Kỳ vọng vụ tôm cuối năm
Người dân đầu tư nuôi tôm đã bắt đầu thả giống trở lại, hy vọng vào đợt tăng giá cuối năm
Nuôi nghịch vụ đón giá
Huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) được quy hoạch diện tích nuôi tôm công nghiệp 1.000 ha.
Thế nhưng đến thời điểm này mới thả nuôi được 400 ha, với 767 ha lượt nuôi (tính cả diện tích xoay vòng lần 2).
Ông Đỗ Văn Sử, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện lo lắng, tình hình này thì năm nay khó đạt kế hoạch được giao.
Theo ông Sử, năm 2014 người dân mạnh dạn đầu tư bao nhiêu, từ đầu năm 2015 đến nay lại ngại đầu tư bấy nhiêu.
Nguyên nhân được xác định do giá tôm quá thấp, vật tư đầu vào không giảm mà còn tăng, bà con nuôi không có lãi.
“Trong thời gian bà con chờ giá tôm để đầu tư nuôi lại, huyện khuyến khích các hộ có vuông nuôi quảng canh, thực hiện vèo tôm trong ao nuôi công nghiệp khoảng 1 tháng, sau đó đưa vào vuông nuôi quảng canh.
Hiệu quả mang lại khá cao, do con tôm đã đủ lớn để phát triển tốt trong môi trường tự nhiên” ông Sử cho biết.
Phú Tân là huyện phát triển nuôi tôm công nghiệp nhanh hàng đầu của tỉnh Cà Mau.
Mới phát triển vài năm nay nhưng diện tích nuôi tôm của huyện đã hơn 2.200 ha (kế hoạch 2.500 ha).
Tuy nhiên, theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện, tình hình nuôi đầu năm đến nay cũng chẳng mấy sáng sủa, khi phần lớn người dân treo ao, không nuôi.
Đồng quan điểm với những nguyên nhân trên, ông Trần Quốc Yên, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Phú Tân cho biết thêm: “Bà con trên địa bàn chủ yếu nuôi tôm thẻ chân trắng.
Sau vụ nuôi đầu năm giá thấp, vụ thứ 2 người dân đồng loạt treo ao.
Đến vụ nuôi thứ 3 này, người nuôi đã xuống giống nhiều hơn, hiện diện tích thả nuôi đạt trên dưới 1.700 ha.
Tín hiệu vui là bà con đã bắt đầu chuyển qua nuôi tôm sú, do giá sú ổn định hơn”.
Gia đình có diện tích nuôi hơn 2 ha, vậy mà vụ xuống giống vừa rồi, anh Nguyễn Thanh Lam ở xã Phú Hưng chỉ dám xuống giống 2 ao (diện tích hơn 3.000 m2).
Anh Lam tâm sự: "Tôi đầu tư nuôi để giữ vùng nuôi của mình hoạt động, đất nhà để không cũng uổng, với lại nuôi để bảo quản trang thiết bị không bị hư hỏng.
Tôi nuôi thẻ vụ này khá hiu, nhưng nuôi quen rồi.
Mong thời gian tới giá tôm lên, đón cái Tết cổ truyền cho đầy đủ, tươm tất".
Nhớ lại thời hoàng kim cách đây mới 2 năm, diện tích nuôi 10 ha của gia đình lúc nào cũng rộn ràng, mỗi năm thu tiền tỷ.
Giờ đây, nhìn những ao nuôi đang bỏ không, chú Sáu Ngoãn (người được mệnh danh là vua tôm Bạc Liêu) thở dài nói với chúng tôi: “Nghiệp nuôi tôm của tôi đã được hơn chục năm, chưa năm nào tình hình khó như thế này.
Dịch bệnh thì phức tạp, chi phí tăng cao, mà đặc biệt “bệnh giá thấp” thì nông dân tránh sao được cảnh thua lỗ”.
Vụ mùa đầu năm 2015, chú Sáu Ngoãn xuống giống 4 ao nuôi tôm công nghiệp với diện tích 2 ha.
Đã thu hoạch hơn tháng nay, theo tính toán chú lỗ hàng chục triệu đồng.
Hiện nay 10 ha diện tích nuôi tôm sú của gia đình đều bỏ không.
Dự kiến đến đầu tháng 11 này, chú sẽ xuống giống 4 ao với diện tích 2 ha nữa, nuôi nghịch vụ.
“Nuôi để đón giá, không dám đầu tư nhiều.
Con tôm sú, nuôi 5 - 6 tháng mới thu hoạch, xuống giống thời gian tới là nuôi nghịch vụ, khó nuôi lắm.
Nhưng tôi nuôi cầm chừng, thường nghịch vụ rất ít hộ nuôi vì vậy kỳ vọng giá tôm sẽ nên” chú Sáu Ngoãn chia sẻ.
Thông tin từ Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Cà Mau, diện tích nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn đã đạt hơn 9.200 ha, nhưng diện tích đang thả nuôi chỉ đạt chưa đến 50% (khoảng 4.100 ha).
Ông Nguyễn Công Quốc, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục NTTS Cà Mau cho biết, tình hình nuôi tôm đang chuyển biến tích cực hơn, diện tích thả nuôi có xu hướng tăng.
Theo đánh giá, từ đây đến cuối năm diện tích thả nuôi sẽ tăng.
Ông Ngô Thanh Lĩnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Cà Mau (Casep) cho biết, do nhu cầu tôm nguyên liệu cuối năm tăng mạnh, khách hàng chào giá đã tốt hơn.
Dự báo thời gian tới nguồn hàng xuất đi sẽ tăng, kéo theo giá tôm sẽ tăng lên.
Trước khó khăn về giá tôm thẻ chân trắng, hiện cơ cấu đối tượng nuôi của Cà Mau đang có những thay đổi.
Trước sự ổn định về giá cả của tôm sú, diện tích xuống giống đang tăng khá mạnh...
Chi cục khuyến cáo bà con nên thả thưa, hạn chế tối đa chi phí đầu vào và nuôi cỡ lớn nhằm bán được giá cao.
Kiên Giang: Kém sôi động
Tại Kiên Giang, nuôi tôm theo hình thức quảng canh, tôm - lúa tăng mạnh thì tôm nuôi công nghiệp lại khá ì ạch.
Chính điều này đã làm sản lượng tăng chậm, do 1 ha công nghiệp gấp cả trăm lần nuôi quảng canh.
Hiện nay, vụ tôm - lúa đã kết thúc, người nuôi đang kỳ vọng vào vụ nuôi công nghiệp cuối năm, khi nguồn cung giảm, giá sẽ tăng trở lại.
Ông Vương Thành Đúng ở xã Thuận Yên, TX Hà Tiên, có gần 2 ha nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức công nghiệp.
Hai vụ đầu chỉ thả cầm chừng, có lời chút ít, vụ này quyết định thả nuôi với mật độ cao hơn.
Ông Đúng cho biết: “Kinh nghiệm nhiều năm qua cho thấy, giá tôm cuối năm bao giờ cũng tăng mạnh, do các nhà máy tăng cường chế biến để cung cấp theo đơn đặt hàng của các nước nhập khẩu phục vụ dịp lễ Noel và năm mới.
Hơn nữa, thời điểm này tôm lúa đã hết mùa, nguồn cung hạn chế nên giá sẽ nhích dần lên.
Mình thả nuôi bây giờ để đón đầu là vừa”.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thả nuôi được 98.987/90.000 ha theo kế hoạch.
Diện tích tăng mạnh chủ yếu là do nuôi quảng canh cải tiến (19.827 ha) và nuôi tôm - lúa (77.286 ha).
Do đây là hình thức nuôi ít tốn kém, giá thấp nhưng người nuôi vẫn có lãi tương đối.
Trong khi đó, diện tích nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp chỉ đạt 1.886/3.000 ha, tôm thẻ chân trắng chiếm tới 1.764 ha.
Sản lượng thu hoạch từ đầu năm đến nay đạt 42.500 tấn.
“Trước tình hình này, Sở đã họp với các doanh nghiệp và các hộ dân có diện tích nuôi công nghiệp lớn, nhằm tìm giải pháp tăng diện tích thả nuôi.
Nhiều đơn vị đã tăng cường thả nuôi lại, vì hy vọng vào đợt tăng giá cuối năm.
Phấn đấu toàn tỉnh thấp nhất đạt 53.000/56.000 tấn tôm nuôi theo kế hoạch” ông Tâm kỳ vọng.
Có thể bạn quan tâm
Đến hết tháng 4/2015, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh Bình Thuận đạt 231,1ha, giảm 4,6ha so cùng kỳ năm trước. Diện tích nuôi thả bị thu hẹp do bước vào mùa nắng nóng thời tiết khô hạn làm cho nguồn nước bốc hơi nhanh, độ mặn tăng, môi trường nước biến động, độ PH thay đổi.
Tin từ Văn phòng UBND xã Vinh Hưng (Phú Lộc - Thừa Thiên Huế), do thời tiết nắng nóng, trong một tuần nay, khoảng 20 ha ao hồ trên địa bàn xuất hiện tình trạng tôm chết tấp vào bờ, tăng khoảng 50% diện tích so với 1 tuần trước đây.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, hiện rệp sáp bột hồng lây lan nhanh gây hại gần 54ha sắn mới trồng ở các huyện Đồng Xuân, Sông Hinh, Tuy An và TX Sông Cầu. Trong đó, huyện Đồng Xuân gần 49ha, Sông Hinh 2ha, Tuy An 2ha và TX Sông Cầu 1ha, tỉ lệ hại từ 1 đến 70% cây.
Những ngày qua, nhiều cơ quan, đơn vị, người dân quan tâm, chia sẻ với người nông dân về sản phẩm nông sản khó tiêu thụ. Tuy nhiên, sau những giải pháp tình thế, không ít sản phẩm nông sản vẫn đang trong vòng luẩn quẩn được mùa - rớt giá. Bởi vậy, vấn đề trồng cây gì, nuôi con gì để ổn định cuộc sống, làm giàu bền vững là điều đáng quan tâm của chính quyền và người dân các địa phương.
Hiện nay, do giá tiêu hạt trên thị trường luôn ở mức cao, nên nhiều hộ nông dân ở Dak Lak bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng ồ ạt chuyển sang trồng tiêu, đưa diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh tăng lên khá nhanh. Điều này đã khiến cây tiêu đứng trước nhiều nguy cơ về dịch bệnh nếu không có quy hoạch và liên kết bài bản.