Lâm Châu, xã Thạch Châu (Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã mạnh dạn thuê 43 ha mặt nước đầu tư nuôi ngao, hến, trong đó 38 ha ngao Bến Tre, 2 ha tôm, 3 ha cua.
Ghi chép chi tiết số lượng từng kg phân bón, ml thuốc bảo vệ thực vật mua về và sử dụng vào ngày nào,… vào quyển nhật ký đồng ruộng là một điều kiện cần có khi trồng rau theo qui trình VietGAP và được chứng nhận, một công việc không dễ dàng đối với một nông dân, kể cả nông dân có kinh nghiệm trồng rau lâu năm.
Sáng 13-7, tại TP. Nha Trang, Hiệp hội cá ngừ Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm bàn giải pháp hạn chế tổn thất chất lượng cá ngừ đại dương của nghề câu đèn (câu tay kết hợp ánh sáng).