Kỹ Thuật Trồng Xoài Vân Du XPH11
Viện Khoa kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI) giới thiệu và khuyến cáo bà con nông dân, đặc biệt là các tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc đưa giống xoài Vân Du XPH11 vào trồng trong cơ cấu cải tạo vườn tạp nhằm tăng thêm thu nhập và cải thiện đời sống.
Đây là giống xoài đặc sản bản địa được các nhà khoa học Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển rau hoa quả (thuộc NOMAFSI) phát hiện đầu tiên tại xã Vân Du, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, chọn tạo và trồng thử nghiệm thành công cho kết quả tốt, được Bộ Nông nghiệp-PTNT công nhận là giống Quốc gia và cho phép phát triển ra sản xuất từ đầu năm 2009.
Một số đặc điểm giống xoài Vân Du XPH11: Cây mọc thẳng, phân cành sớm. Trồng bằng cây ghép sau 3 năm đã cao 2-2,5m. Lá hình bầu dục thuôn dài, mép lá gợn sóng. Cụm hoa hình tháp, nhiều hoa cái, khả năng đậu quả cao. Quả dài, khối lượng bình quân 220g/quả; quả lúc còn non có màu xanh sáng, khi chín có màu vàng sẫm kèm theo nhiều vết xám; độ Brix 20-22 %, axid 0,12%, đường 14,5%, caroten 3,02mg/100g; vị ngọt, ăn ngon, có hương vị đặc trưng.
Có thể ăn xanh và giấm chín. Năng suất ổn định và ít có hiện tượng ra quả cách niên như nhiều giống xoài khác, cây cây 5 tuổi đạt từ 18-20 tấn/ha. Xoài Vân Du XPH11 có khả năng chịu hạn tốt, thích hợp trồng ở các vùng đồi hoặc vùng đất phù sa ven sông sẽ cho năng suất cao, hiệu quả lớn.
Kỹ thuật trồng, chăm sóc:
- Điều kiện sinh thái: Nhiệt độ thích hợp nhất cho cây sinh trưởng, phát triển từ 24-26oC, lượng mưa khoảng 1.000mm/năm, ẩm độ đất 55-75%; có thể trồng trên nhiều loại đất từ đất đồi, đất vườn, đất ruộng đến đất cát pha, đất bồi ven sông, pH thích từ 5,5-6,5, đất sâu trên 70cm, tỷ lệ mùn đạt trên 2%.
- Kỹ thuật trồng: Trồng bằng phương phép ghép cây, tốt nhất là dùng phương pháp ghép nối ngọn sẽ cho tỷ lệ cây sống cao, nhanh phát triển cành. Thời vụ trồng tốt nhất là vụ xuân (tháng 2-3) và vụ thu (tháng 8-9). Tùy điều kiện đất đai, độ dốc và chế độ thâm canh mà xác định mật độ trồng cho phù hợp. Với các tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc nên trồng 500 cây/ha với khoảng cách 4m x 5m, với mật độ này sau khi thu hoạch quả xong cần chú ý cắt tỉa, tạo tán cho vườn cây thông thoáng.
Đào hố với kích thước 60 x 60 x 60cm, bón lót cho mỗi hố 45-50 kg phân chuồng hoai mục + 1kg supe lân + 0,35 kg phân kali + 0,6-0,8 kg vôi bột. Trộng đều phân với lớp đất mặt để trồng chặt cây ngang mặt bầu. Trồng xong tủ rác giữ ẩm, tưới đẫm nước và cắm cọc buộc chặt gốc chống gió lay cho cây.
- Chăm sóc: Sau trồng khoảng 1 năm, tiến hành cắt tỉa cành 1-2 lần/năm giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, đặc biệt là có bộ tán đều. Hàng năm, sau khi thu hoạch, cắt bỏ hết cành tăm, cành sâu bệnh, chồi vượt. Mỗi năm bón thúc cho cây 2 lần vào tháng 2-3 và 7-8 với lượng phân NPK tổng hợp 0,8-1,3kg/cây/lần bón, 30-40 kg/cây phân chuồng hoai sau khi đã thu hoạch quả kết hợp với ép xanh hàng năm. Cần ngắt bỏ hết hoa của các cây ra hoa trong giai đoạn 1-2 năm đầu nhằm tập trung dinh dưỡng nuôi cây, giúp cho cây sinh trưởng tốt, nhanh chóng có bộ tán lớn nhằm đảm bảo cho cây có sức sống khoẻ, cho năng suất cao sau này.
Ngoài ra có thể dùng các loại phân bón vi sinh, phân bón qua lá để tăng cường dinh dưỡng cho cây nhằm tạo điều kiện cho cây ra đọt, ra lá, phân hoá mầm hoa và đậu quả tốt. Để giúp cho cây có khả năng ra hoa đều các năm có thể dùng 1 ml Ethefon pha trong 1 lít nước hoặc KNO3 1% phun đều trên tán lá sau khi lộc đã ổn định.
- Phòng trừ sâu bệnh: Chú ý phòng trừ kịp thời các loại rầy, rệp hại hoa, ruồi đục quả, sâu đục thân. Phun phòng bệnh thán thư, bệnh phấn trắng, bệnh đốm đen… thường gây hại nặng trên gié hoa, đọt non, lá non và quả non làm rụng quả, giảm năng suất bằng thuốc Boóc-đô 1% 1 tháng 2 lần. Khi phát hiện các bệnh nguy hiểm nói trên có thể dùng các loại thuốc trị nấm đặc hiệu như Aliette 80WP, Ridomil, Topsin M pha nồng độ 0,15-0,2% để phun trừ.
Có thể bạn quan tâm
Viện Nghiên cứu Rau quả đã nhập nội giống xoài từ Trung Quốc và Australia để chọn lọc được một số giống xoài, trong đó có giống GL1 và GL6 có khả năng sinh trưởng và phát triển ở các tỉnh phía Bắc cho năng suất cao, thâm canh tốt.
Xoài là cây ăn trái dễ trồng, có giá trị kinh tế cao. Vì vậy, trong những năm gần đây, diện tích trồng xoài đã gia tăng đáng kể ở một số tỉnh ĐBSCL. Song song với sự gia tăng diện tích, dịch hại trên xoài cũng ngày càng trở nên trầm trọng. Trong đó, bệnh thán thư là phổ biến và gây hại khá nghiêm trọng trên năng suất và phẩm chất trái.
Kích thước nhỏ như con rầy nâu gây hại lúa, mình có màu xanh nhạt, thường nhảy trong lá phát ra những tiếng lóc cóc nên rất dễ phát hiện. Rầy chích hút nhựa làm lá không phát triển được, hoa bị khô và rụng; quả non sau khi đậu không phát triển được sẽ bị teo và rụng dần. Chất thải của rầy dính trên lá là môi trường sông và nguồn thức ăn cho lớp nấm màu đen bám và lan trên mặt lá, làm giảm sự quang hợp.
Mặc dù xoài thường ra hoa rất nhiều nhưng rụng hoa, rụng trái non cũng không ít, đôi khi tỷ lệ rụng hoa và trái non lên đến 99%. Dưới đây là một số nguyên nhân và biện pháp phòng chống tình trạng này ở xoài.
Sâu đục ngọn xoài có tên khoa học Chlumetia transversa họ Noctuidae thuộc bộ Lepidoptera. Bướm trưởng thành có màu nâu, chiều dài sãi cánh 17-18 mm, chúng đẻ trứng trên chồi mới ra lá non hay chùm bông hoặc trên lá.