Kỳ Vọng Vào Gạo Thơm
Trong những năm gần đây xuất khẩu gạo thơm liên tục tăng. Nếu năm 2010 chỉ mới đạt trên 200.000 tấn thì năm 2011 tăng hơn gấp đôi, đạt 460.000 tấn. Năm 2012, con số này là trên 600.000 tấn và năm 2013 đạt tới trên 900.000 tấn.
Kỳ vọng vào gạo thơm
Trên cơ sở đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đặt mục tiêu trong năm nay sẽ xuất khẩu (XK) trên 1 triệu tấn gạo thơm trong tổng số 7 triệu tấn gạo XK.
Tín hiệu tích cực
Lượng gạo XK trong tháng 1 được trên 307.000 tấn, đạt kim ngạch hơn 127 triệu USD; giảm 24% về lượng và 30% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 2, lượng gạo XK tiếp tục duy trì ở mức thấp. Các doanh nghiệp (DN) cho biết, lượng gạo XK chủ yếu theo hợp đồng tập trung hồi cuối năm ngoái.
Ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Công ty TNHH MTV nông nghiệp Cờ Đỏ (Công ty nông nghiệp Cờ Đỏ) cho biết, so với mấy năm trước thì tình hình năm nay khó khăn hơn rất nhiều. Mọi năm trước tết thường có những hợp đồng tập trung lớn, DN thường phải mua gạo dự trữ để sau tết xuất hàng. Năm nay thị trường êm đềm quá, rất khó tìm các hợp đồng mới.
Trong bối cảnh đó, VFA nhận định gạo thơm, chất lượng cao XK của Việt Nam tăng trưởng liên tục trong mấy năm gần đây là một tín hiệu tích cực. Singapore, Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc là những thị trường dẫn đầu về nhập khẩu mặt hàng này. Đặc biệt, gạo thơm của Việt Nam chiếm tỷ lệ trên 40% tại Hồng Kông.
Chất lượng gạo thơm của Việt Nam tương đương với gạo cùng chủng loại của Thái Lan nhưng lại có giá cạnh tranh hơn rất nhiều là nguyên nhân của sự tăng trưởng này. Hiện gạo thơm Việt Nam có mức giá trung bình 600 - 700/ USD/tấn, trong khi gạo Thái Lan là 900 - 1.000 USD/tấn.
Nâng cao chất lượng gạo thơm
Dù tình hình xuất khẩu gạo nói chung đang gặp khó khăn nhưng nông dân trồng lúa thơm ở nhiều địa phương đang thu hoạch lại được mùa được giá. Tại huyện Cờ Đỏ (TP.Cần Thơ) nông dân trồng lúa Jasmine đạt năng suất trung bình 7,6 tấn/ha, cao hơn năm ngoái khoảng 400 kg/ha. Công ty nông nghiệp Cờ Đỏ thu mua lúa trực tiếp trong dân với giá 6.400 đồng/kg, cao hơn năm ngoái khoảng 300 đồng/kg.
XK gạo thơm đang trên đà phát triển tốt xong vẫn ẩn chứa rủi ro về chất lượng. TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long nói: các DN XK than phiền nhiều nhất về chất lượng gạo thơm vì độ lẫn cao do thói quen lấy lúa hàng hóa làm lúa giống, bên cạnh đó trong quá trình sản xuất bị lẫn với lúa nền nên độ thuần thường chỉ đạt khoảng 70%. Khi thu mua gạo thơm để XK DN phải nấu thử, nếu đạt chất lượng họ mới mua.
Để duy trì tốt hoạt động XK gạo thơm trong thời gian tới, DN cần tránh tình trạng mua gạo hàng hóa trôi nổi về chế biến XK mà xây dựng vùng nguyên liệu riêng cho mình để đảm bảo về chất lượng. Hiện tại, Viện Lúa ĐBSCL có thể cung cấp cho thị trường lúa giống có độ thuần đến 98 - 99%.
Một vấn đề khác cũng làm các DN kinh doanh XK gạo lo lắng đó là “kiểu hình” của hạt gạo. Cùng là giống Jasmine nhưng các địa phương khác nhau lại chọn tạo theo những tiêu chí khác nhau do đó cho ra hạt gạo có kiểu hình khác nhau như tròn, hạt thon, hạt nhỏ... Việc này sẽ khiến người tiêu dùng nghi ngờ bị lẫn tạp, bị pha trộn dù chất lượng như nhau. Ông Khải cho rằng, cần có đơn vị chủ trì để đưa ra giống lúa thống nhất cho cả khu vực ĐBSCL.
Có thể bạn quan tâm
Bà Nguyễn Thị Nga (43 tuổi, ngụ ấp Bình Tây, xã Vĩnh Thành, H.Chợ Lách) vinh dự là người phụ nữ duy nhất được nhận danh hiệu 'Nông dân Bến Tre xuất sắc'
Từ 25 con giống trĩ xanh, đỏ năm 2015, đến nay trang trại của ông Phan Thanh Tuấn (Cần Thơ) có trên 100 con chim bố mẹ, mỗi năm thu lãi trên 200 triệu đồng.
Tại tỉnh Hậu Giang, nông dân Võ Văn Trưng đã đầu tư trồng dưa lưới quanh năm, theo hướng công nghệ cao cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Với 1.000 m2, ông Ngoãn nuôi thả mật độ thưa, đảm bảo ao nuôi và xử lý nước sạch, mỗi năm cất được 20 tấn tôm sú tươi.
Anh Tăng Tấn Hưng (ngụ ở ấp Phú An A, xã Phú Vĩnh) là một điển hình về chuyển đổi từ cây lúa sang cây bưởi da xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao