Lại Chuyện Đầu Ra Cho Cây Giống Cà Phê!

Năm 2014, Trung tâm Nghiên cứu, chuyển giao Cây công nghiệp và Cây ăn quả Lâm Đồng sản xuất 300 ngàn cây cà phê giống thực sinh từ các giống lai đa dòng và 200 ngàn cây cà phê ghép.
Nếu như năm ngoái, Trung tâm đã bán hết 250 ngàn cây cà phê thực sinh và 100 ngàn cây cà phê ghép, thì cùng thời điểm này năm nay, 300 ngàn cây cà phê thực sinh vẫn còn tồn lại vườn ươm, chưa thể xuất được. Nếu không xuất cây đúng thời điểm, cũng có nghĩa chất lượng cây giống sẽ giảm.
Theo Giám đốc Trung tâm Lê Văn Hùng, việc tồn đọng lượng cây cà phê giống thực sinh là do năm nay, bà con nông dân ở các địa phương đã “ồ ạt” kéo đi mua cây giống từ những ngày đầu tháng 3, khi những cơn mưa đầu mùa đến sớm.
Trong khi, phải đến cuối tháng 6, đầu tháng 7, lượng cây giống của Trung tâm mới đủ thời gian để xuất bán. Ông Hùng cho biết: “Hàng năm, Trung tâm đều mua hạt giống từ Viện Eakmat (ĐakLak). Thời điểm có hạt giống tốt phải vào cao điểm mùa thu hoạch cà phê (từ giữa tháng 11 đến cuối tháng 12).
Khi nhận hạt giống về, phải hết tháng 1 mới gieo ươm xong và phải cần đến 6 - 7 tháng, khi cây có đủ 6 cặp lá thì mới có thể xuất vườn. Hầu hết những cây giống bán sớm vào thời điểm tháng 3 - 4 đều là những cây không đảm bảo chất lượng. Nếu bà con nông dân mua sớm đều rơi vào tình trạng mua phải cây giống không xác định nguồn gốc”.
Hiện nay, hầu hết các cơ sở ươm cây giống đều đang sử dụng giống cây ghép thực sinh không xác định và chất lượng gieo ươm cũng chưa đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu. Thông thường, cây thực sinh từ lúc gieo ươm đến lúc xuất bán phải cần từ 6 - 8 tháng, cây ghép phải cần 18 tháng.
Độ lớn của bầu giống cũng phải đúng chuẩn: rộng 13cm và dài 22cm. Trong thực tế, nhiều cơ sở chỉ sản xuất bầu giống kích cỡ 10cm x 11cm, nên chất lượng cây giống không đảm bảo. Ông Hùng cho biết: “Thông thường, những cơn mưa đầu mùa thường kéo theo sau là những ngày hạn hán, nắng nóng.
Nếu những cây giống được trồng vào thời điểm này gặp hạn, tỷ lệ cây chết sẽ rất cao. Thêm vào đó, theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, phải đến 15/8 mới là thời điểm tốt nhất để hoàn tất việc xuống giống cà phê. Bà con không nên quá nôn nóng tìm mua giống khi thấy mùa mưa đến sớm”.
Anh Phạm Quang Sơn - Chủ Cơ sở giống cà phê cao sản Trường Sơn, cũng khẳng định: “Tình trạng các cơ sở ươm cây giống thu hoạch trái vụ hoặc thu hoạch trái bói sớm để ươm giống cà phê thực sinh hiện nay khá phổ biến. Tuy nhiên, hầu hết những hạt giống này đều không thể đạt chất lượng bằng hạt được thu đúng vụ, thu vào thời điểm chín rộ.
Tâm lý bà con nông dân khi đi mua cây giống thường thích cây to, đẹp mà không quan tâm đến thời điểm cây xuất sớm hay trễ. Thông thường, nếu là cây giống chất lượng, thì phải xuất từ tháng 5, tháng 6 hàng năm”.
Tuy nhiên, theo anh Trần Minh Phương - Chuyên viên phụ trách trồng trọt (Phòng Kinh tế TP Bảo Lộc), không phải tất cả những cây giống được mua sớm từ đầu mùa mưa đều là những cây giống kém chất lượng. Vì từ 2 năm trở lại đây, nhiều cơ sở cây giống cũng đã đặt vấn đề mua hạt giống tại Viện Eakmat.
Những hạt giống tốt được bảo quản từ vụ thu hoạch trước, có đủ thời gian “nghỉ” để hạt phá men trạng, nhằm đạt tỷ lệ nảy mầm cao nhất. Các cơ sở ươm giống mua hạt giống này về để ươm sớm.
Do đó, người dân vẫn có thể mua được cây giống chất lượng để xuống giống cà phê sớm hơn, chứ không cần phải đợi đến thời điểm xuống giống đồng loạt vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 như lệ thường.
Song, trao đổi về điều này, chủ Cơ sở cây giống Trường Sơn lại cho rằng: “Việc bảo quản hạt giống cho mùa sau rất hạn chế. Trong trường hợp cấp bách thì mới nên làm, vì thông thường hạt giống được bảo quản chỉ trong vòng 5 tháng trở lại. Nếu lâu hơn hạt giống sẽ kém chất lượng.
Cách làm này thường nhắm vào mục đích kinh doanh hơn là hiệu quả giống. Vì vậy, tốt nhất bà con nông dân nên mua cây giống được ươm từ những hạt thu hoạch đúng vụ, đúng độ chín để sau này, cà phê sẽ cho năng suất và chất lượng cao nhất”.
Có thể bạn quan tâm

Đầu năm đón tin vui NM đạm Cà Mau đi vào hoạt động hòa nhịp cùng các NMSX phân bón trong nước, đánh dấu từ đây nước ta sẽ hoàn toàn chủ động nguồn cung cấp phân đạm cho nông dân.

Từng thất bại trắng tay vì đàn heo nhưng vợ chồng chủ trang trại Nguyễn Hồng Phước và Lê Thị Tâm ở thôn 1, xã AYun, huyện Mang Yang (Gia Lai) cũng lại đổi vận nhờ chúng.

Mỗi tháng ông Lần thu trên 5 triệu đồng lãi từ nuôi thỏ. Trong khi đó, mỗi ngày ông chỉ cần bỏ ra tầm 2 giờ chăm sóc chuồng thỏ của mình. "Nuôi thỏ chẳng có gì khó, chỉ cần làm đúng kỹ thuật" - ông cho biết.

Mô hình trồng nấm bào ngư, nấm linh chi và nấm mèo còn mới lạ với nhiều hộ nông dân, nhằm mở ra hướng làm ăn mới đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sản xuất, năm 2011 được sự hỗ trợ và đầu tư của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỏ Cày Nam và Trạm Khuyến nông-Khuyến ngư huyện, ông Đào Văn Hưởng ở ấp Phước Điền, xã Bình Khánh Đông đã sản xuất thành công thí điểm mô hình kết hợp trồng nấm bào ngư, nấm linh chi và nấm mèo đạt kết quả cao

Các nhà nghiên cứu Việt Nam cùng đồng nghiệp quốc tế vừa phát hiện hai loài gừng mới có hoa khá đẹp tại huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.