Kỹ Thuật Trồng Ớt Ngọt Theo Hướng An Toàn
Ớt ngọt (Capsicum annum L.) là cây ưa nhiệt, nhiệt độ thích hợp cho cây sinh trưởng và phát triển của cây ớt là 25 - 28 độ C ban ngày và 18 - 22 độ C ban đêm. Cây ớt cần nhiều ánh sáng, nếu thiếu ánh sáng nhất là thời kỳ ra hoa thì sẽ làm giảm tỷ lệ đậu quả.
Ớt chịu được hạn, tuy nhiên ở thời kỳ ra hoa và đậu quả, độ ẩm (đất và không khí) đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành khối lượng và chất lượng quả. Độ ẩm đất thấp (dưới 70%) quả hay bị cong và vỏ quả không mịn. Tuy vậy ớt không chịu được úng. Độ ẩm đất quá cao (trên 80%) làm bộ rễ kém phát triển, cây còi cọc.
1. Thời vụ
Vụ Đông Xuân: Gieo hạt tháng 10 - 12, trồng tháng 1 - 2, thu hoạch tháng 4 - 5 đến tháng 6 - 7.
Vụ Hè Thu: Gieo hạt tháng 6, tháng 7; trồng tháng 8 - 9, thu hoạch tháng 1, tháng 2.
2. Vườn ươm
Dùng giống có năng suất, chất lượng và sức chống chịu sâu bệnh cao. Trước khi gieo, xử lý hạt bằng thuốc tím hoặc nước sôi 50 độ C. Làm đất kỹ, bón lót phân chuồng hoai mục 3 - 4 kg/m2, gieo hạt 0,5 - 0,6 g/m2. Sau khi gieo, phủ một lớp rơm rạ băm nhỏ trên mặt luống. Cây con được 1 - 2 lá thật, tiến hành tỉa bỏ cây xấu để mật độ 3 x 4 cm. Cây giống có 5 - 6 lá thật thì đem trồng (khoảng 25 - 30 ngày sau gieo).
Tiêu chuẩn cây ớt giống: Thân cứng, mập, khoảng cách các lá ngắn, không bị sâu bệnh.
3. Làm đất, bón phân, trồng
Nên trồng ớt trên chân đất phù sa có hàm lượng hữu cơ lớn hơn hoặc bằng 1,5%, độ pH 5,5 - 7,0, tốt nhất là 6,5 - 6,8. Nơi trồng ớt sạch phải xa nguồn nước thải, xa các khu công nghiệp, cách đường quốc lộ ít nhất 100 m. Đất trồng phải đảm bảo tưới tiêu chủ động.
Phơi ải đất, làm đất kỹ, lên luống rộng 1m, cao 30 cm, rãnh rộng 20 cm. Trồng hai hàng với khoảng cách 0,6 x 0,4 m.
4. Bón phân
Phân bón chỉ sử dụng phân chuồng ủ mục và phân vô cơ, tuyệt đối không dùng phân tươi. Lượng phân bón cho một hecta là: 25 tấn phân chuồng mục (900 - 950 kg/sào Bắc Bộ), 150 N, 90 P2O5, 150 K2O (11 kg ure, 21 kg supe lân, 11 kg kali sulfat/sào Bắc Bộ).
- Bón lót: Toàn bộ phân chuồng + lân + 20% đạm + 30% kali.- Bón thúc:
+ Lần 1 khi cây hồi xanh: 10% đạm. + Lần 2 khi cây ra nụ: 20% đạm + 20% kali.
+ Lần 3 cây ra quả rộ: 30% đạm + 30% kali. + Lần 4 sau thu hoạch đợt 1: bón số phân còn lại.
Có thể dùng nitrat amôn, sulfat amôn thay cho urê, clorua kali thay cho sulfat kali hoặc các phân hỗn hợp, phức hợp NPK với liều lượng nguyên chất tương đương, hoặc dùng các dung dịch dinh dưỡng phun qua lá theo hướng dẫn của hãng.
5. Tưới nước, chăm sóc
Tuyệt đối không được dùng nguồn nước thải, nước ao tù để tưới. Tốt nhất nên dùng nước giếng khoan, nước sông không bị ô nhiễm. Trước khi bón thúc phải làm cỏ, xới xáo, vun luống, vun gốc kết hợp tưới nước. Vào các thời kỳ ra nụ, hoa, quả rộ và quả đang lớn cần đảm bảo đủ nước, nếu có thể thì tưới rãnh. Sau khi mặt luống đã thấm nước đều phải tháo hết nước đọng trong rãnh.
6. Phòng trừ sâu bệnh
- Bệnh thán thư (Collettotricum nigrum El. et stal.): Đây là bệnh nguy hiểm gây thối quả hàng loạt. Do bệnh xuất hiện vào giai đoạn quả chín rộ, vào thời điểm nhiệt độ cao (30 độ C), mưa nhiều nên rất khó khăn cho việc phòng trừ bằng thuốc hoá học.
Do nấm tồn tại trên tàn dư cây trồng nên phải thực hiện luân canh nghiêm ngặt. Không trồng liên tục ớt trên một chân ruộng hoặc trồng ớt sau các cây họ cà. Dùng thuốc Zineb 0,3%, Boocdo hoặc Oxyclorua đồng 0,7%.
- Bệnh sương mai (Phytophthora infestant) phá hại tất cả các bộ phận trên cây ớt. Bệnh phát sinh từ mép lá, sau đó lan nhanh ra cả cây, gây thối nhũn, sau đó khô giòn và gẫy. Hoa bị chuyển thành màu nâu và rụng. Phun phòng bằng thuốc Zineb 0,3%, Oxyclorua đồng 0,7%.
- Bệnh héo rũ (Fusarium oxysporum F. lycopensici) xuất hiện chủ yếu ở giai đoạn cây con đến khi ra hoa. Dùng hỗn hợp Kasuzan 0,2%, Fudazol 0,15 để trừ.
- Nhện trắng (Poliphago tarsonemus Latus) gây hiện tượng xoăn ngọn, xoăn lá. Dùng Applaut 0,2%, Ortus, Kinalux để diệt.
- Rệp (Aphis sp). thường xuất hiện vào cuối tháng 4 đầu tháng 5. Dùng thuốc Actara để trừ.
7. Thu hoạch
Thu hoạch ớt khi quả chín cây, tránh để quả giập nát, loại bỏ các quả thối hoặc quả có vết sâu bệnh.
Có thể bạn quan tâm
Trong vụ đông, khi nhiệt độ xuống thấp, kèm theo những đợt mưa phùn kéo dài, tạo nên độ ẩm cao là điều kiện thích hợp cho các loại nấm bệnh phát sinh và phát triển, làm cho cây trồng dễ mắc một số bệnh. Gần đây, qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy cây ớt ở một số vùng thuộc các địa phương như Hà Tây, Hải Phòng, Hải Dương đã bắt đầu bị nhiễm bệnh do một loại nấm mốc màu xám gây ra. Bệnh phát triển khá nhanh, ở vùng bãi ven sông có xu hướng nặng hơn ở nội đồng. Đó là bệnh thối xám (gray mold hay botrytis cinerea). Nếu không kịp thời phòng trừ, trong thời gian tới khi có những giai đoạn mưa phùn kéo dài, bệnh sẽ có nguy cơ phát triển trên diện rộng.
Theo Chi cục BVTV tỉnh An Giang, từ đầu mùa mưa đến nay bệnh thán thư trên cây ớt diễn ra rất nghiêm trọng. Kỹ sư Nguyễn Thị Mỹ Phụng - cán bộ kỹ thuật Chi cục BVTV tỉnh cho biết: Qua ghi nhận của Trạm BVTV các huyện Chợ Mới, Phú Tân, Tân Châu và huyện Châu Thành, cây ớt bị bệnh thán thư làm giảm năng suất từ 30-35%, cá biệt có nhiều nơi thiệt hại từ 70-80%.
Ớt sừng vàng Châu Phi là giống ớt khi chín trái có màu hơi vàng, đỏ tươi chứ không đỏ sẫm như ớt sừng trâu bình thường và đang được tiêu thụ mạnh trên thị trường với giá khá khả quan
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trong SX nông nghiệp nhằm tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân và tận dụng điều kiện thuận lợi của một vùng đất bãi phù sa sông Hồng rộng lớn, vụ ĐX năm nay xã Minh Châu, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây đã đưa nhiều loại cây trồng mới cho năng suất cao, cho hiệu quả kinh tế cao vào gieo trồng. Nhiều giống cây trồng mới như ngô lai, ngô rau bao tử, đậu tương, ớt cay cao sản, cà chua, dưa chuột v.v ...
Bệnh thường gây hại trên trái, nhất là trái non của ớt, dưa leo và mướp. Trái thường bị thối từ chớp trái thối lên, trên vùng thối, bào tử nấm tạo thành lớp mốc xám. Trái bị thối khô tóp lại.