Lâm Đồng Khốn Đốn Vì Cà Phê Rụng Trái Hàng Loạt
Cơ quan chức năng hiện chưa xác định được nguyên nhân của tình trạng này để hướng dẫn cho nông dân.
Những ngày qua, hàng trăm hecta cà phê trên địa bàn xã Tam Bố, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng bị rụng trái hàng loạt. Người trồng cà phê ở đây rất lo lắng, vì chưa có biện pháp xử lý. Trong khi đó, cơ quan chức năng cũng chưa xác định được nguyên nhân của tình trạng này để hướng dân cho nông dân.
Đưa tay chỉ vườn cà phê rộng 3ha đang xanh tốt nhưng quả xanh đã rụng đầy gốc, ông Trần Thế Trường, ở thôn Hiệp Thạnh 2, xã Tam Bố, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng buồn rầu kể, ngay khi phát hiện cà phê có dấu hiệu rụng trái hàng loạt vào tuần trước, gia đình đã nhanh chóng mua nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật về phun, xịt nhằm cứu chữa, nhưng kết quả vẫn không có chút gì khả quan. Cứ đà này, thì đến cuối vụ cả vườn cà phê sẽ chẳng còn lại quả nào.
Ông Trần Thế Trường nói: “Vườn nhà tôi thì bị cách đây hơn 1 tuần rồi. Tôi cũng thường đi xem và xịt thuốc, thực tế là tôi đã xịt thuốc đến 5 lần rồi. Tôi cho rằng bệnh này mới xuất hiện trong năm nay chứ mọi năm thì không thấy có. Giờ nó rụng nhiều quá, ảnh hưởng kinh tế rất nhiều. Hiện tượng này mới xảy ra mà đã thấy xót ruột quá rồi”.
Tương tự, 5 hecta cà phê của gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn ở gần đó cũng bị rụng quả hàng loạt, mỗi khi có cơn gió mạnh thổi qua. Ông Tuấn cho biết, vườn cà phê của gia đình có dấu hiệu phát bệnh cách đây 1 tháng. Thời gian gần đây, cuống trái đen dần, sau đó có màng trắng bao phủ, từng chùm trái bị thối và rụng hàng loạt. Mặc dù gia đình đã sử dụng một số thuốc bảo vệ thực vật để phun xịt, nhưng chưa có hiệu quả, chắc chắn năng suất niên vụ cà phê này sẽ giảm sút mạnh.
“Cây cà phê có dấu hiệu bất thường cách đây 1 tháng, khi nó phát bệnh thì nông dân chúng tôi đi xịt thuốc, nhưng bệnh càng ngày càng phát nhiều, càng rụng trái nhiều,” ông Tuấn nói. “Bệnh ảnh hưởng kinh tế phải 50%, cụ thể là bây giờ tính tiền phân bón, dầu, công cán thì phải mất 50%”.
Xã Tam Bố, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng hiện có gần 1.200ha cà phê. Phần lớn diện tích cà phê bị rụng trái hàng loạt xảy ra trên địa bàn thôn Hiệp Thạnh 2. Người trồng cà phê ở đây hết sức lo lắng vì nguy cơ một niên vụ cà phê mất trắng đã hiện hữu.
Ông Bùi Trí Lực, Chủ tịch Hội nông dân xã Tam Bố cho biết, sau khi xuất hiện tình trạng cà phê bị rụng quả hàng loạt, Hội và cán bộ khuyến nông của xã đã báo cáo và kiến nghị ngành nông nghiệp của huyện Di Linh và tỉnh Lâm Đồng sớm có biện pháp xử lý, nhưng đến nay vẫn chưa có đơn vị nào hướng dẫn cách xử lý.
“Bà con hiện giờ chỉ biết kiên trì phun, xịt thôi bởi vì giờ này cà phê đã lớn rồi. Có khả năng bà con nông dân mua chưa đúng thuốc đặc trị nên nó chưa hết được bệnh ngay. Hội nông dân và khuyến nông viên cũng có kiến nghị lên trên rồi, đề nghị có khuyến cáo cho bà con mua thuốc về để kịp trị bệnh cho cà phê” - ông Bùi Trí Lực nói.
Đến nay, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa xác định được nguyên nhân khiến cà phê ở xã Tam Bố, huyện Di Linh bị rụng quả hàng loạt, nên cũng chưa thể khuyến cáo cho nông dân về các biện pháp xử lý.
Có thể bạn quan tâm
Theo ông Nguyễn Phong Quang, Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, để góp phần hạn chế tình trạng tôm chết lan rộng, ngành nông nghiệp các tỉnh ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục hoàn thiện thêm hệ thống cấp và tiêu nước phục vụ nuôi thủy sản.
Lươn sống ở mương, lạch, nơi đầm lầy, ruộng lúa. Lươn không chỉ là món ăn đặc sản giàu dinh dưỡng mà theo các thầy thuốc đông y, còn là vị thuốc có thể chữa được bệnh suy dinh dưỡng, kiết lỵ, đau nhức xương sống, phong thấp... Vì vậy, lươn trở thành loại thực phẩm có giá trị cao.
Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD), tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu bắt đầu xuất hiện vào năm 1996 ở ĐBSCL. Từ đó đến nay, nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn đang nở rộ, nhất là vào thời điểm giáp vụ, khan hiếm nguyên liệu ở khu vực này.
Chi cục sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sinh sống tại các xã ven biển, ven đầm chung tay với chính quyền địa phương tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các đợt tuần tra, kiểm soát tại các điểm nóng, kịp thời xử lý các đối tượng vi phạm
Thời tiết đang rét đậm kèm theo gió mùa Đông Bắc nên sức đề kháng của vật nuôi và thủy sản giảm, sinh trưởng phát triển chậm, dễ mắc bệnh, thậm chí có thể chết rét hàng loạt nếu như không có biện pháp phòng, chống kịp thời