Lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản
“Rình rang” quảng cáo...
Từng là người thành công với con cá tra, ông Nguyễn Ngọc Hải – chủ nhiệm HTX Thới An (quận Ô Môn, Cần Thơ) cũng sang Bến Tre đào ao nuôi tôm khi cá tra rớt giá thê thảm, nên càng thấm thía nỗi lo kháng sinh ảnh hưởng chất lượng cá, tôm.
Theo ông, trên thực tế, trong một số trường hợp, việc sử dụng kháng sinh để trị bệnh cho vật nuôi là cần thiết. Vấn đề là hiện việc lạm dụng kháng sinh, thậm chí kháng sinh cấm hoặc hạn chế sử dụng đã trở nên phổ biến. Nguyên nhân của tình trạng này, ông Hải chỉ ra một phần là do hệ thống nhân viên quảng cáo, marketing của các doanh nghiệp kinh doanh thuốc thú y, thủy sản quá mạnh.
“Đó là chưa kể chiết khấu cho các đại lý cao, có khi lên tới… 30%. Cuối năm, cuối quý, đơn vị nào tiêu thụ nhiều thuốc, nhiều sản phẩm thì còn được đi du lịch nước ngoài, tặng quà lưu niệm giá trị cao… bảo sao các đại lý không ham, không xúi nông dân tăng cường sử dụng thuốc được?” - ông Hải nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp có hàng trăm nhân viên quảng cáo, tư vấn bán hàng, đến tiếp xúc trực tiếp tại từng ao nuôi . Họ liên tục mở hội thảo, tiệc tùng “rình rang” để giới thiệu sản phẩm, có cả cán bộ trạm bảo vệ thực vật, trạm khuyến nông... tham gia. Do đó càng thu hút nhiều nông dân tham gia”.
Ông Nguyễn Ngọc Hải
Còn theo “vua tôm” Võ Hồng Ngoãn (Bạc Liêu), việc lạm dụng kháng sinh, dù là kháng sinh cấm hay không cấm thì nhà nông cũng đã vô tình tự hại mình.
Ông cho rằng kháng sinh để đặc trị bệnh, không để phòng bệnh. Nhưng do với hầu hết nông dân vùng ĐBSCL, ao tôm là cả gia tài, nên từ khi thả tôm giống xuống ao, chưa cần con tôm bị bệnh, nông dân đã đêm nằm trằn trọc, lo lắng rồi. Việc trộn kháng sinh vào thức ăn để phòng bệnh là biện pháp mà nhiều nông dân không hiểu các nguyên tắc phòng, trị bệnh trong nuôi trồng thủy sản, dẫn tới tình hình càng thêm tệ hại, môi trường ô nhiễm, tôm cá thêm bệnh tật...
Dùng quá liều, tôm cá sẽ kháng thuốc
Không chỉ nông dân, với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, nỗi lo kháng sinh cũng nghiêm trọng không kém. Trong khi đó, do lạm dụng tràn lan, nên tới nay nhiều ao nuôi đã xảy ra tình trạng kháng thuốc.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang, nguyên nhân gây ra các bệnh thủy sản hiện nay chủ yếu là do vi khuẩn. Thông thường, nông dân sử dụng kháng sinh để kiểm soát các vi khuẩn gây bệnh. Do việc sử dụng không đúng cách và quá nhiều các loại kháng sinh nên đã gây ra hiện tượng vi khuẩn kháng thuốc và tích tụ dư lượng kháng sinh trong thịt thủy sản.
Theo kết quả làm kháng sinh đồ trên cá bệnh do người dân đem đến phòng kiểm nghiệm bệnh cá (thuộc Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang), đa số các mẫu cá bệnh kháng với khoảng 7-8 loại kháng sinh, chủ yếu là các loại kháng sinh thường dùng phổ biến hiện nay như Flofenicol, Oxytetracyline, nhóm sulfonamid… Thậm chí, có mẫu cá bệnh kháng với cả 10 loại kháng sinh được dùng làm kháng sinh đồ.
Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, chỉ nên sử dụng kháng sinh khi không còn cách nào khác để kiểm soát dịch bệnh thủy lại. Ngược lại, nếu sử dụng bừa bãi các loại kháng sinh sẽ dẫn tới việc hình thành hệ vi sinh vật kháng thuốc kháng sinh, đồng thời hủy diệt hệ vi sinh vật tự nhiên, khiến các sinh vật nuôi phải chịu nhiều điều kiện khắc nghiệt hơn, dễ xảy ra dịch bệnh.
Ông Quách Văn Tây – Chi cục trưởng Chi cục Thú y Sóc Trăng cho rằng tình trạng lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản tồn tại nhiều năm qua và chậm khắc phục. Hiện tại, dọc các tỉnh ven biển như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau…, lực lượng tư vấn viên của các hãng thuốc thú y, thủy sản còn đông ngang ngửa... nông dân, sẵn sàng tư vấn, thúc ép nông dân sử dụng kháng sinh để trị bệnh cho tôm cá.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Hải, việc nuôi trồng thủy sản ngày càng khó khăn, phần do giá cả không ổn định, phần vì môi trường nước đã ô nhiễm quá nặng, một số hộ nuôi thiếu hiểu biết không thể xử lý hết được nguồn nước.
Chưa kể, nuôi cá tra còn có thể “thong thả” hơn nuôi tôm, do dịch bệnh ít phức tạp. Hoặc khi cá bệnh, người nuôi cho ăn kháng sinh tới khi thu hoạch, bị phát hiện có tồn dư trong sản phẩm thì người nuôi vẫn có thể giữ cá lại, nuôi thêm 15 – 20 ngày cho cá đào thải kháng sinh rồi bán tiếp. Trong khi đó, ao tôm rất nhạy cảm, có giá trị cao nên hễ thấy tôm có dấu hiệu bệnh thì nông dân “lo sốt vó”, ai chỉ thuốc nào thì đổ thuốc đó.
“Mới buổi sáng đổ thuốc mà buổi chiều chưa thấy bệnh tình thuyên giảm thì phải gọi lại tới xúc bán ngay, không thể chần chừ thêm được, bảo sao tôm nuôi không tồn dư kháng sinh được?” - ông Hải giải thích thêm.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản cũng “than trời” vì kháng sinh. Ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại thủy sản Thuận Phước, cho rằng các biện pháp kiểm soát con tôm nguyên liệu từ vùng nuôi tới cổng nhà máy là vượt quá tầm tay doanh nghiệp. Bởi lẽ, con tôm Việt Nam đã phải “uống” kháng sinh từ thời còn con giống tới khi thả nuôi, xúc bán… Chưa kể, hệ thống sản xuất thức ăn chăn nuôi kém, không được kiểm soát chặt chẽ nên lượng kháng sinh trộn sẵn trong các sản phẩm này cũng đã ở mức cao, nhà nông không thể kiểm soát được.
Có thể bạn quan tâm
Tính đến nay, mô hình “Nuôi cá chình bông thương phẩm trong ao đất” ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đang thực hiện đúng tiến độ. Cá đã được 5 tháng tuổi, đang phát triển tốt. Mô hình do Trạm Khuyến nông và Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Long Mỹ phối hợp thực hiện với quy mô nuôi 2.100 con, tại hộ ông Nguyễn Văn Cường, ở ấp 2, xã Vĩnh Viễn.
Ngày 1/4, Sở NN&PTNT lấy ý kiến sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định 24/2014/QĐ- UBND ngày 3/10/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau về việc ban hành quy định sên, vét đất, bùn trong cải tạo ao đầm nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam ngày 28/3/2016, hiện nay Trung Quốc và Lào đã xả nước, phía thượng nguồn sông Mê Kông dự báo lượng nước sẽ ổn định hơn sau ngày 04/4/2016 và có hiệu quả đẩy mặn từ ngày 07/4/2016.