Lại Nóng Quanh Hạt Đường
Mới đầu năm, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã phải “đấu” với Bộ Công thương quanh vấn đề nên hay không việc cho nhập khẩu 50.000 tấn đường từ Lào với thuế suất ưu đãi 0%.
Thừa 600.000 tấn đườngTheo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trong tuần ép đầu tiên của năm nay, các nhà máy đã ép 526.119 tấn mía, sản xuất được 47.842 tấn đường.
Như vậy, từ đầu niên vụ đến 9/1/2015, các nhà máy ép được 4.046.686 tấn mía, sản xuất được 376.831 tấn đường. Trong đó, đường sản xuất từ mía là 363.741 tấn, còn lại là đường sản xuất từ đường thô của Nhà máy đường Cần Thơ và Cty Cổ phần NIVL.
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường, cho biết, trong 3 niên vụ ép liên tiếp gần đây, sản lượng đường sản xuất trong nước đạt 1,5–1,6 triệu tấn/vụ. Nếu kể cả các nguồn cung đường khác như đường tồn kho vụ cũ chuyển sang, đường nhập khẩu chính thức..., thì riêng vụ ép 2014–2015 dự báo tổng nguồn cung đường ở nước ta là 2 triệu tấn (chưa kể đường nhập khẩu không chính thức, đường nhập lậu).
Trong khi đó, theo tính toán của Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương, mức tiêu thụ đường cả nước năm 2015 khoảng 1,3–1,4 triệu tấn. Như vậy lượng đường dư thừa trong năm 2015 sẽ trên 600.000 tấn.
Do sản lượng đường dư thừa nhiều, cộng với giá đường giảm mạnh trên thị trường thế giới (ngày 9/1, giá đường trắng Luân Đôn giao tháng 3/2015 là 392,6 USD/tấn, giảm mạnh so với mức giá quanh 420 USD/tấn hồi tháng 11/2014), nên trong tháng đầu năm nay, giá đường đang ở mức khá thấp.
Giá bán buôn đường trắng ngày 12/1 trên thị trường Hà Nội là 11.300–11.600 đ/kg, TP.HCM 11.200–11.600 đ/kg, miền Trung 11.000–11.300 đ/kg. Giá đường do các nhà máy bán ra thấp hơn giá bán buôn nói trên khoảng 400-500 đ/kg.
Nếu như đến ngày 26/12, lượng đường tồn kho tại các nhà máy là 169.257 tấn, tại các công ty thương mại thuộc Hiệp hội Mía đường là 7.072 tấn, thì đến 9/1, lượng đường tồn kho tại các nhà máy đã tăng lên thành 209.468 tấn, tại các công ty thương mại thuộc Hiệp hội là 8.153 tấn.
So với giá bán buôn ở mức 11.500-12.000 đ/kg hồi tháng 12 năm ngoái, thì giá bán buôn đường đầu năm nay rõ ràng đã tiếp tục giảm xuống. Giá đường XK sang Trung Quốc cũng không khá hơn là mấy khi chỉ đang ở mức 11.600-11.800 đ/kg.
Dù đang là tháng cận Tết, nhu cầu tiêu dùng đường trong nước tăng lên, nhưng do sản lượng ép trong tháng 1 sẽ ở mức cao, khoảng 250.000-300.000 tấn, nên lượng đường tồn kho sẽ tiếp tục tăng lên.
Nóng chuyện NK
Mới đây, Bộ Công thương đã có công văn đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho nhập 50.000 tấn đường từ Lào vào Việt Nam với thuế suất ưu đãi 0%. Ngay lập tức, Hiệp hội Mía đường đã gửi công văn lên Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.
Theo đó, Hiệp hội Mía đường cho rằng hiện nay ngành đường Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, tình trạng đường nhập lậu chưa ngăn chặn được, cơ chế nhập khẩu đường chưa được các Bộ có liên quan và Hiệp hội Mía đường Việt Nam bàn bạc đề xuất thống nhất theo chỉ đạo của Chính phủ.
Bên cạnh đó, vụ sản xuất đường đang vào giai đoạn cao điểm. Vì vậy, nếu Chính phủ cho nhập khẩu 50.000 tấn đường nói trên theo đề nghị của Bộ Công thương với thuế suất ưu đãi 0%, thì sẽ làm cho ngành mía đường càng rối rắm phức tạp thêm.
Do đó, Hiệp hội Mía đường kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tạm thời chưa cho nhập lượng đường này để xem xét các yếu tố ảnh hưởng liên quan đến thời điểm, cơ chế, chính sách...; đôn đốc Bộ Công thương chủ trì cùng với Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT và Hiệp hội Mía đường Việt Nam phối hợp xây dựng cơ chế nhập khẩu đường theo hạn ngạch thuế quan trình Chính phủ ban hành theo tinh thần công văn số 9604/VPCP-KTTH ngày 2/12/2014 và công văn số:155/VPCP-KTTH ngày 9/1/2015.
Hiệp hội Mía đường cũng kiến nghị nếu Chính phủ cho phép nhập khẩu lượng đường trên từ Lào thì theo cơ chế đã ban hành với thuế suất theo cam kết ATIGA của AFTA và hiệp định song phương giữa 2 quốc gia, mà không thể áp dụng mức thuế 0% như đề nghị của Bộ Công thương.
Đồng thời lượng nhập khẩu trên được tính trong hạn ngạch thuế quan mà Việt Nam đã cam kết khi gia nhập WTO (nếu ngoài hạn ngạch phải chịu thuế suất cao). Về thời điểm nhập khẩu đề nghị bắt đầu từ tháng 8/2015 trở đi (sau khi cơ bản kết thúc vụ ép mía trong nước).
Có thể bạn quan tâm
Khoảng 5 năm trở lại đây, việc chăn nuôi bò ở xã Văn Luông, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) có bước phát triển nhảy vọt, nhất là số lượng bò lai Sind. Từ năm 2009 trở về trước, tổng đàn bò của xã hàng năm chỉ ở mức trên dưới 300 con, chủ yếu là giống bò vàng, thấp bé, lượng thịt ít.
Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây, người dân tỉnh Quảng Bình đã từng bước chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp độc canh cây lúa sang trồng các loại cây màu phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, qua đó, nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống của người dân.
Trước kia đàn bò ở đây chủ yếu là giống bò cỏ, nuôi chậm lớn nên xuất bán lãi không cao. Từ năm 1995 An Phú đẩy mạnh chương trình sind hóa đàn bò. Đến nay tổng đàn bò của xã trên 2.100 con, trong đó bò lai sind chiếm hơn 85%.
Thường cua giống được nông dân thả sau tôm từ 1 - 2 tháng và tận dụng chính môi trường nước của con tôm nên không tốn gì thêm, ngoài tiền mua con giống.
Vài ngày nay, hàng chục chiếc xe chở sắn nối đuôi nhau đậu ở trước cổng Nhà máy tinh bột sắn và tràn ra tận Quốc lộ 1A chờ nhập cho nhà máy, gây mất an toàn giao thông. Qua tìm hiểu từ các tài xế xe, chúng tôi được biết có nhiều xe phải đợi hai ngày mới bán được sắn cho nhà máy.