Trang chủ / Cây công nghiệp / Cây cao su

Kỹ Thuật Trồng Và Chăm Sóc Cây Cao Su ( Các Loại Giống )

Kỹ Thuật Trồng Và Chăm Sóc Cây Cao Su ( Các Loại Giống )
Ngày đăng: 23/01/2011

Ở Việt Nam cây cao su được di thực vào năm 1897, được trồng tại hai điểm: một ở vườn thí nghiệm Suối Dầu - Nha Trang của bác sĩõ Yersin, và một ở vườn thí nghiệm Ông Yệm, Lai Khê - Bến Cát - Bình Dương. Đến thập niên 1920, cao su phát triển thành đồn điền tại các khu vực xung quanh Sài Gòn - Gia Định, Biên Hòa, Thủ Dầu Một

Đến năm 2003, diện tích cao su thuộc tổng công ty cao su Việt Nam đạt 219.600 ha, trong đó 173.700 ha đang được khai thác mủ. Diện tích cao su nay trải rộng từ Đông Nam Bộ đến Tây Nguyên và Miền Trung, điều kiện sinh thái của các vùng này rất khác nhau, sinh trưởng và năng suất của cây cao su cũng thay đổi tùy theo điều kiện môi trường.

Đặc điểm thực vật học

Cây Cao su xuất xứ là cây rừng hoang dại, thân cao trên 30m, vanh thân có thể đạt tới 5m, tán lá rộng và có thể sống trên 100 năm. Cây cao su trồng trong sản xuất đại trà thường là cây đã được ghép của những dòng vô tính đã được chọn lọc để bảo đảm tính tương đối và đồng nhất của vườn cây và ổn định năng suất.

Rễ: Cao su vừa có rễ cọc vừa có rễ bàng, rễ cọc cắm sâu vào đất, chống đỗ ngã và hút nước, dinh dưỡng từ tầng đất sâu. Hệ thống rễ bàng phát triển rất rộng và phần lớn tập trung ở tầng canh tác, nhiệm vụ chủ yếu là hút nước và hút dinh dưỡng.

Thân: Bộ phận kinh tế nhất của cây Cao su là phần thân cây với lớp vỏ mang những ống chứa mủ, đây là nơi khai thác mủ sau đó là khai thác gỗ.

Lá: Loại lá kép có ba lá chét với phiến lá nguyên, mọc cách và mọc thành từng tầng. Từ năm thứ 3 trở đi, cây có giai đoạn rụng lá qua đông tập trung ở những vùng có mùa khô rõ rệt.

Hoa, quả và hạt: Hoa cao su là hoa đơn tính đồng chu, phát hoa hình chùm mọc ở đầu cành sau giai đoạn thay lá hằng năm; quả hình tròn hơi dẹp, quả có 3 ngăn, mỗi ngăn chứa một hạt, hạt cao su có chứa tỷ lệ dầu khá cao nên thời gian bảo quản hạt trước khi gieo tương đối ngắn.

GIỐNG CAO SU

PB235

Nguồn gốc: Xuất xứ Malaysia, Phổ hệ PB 5/51 x PB S/78.

Dạng cây: Có cành phụ tự rụng, tạo thân chính thẳng cao, do vậy cho trữ lượng gỗ lớn.

Sinh trưởng: Khoẻ trong thời gian Kiến thiết cơ bản, tăng trưởng khá trong lúc mở cạo.

Chế độ cạo: 1/2S d/3. Không thích hợp khai thác với cường độ cạo cao và kích thích nhiều, vì dễ bị bệnh khô mủ.

Năng suất: Năng suất thay đổi theo điều kiện môi trường và từng năm. Sản lượng cao và sớm ở vùng thuận lợi, đạt trung bình ở vùng bất thuận. Trong 12 năm đầu năng suất bình quân 1,6 tấn/ha/năm, sản lượng PB235 tập trung vào những tháng cuối năm.

Các đặc tính khác: Ít nhiễm các loại bệnh, nhưng mẩn cảm với bệnh phấn trắng, chịu gió kém. Vùng đất có cao trình > 600 m (Tây Nguyên), thời tiết bất thuận, PB235 bị giảm năng suất đáng kể do bị nhiễm bệnh phấn trắng nặng và thường xuyên bị gãy cành do gió bão. Cây đáp ứng thấp với chất kích thích mủ và dễ bị khô miệng cạo.

PB 255

Nguồn gốc: Xuất xứ Malaysia, Phổ hệ PB 5/51 x PB 32/36. Trồng đại trà ở các công ty cao su Đông Nam bộ những năm gần đây.

Dạng cây: Thân hơi cong khi còn nhỏ. Tán thấp, phân cành rộng. Cành ghép ít mắt và tỷ lệ sống thấp. Vỏ nguyên sinh dày, trơn, hơi cứng, tái sinh bình thường.

Sinh trưởng: trong thời gian KTCB cây sinh trưởng trung bình. Tăng trưởng trong khi cạo khá.

Chế độ cạo: 1/2S d/3. Đáp ứng kích thích mủ tốt; thích hợp chế độ cạo nhẹ có kích thích.

Năng suất: Năm đầu thấp, tăng vào các năm sau. Năng suất bình quân 2 -> 2,5 tấn/ha/năm. Năng suất mủ rất cao ở vùng thuận lợi và cao hơn nhiều giống khác ở miền Trung.

Các đặc tính khác: Dễ nhiễm bệnh loét sọc mặt cạo và nấm hồng. Kháng gió tốt, là giống có triển vọng cho nhiều vùng trồng cao su có gió mạnh. Đất kém dinh dưỡng hoặc thiếu chăm sóc cây sinh trưởng chậm. Lưu ý kỹ thuật cạo vì vỏ dày và cứng hơn nhiều giống khác.

PB 260

Nguồn gốc: Xuất xứ Malaysia, Phổ hệ PB 5/51 x PB 49. Là giống được trồng đại trà ở hầu hết các vùng trồng cao su gần đây.

Dạng cây: Thân thẳng, tròn, chân voi rõ, tán cân đối, cành thấp tự rụng. Vỏ nguyên sinh dày trung bình, trơn dễ cạo, tái sinh tốt.

Sinh trưởng: Sinh trưởng trong thời gian KTCB ở Đông Nam bộ đạt mức trung bình, khá ở Tây Nguyên. Tăng trưởng trong khi cạo khá.

Chế độ cạo: 1/2S d/3. Thích hợp chế độ cạo nhẹ, đáp ứng kích thích mủ trung bình, và không nên mở miệng cạo sớm khi vỏ còn mỏng.

Năng suất: Ở miền Đông Nam bộ, các năm đầu PB 260 có sản lượng thấp hơn PB 235 nhưng có xu hướng tăng cao vào các năm sau. Tại Tây Nguyên, sản lượng cao ngay các năm đầu, vượt nhiều giống khác.

Các đặc tính khác: Ít nhiễm hoặc nhiễm nhẹ bệnh phấn trắng, dễ bị nhiễm bệnh loét sọc mặt cạo. Kháng gió khá.

RRIM 600

Nguồn gốc: Xuất xứ Malaysia. Phổ hệ: Tj 1 x PB 86.

Dạng cây: Thân thẳng, phân cành lớn tập trung, tán rộng. Vỏ dày trung bình, dễ cạo. Cạo phạm, vỏ tái sinh dễ bị u lồi.

Sinh trưởng: Sinh trưởng trong thời gian KTCB đạt mức trung bình. Tăng trưởng khi cạo khá

Chế độ cạo: 1/2S d/2. Đáp ứng được với thuốc kích thích vừa phải, có thể chịu được cường độ cạo cao.

Năng suất: Khá cao và ổn định trên nhiều vùng. Năng suất đạt trung bình từ 1,5 -> 1,6 tấn/ha/năm từ năm cạo thứ tư trở đi. Trong 12 năm đầu năng suất bình quân đạt 1,4 tấn/ha/năm.

Các đặc tính khác: RRIM 600 mẩn cảm với bệnh nấm hồng, rụng lá mùa mưa, loét sọc mặt cạo, ít nhiễm phấn trắng. Đây là giống rất triển vọng cho Tây Nguyên và Bắc Trung bộ.

RRIV2 (LH 82/156)

Nguồn gốc: Viện NC Cao su Việt Nam, 1982. Phổ hệ: RRIC 110 x RRIC 117.

Dạng cây: Thân thẳng, tròn. Phân cành trung bình. Cành về sau tự rụng. Tán thấp và rậm khi cây còn tơ; tán cao và thoáng khi trưởng thành. Vỏ cạo dày trung bình, trơn láng dễ cạo.

Sinh trưởng: Cây sinh trưởng rất khoẻ trong giai đoạn KTCB; tăng trưởng trong khi cạo tốt.

Chế độ cạo: 1/2S d/3. Hạn chế sử dụng chất kích thích mủ.

Năng suất: Sản lượng những năm đầu thấp, sau đó tăng dần và vượt PB 235. Tại Đông Nam bộ năng suất năm thứ 3 đạt trên 2 tấn/ha; sản lượng đều qua các tháng trong năm, đáp ứng kích thích mủ khá.

Các đặc tính khác: Nhiễm nhẹ các lọai bệnh. Chịu rét kém.

RRIV 3 (LH 82/158)

Nguồn gốc: Viện NC Cao su Việt Nam, 1982. Phổ hệ: RRIC 110 x RRIC 117.

Dạng cây: Thân thẳng, tròn. Phân cành tập trung, thấp, nhiều cành nhỏ ở giai đoạn non. Cành thấp về sau tự rụng. Tán tròn, rậm. Vỏ cạo dày trên trung bình, dễ cạo.

Sinh trưởng: Cây sinh trưởng ban đầu chậm, sau tăng nhanh vượt hơn PB 235; tăng trưởng trong khi cạo tốt.

Chế độ cạo: 1/2S d/3.

Năng suất: Tăng dần theo các năm. Tại Đông Nam bộ năng suất năm thứ 3 đạt trên 2 tấn/ha; sản lượng đều qua các tháng trong năm, đáp ứng kích thích mủ khá.

Các đặc tính khác: Nhiễm phấn trắng và nấm hồng, ít rụng lá mùa mưa và loét sọc mặt cạo.

RRIV 4 (LH 82/182)

Nguồn gốc: Viện NC Cao su Việt Nam, năm 1982. Phổ hệ: RRIC 110 x PB 235. Giống chiếm tỷ lệ cao trong diện tích trồng mới ở khu vực Đông Nam bộ.

Dạng cây: Thân thẳng, tròn, vỏ hơi mỏng, dễ cạo.

Sinh trưởng: Cây phát triển nhanh ở các năm đầu, cành gỗ ghép phát triển nhanh, nhiều mắt, ghép dễ sống. Tăng trưởng trong thời gian cạo kém.

Chế độ cạo: 1/2S d/3.

Năng suất: Là giống cao su cho năng suất rất cao và tăng dần theo các năm. Ở vùng Đông Nam bộ, năng suất năm thứ 2 đã đạt 1,8 - 2 tấn/ha, các năm sau có thể đạt 3 tấn/ha. Năng suất mủ cao hơn hẳn giống PB235 và các dòng RRIV 1,2,3,5.

Các đặc tính khác: Nhiễm nhẹ các bệnh nấm hồng, loét sọc mặt cạo; dễ nhiễm phấn trắng, héo đen đầu lá. Kháng gió rất kém, không nên trồng ở vùng gió mạnh. Cần chú ý các biện pháp tạo tán thích hợp.

VM515

Nguồn gốc: Xuất xứ Malaysia. Phổ hệ: chưa xác định.

- Dạng cây: Thân hơi vặn, dáng thẳng, phân cành cao. Vỏ nguyên sinh hơi dầy, nhẵn, dễ cạo, tái sinh vỏ tốt.

Sinh trưởng: Khá lúc mới trồng, chậm dần lúc mở miệng cạo. Tăng trưởng trong khi cạo kém.

Chế độ cạo: 1/2 S d/3. Đáp ứng được với kích thích.

Năng suất: 1,5 -> 2 tấn/ha/năm. Năng suất tương đương hoặc hơn PB235.

Các đặc tính khác: VM 515 ít nhiễm nấm hồng, loét sọc mặt cạo, nhưng nhiễm các bệnh lá, dễ khô miệng cạo.


Có thể bạn quan tâm

Chăm bón cây cao su bằng phân đa yếu tố NPK Văn Điển Chăm bón cây cao su bằng phân đa yếu tố NPK Văn Điển

Cao su ở nước ta được trồng chủ yếu trên đất xám, đỏ vàng và bazan tập trung nhiều ở các tỉnh đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

18/11/2017
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cao su - Phần 1 Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cao su - Phần 1

Phần 1. Hướng dẫn chọn giống cao su và kỹ thuật trồng cây cao su: Đào hố, bón lót, Trồng bầu cắt ngọn và bầu có tầng lá, Trồng tum bầu có tầng lá

08/06/2018
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cao su - Phần 2 Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cao su - Phần 2

Phần 2. Hướng dẫn chăm sóc vườn cao su kiến thiết cơ bản: Làm cỏ trên hàng cao su, Quản lý cỏ giữa hàng cao su, Tủ gốc và quét vôi chống nắng

08/06/2018
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cao su - Phần 3 Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cao su - Phần 3

Phần 3: Bố trí hố đa năng trên vườn kiến thiết cơ bản, kinh doanh và chăm sóc cây cao su kinh doanh.

08/06/2018
Bệnh loét sọc miệng cạo cây cao su mùa mưa Bệnh loét sọc miệng cạo cây cao su mùa mưa

Một trong những dịch hại nguy hiểm thường xuất hiện trong mùa mưa là bệnh loét sọc mặt cạo cao su. Bệnh đã làm giảm sản lượng mủ và làm ảnh hưởng nghiêm trọng

05/09/2018