Làm bể lót bạt nuôi tôm thẻ dày đặc, dân trúng lớn tại Kiên Giang
Huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang tập trung phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp hai giai đoạn trên ao lót bạt theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, an toàn, bền vững và hiệu quả.
Thu hoạch tôm thẻ chân trắng nuôi 2 giai đoạn trên hồ tròn lót bạt của ông Nguyễn Văn Suồi, xã Vân Khánh Đông, huyện An Minh (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN.
Ông Lê Văn Khanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh cho biết, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp hai giai đoạn trên ao và hồ lót bạt phát triển trong 2 năm qua. Kết quả, trong số 20 mô hình đã triển khai thực hiện thì hơn 90% thành công, mở ra mô hình nuôi tôm mới cho nông dân, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp...
Năm 2019, huyện An Minh đang triển khai mô hình này tại 15 hộ dân và tiếp tục đầu tư phát triển trong thời gian tới.
“Nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp hai giai đoạn trên ao và hồ lót bạt, lợi nhuận 150 - 200 triệu đồng/vụ/hồ 500 - 1.200 m², nuôi 2 - 3 vụ/năm. Mô hình hiệu quả, an toàn, bền vững hơn so với nuôi tôm công nghiệp truyền thống trong ao đất.
Điển hình như mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp 2 giai đoạn trên hồ tròn lót bạt của ông Nguyễn Văn Suồi ở ấp Minh Cơ, xã Vân Khánh Đông, huyện An Minh (Kiên Giang).
Ông Suồi chia sẻ, gia đình ông đầu tư 5 hồ tròn nuôi tôm, mỗi hồ rộng 500 m². Giai đoạn 1, thả giống ngày 15/02/2019 vào hồ tròn lót bạt diện tích 100 m², che lưới lan 100%, mật độ 2.300 con/m2, thời gian ương vèo 14 ngày, tỷ lệ tôm sống trên 98%, với hơn 70 kg.
Tiếp tục chuyển sang giai đoạn 2, thả con giống này trên các hồ tròn lót bạt, diện tích 500 m2/hồ, che lưới lan 50%, mật độ 450 con/m2. Quá trình nuôi, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn thay nước định kỳ, thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường, độ mặn, độ kiềm, pH, nhiệt độ, màu nước… Sau 55 ngày tuổi thu hoạch, tôm đạt kích cỡ 80 con/kg, tỷ lệ sống trên 90%; năng suất 2,5 tấn/hồ; tổng thu 245 triệu đồng, trừ chi phí sản xuất lợi nhuận gần 70 triệu đồng/hồ”.
Thu hoạch tôm thẻ chân trắng nuôi 2 giai đoạn trên hồ tròn lót bạt của ông Nguyễn Văn Suồi, xã Vân Khánh Đông, huyện An Minh (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN.
Nông dân Nguyễn Văn Suồi cho biết thêm, so với trước đây, nuôi tôm quảng canh, sản xuất tôm - lúa thì nuôi theo mô hình này rất có lợi. Cụ thể là chủ động kiểm soát được con tôm về dịch bệnh, số lượng, tỉ lệ sống hay chết, sức khỏe tăng trọng của nó, xử lý môi trường, thay nước sạch…
Còn như nuôi quảng canh hay sản xuất tôm - lúa không kiểm tra, kiểm soát được dịch bệnh, môi trường và khi thu hoạch mới biết trúng mùa hay thất mùa. Nuôi tôm thẻ chân trắng lãi nhiều hơn so với nuôi quảng canh hay tôm - lúa, nhưng hạn chế rủi ro, an toàn, hiệu quả. Đó còn chưa kể, vụ nuôi tiếp sau, nông dân không phải đầu tư hồ nuôi mới nên chi phí sản xuất giảm đáng kể, lợi nhuận sẽ tăng cao hơn vụ trước.
Bước đầu triển khai mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp 2 giai đoạn trên ao và hồ lót bạt, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh tìm hiểu, phối hợp với Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh, tỉnh Bạc Liêu thực hiện.
Huyện An Minh phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng trên ao lót bạt. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN.
Kỹ sư Võ Trường Chinh, cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh chia hay, năm 2018, Công ty Trúc Anh phối hợp với huyện An Minh mở 20 điểm nuôi tôm siêu thâm canh thẻ chân trắng 2 giai đoạn hiệu quả rất khả quan, tỉ lệ thành công hơn 90%.
Cán bộ kỹ thuật công ty theo dõi, kiểm soát chặt chẽ quy trình cũng như quá trình sản xuất từ khâu thiết kế đến thu hoạch để vừa kịp thời chủ động xử lý những tình huống xấu, bất lợi xảy ra đối với tôm nuôi, vừa tạo ra sản phẩm tôm sạch, năng suất, chất lượng cao phục vụ thị trường trong nước và chế biến xuất khẩu.
Huyện An Minh thuộc vùng sản xuất U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang có điều kiện tự nhiên ven biển Tây thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản; trong đó, có nuôi tôm. Tuy nhiên, nuôi tôm của huyện này phần lớn phát triển theo mô hình tôm - lúa, hàng năm năng suất, sản lượng tăng không nhiều, tiềm ẩn rủi ro cao, chưa thực sự an toàn, bền vững và hiệu quả.
Ông Lê Văn Khanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh bày tỏ, thực hiện kế hoạch thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang trên địa bàn huyện An Minh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, diện tích nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp trên địa bàn huyện đạt 100 ha trở lên năm 2020. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp 2 giai đoạn trên ao, hồ lót bạt đã và đang thực hiện hiệu quả.
Ưu điểm của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp 2 giai đoạn trên ao và hồ lót bạt hạn chế tác động xấu đối với môi trường, sự bùng phát dịch bệnh tại vùng nuôi, sản xuất bền vững, hiệu quả; chủ động quản lý chặt chẽ thức ăn, tỷ lệ sống của tôm, giảm rủi ro do dịch bệnh, nâng cao tỷ lệ thành công, tăng số vụ nuôi 2 - 3 vụ/năm. Mô hình nuôi tôm này còn là điểm tham quan, trao đổi kinh nghiệm cho nông dân trong sản xuất, nhân rộng quy trình cho người nuôi, nhất là các xã ven biển có lợi thế về nuôi tôm.
Tuy nhiên, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp 2 giai đoạn trên ao và hồ lót bạt còn nhiều những khó khăn, bất cập. Cụ thể là vốn đầu tư lớn, nông dân ngán ngại, tiềm lực kinh tế hạn chế, ngân hàng tham gia đầu tư chưa nhiều, nông dân chưa có nhiều kinh nghiệm…
Có thể bạn quan tâm
Nhà máy chế biến hải sản Orca Bay tọa lạc tại TP Seattle nổi tiếng, được biết đến với tên gọi khác là thành phố Ngọc Bích, Seattle nằm ở trên cao nguyên
Các nghiên cứu trên cá giống cá da trơn cho thấy tốc độ tăng trưởng cao hơn 37% và thức ăn 23% trong khi ăn BSF, trong khi cá rô phi Nile cho ăn thức ăn
Bệnh Weissellosis là bệnh mới nổi nguy hiểm ở cá hồi vân, do vi khuẩn Weissella ceti gây ra. Bệnh có thể làm chết cá thương phẩm, gây thiệt hại kinh tế lớn