Kỹ Thuật Trồng Nấm Rơm ( Volvariella Volvacea )
( Lê Duy Thắng. 2006. Kỹ thuật trồng nấm. Tập 1. Nuôi trồng một số nấm ăn thông dụng ở Việt Nam. NXB Nông nghiệp) 1. Giới thiệu: Nấm rơm là loại nấm có giá trị dinh dưỡng cao và dễ trồng đối với điều kiện khí hậu nước ta. Nguồn nguyên liệu trồng nấm rơm rất phong phú và đa dạng như: rơm, bông, lục bình, mạt cưa...Tuy nhiên, trồng bằng rơm là nguyên liệu dễ tìm nhất ở nước ta và giá cả lại rẻ. Chính nghề này đã giúp cho bà con nông dân xóa đói, giảm nghèo và góp phần ổn định kinh tế gia đình. |
| |
Hình 1: Nấm rơm |
Xin giới thiệu cùng bạn đọc mô hình trông nấm rơm tại xã Mỹ Hội Đông - huyện Chợ Mới - tỉnh An Giang.
2. Kỹ thuật trồng nấm rơm:
Tóm tắt quy trình trồng nấm rơm (Lê Duy Thắng, 2006)
2.1 Chuẩn bị đất trồng:
Đất trồng nấm rơm là đất nơi thoáng mát, có thể tận dụng đất trống phía dưới vườn cây, là nơi tránh được gió lùa và nắng gắt, mưa nhiều (Nếu trồng nấm nơi có nắng nhiều, có gió lùa mà lớp rơm áo mỏng thì nấm sẽ bị đen)
Xới nhẹ đất trước khi trồng để nước thấm nước tốt, xịt thuốc trừ mạc hoặc rải vôi để trừ sâu hại và mầm bệnh.
2.2 Chuẩn bị và xử lý nguyên liệu:
a.Rơm rạ:
Rơm rạ mua về phải tiến hành ủ rơm để thu được rơm chín. Cách ủ: người ta xếp rơm thành từng đống ngoài trời, phần lớn bà con thường ủ đống lớn để giảm chi phí mua bao nylon phủ giữ nhiệt. Xếp rơm thành từng lớp, xong mỗi lớp thì tiến hành rãi vôi sống rồi tưới nước lên và giẫm đạp đến đó. Nước vôi giúp rơm mau chín và làm giảm pH để tránh bị chua sẽ làm hại đến nấm, đồng thời còn giúp trừ được mầm bệnh có trong rơm. Đống ủ cao chừng 1m là được.
Hình 2: Đống rơm ủ
Ủ khoảng 10 ngày, sờ tay vào đống rơm ủ thấy ấm nóng thì trở rơm: trở lớp rơm từ trong ra ngoài, từ dưới lên trên, có thể giẫm đạp để nó thoát nước chua ra ngoài. Nếu thiếu nước thì tưới thêm nước để duy trì độ ẩm cần thiết. Để kiểm tra xem có thiếu nước hay không, ta có thể làm như sau: rút 1 – 2 cọng rơm ra xoắn tròn:
+ Nước nhỏ giọt từ chỗ xoắn là dư nước.
+ Nước chỉ rịn mà không rớt giọt là đủ nước.
+ Không thấy nước rịn là thiếu nước.
Nếu rơm mua về là rơm chín thì ủ rơm chừng 10 ngày là có thể trồng nấm được, nhưng nếu là rơm mới suốt thì phải ủ 25 ngày mới đủ chất lượng.
Dựa theo kinh nghiệm, khi nhìn màu rơm từ vàng sáng chuyển sang vàng sậm và có độ chín phù hợp thì có thể chất mô để vô meo. Có thể kiểm tra bằng cách: lấy ngẫu nhiên vài cọng rơm cuốn ngón tay và bứt thử. Nếu quan sát thấy:
+ Cọng rơm đứt dễ dàng thì rơm đó quá mục.
+ Cọng rơm hơi khó đứt là vừa để chất nấm.
+ Cọng rơm rất khó đứt thì rơm chưa chín.
Rơm chín thì tiến hành làm mô nấm: dựa theo thời tiết sẽ làm 1, 2 hay 3 mô. Nếu trời lạnh thì làm 3 mô để tiết kiệm áo mô và diện tích. Mùa nắng thì làm 2 mô. Đồng thời, trời lạnh thì làm mô to hơn để giữ nhiệt tốt, trời nắng thì mô nhỏ hơn, lớp rơm mặt mỏng hơn và tưới nước cũng ít hơn để thoáng khí và thoát nhiệt dễ dàng hơn.
Hình 3: Cách xếp mô
Thường người ta dựa theo diện tích trồng để ủ rơm. Không ủ quá nhiều vì không sử dụng thì rơm sẽ hư. 1 công đất vườn thì cần 20-30 công đất rơm.
b. Meo giống:
Bịch meo chừng 200 gram. Meo giống tốt là meo mọc trắng, lan từ trên xuống đáy bịch, không có màu xám, vàng hay đốm đen, tơ không mọc rối nùi.
Hình 4: Bịch meo giống tốt | Hình 5: Meo giống bị nhiễm |
Khi meo mọc trắng hết cả bịch mới đem sử dụng. Thời gian bảo quản bịch meo từ lúc ra trắng cả bịch là khoảng 7 ngày. Cho nên, lúc mua meo thì nên mua khi tơ còn chưa lan hết cả bịch, để có thể sử dụng từ từ.
2.3 Xếp mô và vô meo:
Rơm đã đạt độ chín thì tiến hành xếp mô để vô meo. Cách xếp mô: Rơm không có độ dài nhất định vì là rơm suốt, nên người ta thường cuộn rơm thành từng cuộn vừa phải rồi xếp các cuộn khít với nhau.
Hình 6: Cách cuộn rơm xếp mô
Meo đã lan trắng bịch thì ta đem sử dụng: đổ bịch meo vào 1 cái thau, dùng tay bóp tơi ra, Rải meo dọc theo mô. Trung bình 1 bịch meo rải cho 2 mét tới của mô. Ta rải đều và rải giữa mô, không rải quá dầy vì nấm mọc sẽ nhỏ. Sau đó đậy nhẹ rơm lên trên. Thường 1 công đất sử dụng từ 15 - 20 bịch meo giống.
5 ngày sau khi vô meo, ta phủ lớp áo rơm lên mô, rồi mới tưới nước. Có thể hòa thuốc phòng trừ sâu keo vào nước tưới và tưới phun sương trong giai đoạn này (thuốc chỉ tưới vào lúc này, nếu tưới lên nấm lúc sâu xuất hiện thì gây ngộ độc và chết nấm)
2.4 Chăm sóc và tưới đón nấm:
Sau khi phủ áo rơm thì tưới nước hằng ngày, tưới phun sương để tránh tổn thương đến meo nấm, lúc nào cũng làm ẩm rơm để duy trì độ ẩm giúp nấm mọc tốt.
Trong giai đoạn nấm ra quả thể thì nấm cần ánh sáng, sáng sớm lúc mặt trời mọc có thể phơi nấm 15 phút. Nhưng tránh phơi nắng gắt và phơi lâu vì sẽ làm đen nấm
Tưới nước:
Trời mưa: đã bẻ nấm mà có mưa thì không cần phải tưới
Trời nắng: Sáng hái nấm thì chiều tưới phun sương
Nếu trời lạnh làm ảnh hưởng đến mô thì có thể hòa thuốc Marason vào nước tưới để làm ấm dòng.
2.5 Thu hái nấm:
Nấm rơm lớn rất nhanh: 12 ngày sau khi vô meo (tức là 5-7 ngày sau khi phủ áo mô) thì có thể bắt đầu thu hoạch nấm. Thu hoạch nấm hằng ngày, trong khoảng 15-20 ngày.
Hái nấm vào lúc sáng sớm để tránh làm đen nấm.
Từ dạng búp, dạng trứng (dạng meco) đến dạng dù đều được hái, sau đó phân loại ra và bán tùy theo loại. Nếu nấm mọc thành chùm thì hái sao cho tỷ lệ dạng trứng chiếm nhiều nhất
Hình 7: Nấm dạng búp và dạng trứng cần thu hoạch | Hình 8: Nấm dạng búp và dạng trứng cần thu hoạch |
Giá bán: Giá nấm rơm dạng búp, dạng trứng dao động khoảng 20.000 đ/ kg. Nấm dù thường được muối để sử dụng (nếu muốn dùng nấm dù để lấy bào tử nấm thì để vài ngày cho nấm khô lại rồi mới tiến hành lấy bào tử làm giống - meo).
Khi gần hết đợt thu hoạch, thấy nấm ra thưa và nhỏ thì ngừng thu hoạch, tiến hành xử lý lớp mô rơm đó để trồng đợt mới. Rơm đã sử dụng có thể làm phân bón rất tốt.
Sau khi thu dọn rơm cũ, tiến hành xới đất và rắc vôi để diệt mầm bệnh. Sau đó mới trồng đợt tiếp theo. Lúc đang thu hoạch nấm đợt trước là đã ủ rơm cho đợt sau để việc trồng được tiến hành liên tục.
3. Bệnh hại nấm:
Theo người dân địa phương thì trồng nấm rơm thường ít gặp bệnh hại. Năng suất trúng hay thất là do giống tốt hay xấu.
Các trường hợp thường gặp là:
Tạp nhiễm mô nấm thì loại bỏ chỗ bị tạp nhiễm
Rơm mục nên có xuất hiện mạc, nhưng mạc không hại nấm, xử lý vôi trong nền đất và tưới vôi lúc ủ rơm thì ít thấy mạc.
Sâu keo thường xuất hiện và ăn nấm lúc gần cuối vụ thu hoạch. Phòng trừ bằng cách xịt thuốc lúc vô áo mô (như đã nói ở trên).
4. Các yếu tố ảnh hưởng đến nấm rơm:
Các giai đoạn phát triển | NHIỆT ĐỘ (C) | Độ ẩm của không khí (%) | Ánh sáng | ||
Cực tiểu | Tối ưu | Cực đại | |||
Nẩy mầm bào tử | 30 | 40 | 42 | 80 | Không cần |
Tăng trưởng của hệ sợi tơ | 15 | 35 | 40 | 80-90 | Không cần |
Khởi sự tạo quả thể | 20 | 30 | 35 | 80-90 | Cần có |
Sự phát triển của quả thể | 28 | 30 | 35 | 80 | Ảnh hưởng đến màu sắc |
Ảnh hưởng của các yếu tố môi trường đối với nấm rơm
5. Kết luận:
Trồng nấm rơm là nghề có vốn đầu tư thấp, vòng quay nhanh, thu lợi cao, cách trồng dễ dàng và ít rủi ro. Do đó cần nhân rộng để bà con nông dân có thể ứng dụng rộng rãi, góp phần nâng cao thu nhập.
Tài liệu tham khảo:
Lê Duy Thắng. 2006. Kỹ thuật trồng nấm. Tập 1. Nuôi trồng một số nấm ăn thông dụng ở Việt Nam. NXB Nông nghiệp
Có thể bạn quan tâm
Tham gia kinh doanh nấm hay bất kỳ loại hảng hóa nào khác tức là tham gia vào công đoạn lưu thông - tiêu thụ hàng hóa.
Nấm Rơm sinh trưởng và phát triển tốt trong môi trường sinh thái nóng ẩm (nhiệt độ môi trường từ 28-35°C; độ ẩm không khí từ 75-90%).
Cách đây 10 năm anh Quang đạp xe xích lô, xây dựng, trồng trọt, chăn nuôi, làm thuê đủ mọi việc trong làng, đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn.
Năng suất nấm thu được khi trồng bằng rơm cuộn ước đạt 200 kg/100 cuộn rơm (tương đương 130 kg/tấn rơm nguyên liệu), cao hơn 20-30% so với làm từ rạ bó
Mô hình được áp dụng hiệu quả tại hộ ông Đào Văn Hoang, ngụ ấp Phú Trung, xã Phú Thành, với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông An Giang