Trang chủ / Cá nước ngọt / Cá tra, basa

Kỹ Thuật Ương Cá Tra Giống Theo Tiêu Chuẩn SQF1000

Kỹ Thuật Ương Cá Tra Giống Theo Tiêu Chuẩn SQF1000
Ngày đăng: 22/08/2013

KỸ THUẬT ƯƠNG CÁ TRA GIỐNG

1. Chọn ao và địa điểm:

- Diện tích từ 1.000m2-2.000m2, độ sâu từ 1,5-2,0m.

- Ao ương cá nên chọn ở những nơi gần kênh, rạch để tiện cho việc cấp thoát nước và chăm sóc quản lý. Không trồng cây lớn quanh bờ ao vì cây lớn sẽ che ánh sáng mặt trời và lá cây rụng xuống làm thối nước gây ô nhiễm môi trường.

2. Cải tạo ao:

- Tát cạn vét bùn đáy ao, lấp hang cua, ếch, chuột, lươn,… Đắp lại những chỗ sạt lở, sửa lại cống bọng, dọn cỏ quanh bờ ao, để tránh địch hại trong giai đoạn đầu thả cá bột.

- Lượng vôi sử dụng để rải từ 10-15kg/100m2 ao. Sau khi rải vôi, ao phải được lắng từ 2-3 ngày.

Bón vôi cải tạo ao

3. Cấp nước vào ao và gây màu nước:

- Cấp nước vào ao phải qua túi lọc thật mịn để tránh trứng, cá tạp, giáp xác,… Nếu có điều kiện cần phải lắng qua ao trữ từ 5-7 ngày sau đó mới cấp vào ao.

- Nước cấp vào ao trước khi thả cá bột 1 ngày.

- Đối với quy trình ương cá tra giống phải thực hiện gây màu nước để tạo thức ăn tự nhiên trong giai đoạn đầu cho cá bột.

- Đối với ao 1.000m2: bón vào 2kg bột cá mịn 40% đạm + 2kg bột đậu nành để cung cấp thức ăn tự nhiên cho cá.

- Trước khi thả cá cần kiểm tra lại các yếu tố môi trường nước ao ương sao cho đảm bảo:

+ pH: 7-8

+ Nhiệt độ: 28-300C

+ Oxy ≥ 3mg/lít

4. Giống và mật độ thả:

- Cần chọn cá bột ở các trại sản xuất có uy tín, có thể truy xuất nguồn gốc đàn cá bố mẹ rõ ràng, tránh hiện tượng cá bột đồng huyết hay cận huyết.

- Thời gian thả cá bột vào ao nuôi tốt nhất là sáng sớm và chiều mát.

- Mật độ: 500 con/m2.

5. Thức ăn và cách cho ăn: Cách tính cho một triệu cá bột:

5.1 Tuần thứ 1:

- Số lượng cho cá ăn trong một lần gồm hỗn hợp như sau:

+ Bột đậu nành: 300g

+ Bột sữa: 300g

- Số lần cho cá ăn: 5 lần/ngày vào lúc 7h, 10h, 14h, 17h, 20h.

- Cách cho ăn: hoà tan hỗn hợp trên vào nước rồi tạt đều khắp mặt ao.

5.2 Tuần thứ 2:

- Cho cá ăn 5 lần/ngày vào lúc 7h, 10h, 14h, 17h, 20h. Thức ăn sử dụng là bột thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm từ 40%.

Liều lượng 0,5kg/lần ăn (x 5 lần/ngày = 2,5 kg/1 triệu cá bột/ngày).

- Mỗi ngày tăng lượng thức ăn thêm 20%. (Tuỳ mức độ ăn của cá mà điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp).

- Cách cho ăn: hoà tan hỗn hợp trên với nước rồi tạt đều khắp ao ương.

5.3 Tuần thứ 3:

- Sử dụng thức ăn công nghiệp, có hàm lượng đạm từ 35-40%.

- Số lần cho ăn: 4 lần/ngày (8h, 1h, 14h, 17h).

- Tập cho cá gom cầu và định lượng lại thức ăn cho hợp lý.

Cho cá ăn

5.4 Tuần thứ 4 trở đi:

- Sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi có hàm lượng đạm từ 30-35% và có kích cỡ vừa miệng cá.

- Số lần cho ăn 3 lần/ngày, cho cá ăn phải đủ lượng và chất.

- Cuối tuần thứ tư, bắt đầu lọc cá để san thưa, giữ mật độ 150-200con/m2.

6. Quản lý và chăm sóc:

- Không để địch hại như rắn, lươn, cá tạp, cá giữ, bọ gạo,… xâm nhập.

- Quan sát màu nước ao ương, màu nước ao ương phải luôn có màu xanh nõn chuối.

- Khi cho cá ăn cần đảm bảo 4 định “lượng, chất, vị trí và thời gian” để giúp cá tăng trưởng tốt và hạn chế ô nhiễm ao ương.

- Định kỳ sử dụng một số chế phẩm sinh học để làm sạch nước nhe EM, Zeofish,…

- Những trận mưa đầu mùa nên dùng vôi bột (lắng trong) từ 20-30kg/1000m2 tạt đều khắp ao.

- Sử dụng VitaminC thường xuyên để tăng sức đề kháng cho cá.

II. MỘT SỐ BỆNH THƯỜNG GẶP TRONG GIAI ĐOẠN ƯƠNG CÁ TRA

1. Công tác phòng bệnh:

- Việc phòng bệnh cho cá là bắt buộc trong ương nuôi thuỷ sản.

- Bổ sung Vitamin C 2 lần/tuần (từ 0,5-1g/1kg thức ăn) để tăng sức đề kháng cho cá.

- Không dùng kháng sinh để phòng bệnh.

- Trộn thêm men vi sinh để giúp cá tiêu hoá tốt thức ăn và phòng một số bệnh về hệ tiêu hoá.

- Định kỳ kiểm tra các yếu tố môi trường ao ương: pH, nhiệt độ, NH3,…

2. Các bệnh do môi trường

- Thường xảy ra khi có sự thay đổi bất thường của thời tiết, làm cho các yếu tố thuỷ lý hoá của môi trường nuôi bị thay đổi đột ngột như pH, nhiệt độ, Oxy,…

- Khi gặp trường hợp này có thể sử dụng vôi bột (CaCO3) liều lượng 20-30kg/1.000m2 kết hợp tạt thêm 100-150 kg muối/1.000m2.

3. Bệnh trùng bánh xe:

+ Nguyên nhân: Do trùng bánh xe Trichodina ký sinh ở da và mang cá.

+ Triệu chứng: Toàn thân cá có nhiều nhớt màu trắng đục. Da cá chuyển sang màu xám. Cá cảm thấy ngứa ngáy và nổi đầu hàng đàn.

+ Điều trị: Dùng phèn xanh (CuSO4) tạt trực tiếp xuống ao với nồng độ 0,3-0,5g/m+3 nước. Sau 24 giờ thay nước và bón vôi bột 20-30kg/1000m2.

4. Bệnh sán lá:

+ Nguyên nhân: Do sán lá đơn chủ 16 móc (Dactylogyrus) hay 18 móc (Gyrodactylus). Thường bám ở mang hay da cá gây xuất huyết.

+ Triệu chứng: Cá bệnh mang nhợt nhạt, thường hô hấp kém do mang và da tiết ra nhiều dịch nhờn, cá bị ngạt thở nổi đầu thành đàn, bơi lội chậm chạp hay bơi ven bờ thích tập trung chỗ có nước chảy.

+ Điều trị: Nếu cá trong ao dùng formol với liều lượng 15ml/1m3 (15cc/m3 nước) tắm cho cá. Để điều trị có hiệu quả, mỗi đợt điều trị lặp lại 3 lần trong 6 ngày.

5. Bệnh nhiễm khuẩn:

+ Nguyên nhân: Do vi khuẩn Aeromonas, Pseudomonas, Edwardsiella.

+ Triệu chứng: Xuất huyết từng đốm nhỏ trên da, chung quanh miệng, nắp mang và phía dưới bụng, bụng trương to có nhiều dịch màu hồng hoặc vàng.

+ Điều trị: Cần đem mẫu đến các phòng xét nghiệm và chuẩn đoán bệnh để xác định vi khuẩn gây bệnh để có hướng sử dụng thuốc thích hợp. Ngoài ra kết hợp xử lý môi trường ổn định bằng cách tạt 20-30kg vôi bột và 100-150kg muối/1000m2.


Có thể bạn quan tâm

Phòng Trừ Các Bệnh Thường Gặp Ở Cá Tra, Basa Phòng Trừ Các Bệnh Thường Gặp Ở Cá Tra, Basa

Cá tra, basa cũng như nhiều loài cá nước ngọt khác, dễ bị nhiễm nhiều loại bệnh phổ biến. Các tác nhân gây bệnh cho cá gồm 2 nhóm là các bệnh truyền nhiễm

29/12/2010
Phần 1 - Những Điều Kiện Nuôi Cá Tra Và Basa Trong Bè Phần 1 - Những Điều Kiện Nuôi Cá Tra Và Basa Trong Bè

- Chất lượng và dòng chảy của sông Tiền và sông Hậu (sông Cửu Long - ĐBSCL) thích hợp cho việc nuôi cá bè - Yếu tố thuận lợi về nguồn thức ăn, nguồn giống tự nhiên - Kinh nghiệm nuôi bè được tích lũy qua nhiều năm của nhân dân địa phương. - Cá tra và cá basa cũng đã có được thị trường xuất khẩu với nhu cầu số lượng lớn.

28/12/2010
Kinh Nghiệm Nuôi Cá Tra Thịt Trắng Kinh Nghiệm Nuôi Cá Tra Thịt Trắng

Cá tra đánh bắt ngoài tự nhiên tại các vùng nước sạch đều có thịt màu trắng, trong khi cá tra nuôi hầm, bè thịt cá thường bị vàng, nên hiệu quả xuất khẩu không cao.

09/12/2011
Nuôi Cá Tra Xuất Khẩu Trong Ao Nuôi Cá Tra Xuất Khẩu Trong Ao

Nuôi cá tra thịt trắng xuất khẩu là một tiêu chuẩn bắt buộc. Chị Phạm Ngọc Xuân ở xã Mỹ Hòa, TP Long Xuyên (An Giang) đã có kinh nghiệm nuôi cá tra xuất khẩu thành công trong ao đất.

29/12/2010
Nuôi Cá Tra Ở Miền Bắc Nuôi Cá Tra Ở Miền Bắc

Cá tra chủ yếu được nuôi ở lưu vực sông Mê Công, không thích nghi với khí hậu lạnh ở miền bắc. Nhưng với kỹ thuật nuôi cá tra trong ao đất, lồng bè và kỹ thuật lưu giữ cá qua đông của Viện Nghiên cứu thuỷ sản 1, sẽ là cơ sở để phát triển nuôi cá tra ở miền bắc

06/11/2011