Trang chủ / Hải sản / Nuôi cua

Kỹ thuật sản xuất cua giống

Kỹ thuật sản xuất cua giống
Tác giả: Ths Lê Văn Trúc (Viện Nghiên cứu NTTS II)
Ngày đăng: 27/09/2019

Cua biển là một trong những loài thủy sản có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao. Việc sản xuất cua giống nhân tạo thành công góp phần phát triển mô hình nuôi cua biển ở nhiều địa phương trong cả nước.

Xử lý nước

Nước được sử dụng có độ mặn từ 25‰ trở lên. Sau khi đã bơm đầy nước vào bể lắng, tiến hành đánh thuốc tím (KMnO4), nồng độ 1,5 - 2 ppm (1,5 - 2 g/m3). Sục khí bể lắng liên tục trong 30 phút, tiếp theo sử dụng vôi bột CaCO3 (hoặc vôi Dolomite) nồng độ 50 g/m3 nước, tiếp tục sục khí mạnh trong 30 phút nữa. Sau đó tắt sục khí để cho nước lắng hết chất hữu cơ lơ lửng. Khi nào thấy nước trong thì bơm sang bể khác qua túi lọc để xử lý Chlorine.

Nuôi vỗ cua bố mẹ

Chuẩn bị bể nuôi: Bể nuôi cua mẹ thường là bể xi măng, một ngăn chứa cát chiếm 1/3 diện tích đáy bể, chiều dày của lớp cát khoảng 5 - 7 cm, khoảng trống còn lại bố trí các viên ngói úp để cua trú ẩn. Nước cấp vào nuôi vỗ có độ mặn 30 - 32‰. Trong bể có lắp sục khí vừa phải.

Chọn cua mẹ: Chọn những cua cái có trọng lượng 450 - 600 g, đầy đủ chân càng, sạch sẽ và đầy gạch, tốt nhất là những con cua bắt từ biển về (cua do các ghe cào đánh bắt được). Thả cua với mật độ 2 con/m2.

Chăm sóc: Cho cua mẹ ăn ngày 2 bữa sáng và chiều. Thức ăn cho cua là cá liệt, vọp, hầu hoặc sò huyết.

Thường xuyên kiểm tra, loại bỏ thức ăn dư thừa và xi phông chất thải ra khỏi bể.

Thay nước cho bể cua mẹ 2 ngày một lần, thay hoàn toàn 100%. Mỗi lần thay nước bắt cua mẹ ra khỏi bể, chà rửa và tắm bằng Iodine (khoảng 7 giọt trong thau chứa 20 lít nước mặn) khoảng 5 phút rồi đưa cua sang bể nước mới.

Thời gian nuôi vỗ khoảng 15 - 20 ngày thì cua mẹ đẻ trứng.

Ấp trứng và cho nở

Ấp trứng: Khi cua mẹ đẻ trứng thì vớt ra ấp trong thùng ấp. Hàng ngày thay toàn bộ nước cho cua. Tắm cua mẹ bằng Iodine, nồng độ 15 ppm trong 1 phút trước khi thả lại. Thời gian ấp trứng khoảng 10 - 12 ngày thì cua nở tùy theo nhiệt độ môi trường nước cao hay thấp.

Cho nở: Khi trong thùng ấp xuất hiện một vài ấu trùng zoea (thường vào ngày thứ 10) thì chuyển cua mẹ vào bể cho nở. Bể cho nở thông thường là bể nhựa hoặc composite có thể tích khoảng 200 - 500 lít, nước cấp vào bể cho nở giống như nước cấp vào các bể ương, bố trí sục khí vừa phải đảm bảo đầy đủ ôxy nhưng không được mạnh quá làm ảnh hưởng đến buồng trứng của cua mẹ.

Ương nuôi ấu trùng

Bể ương ấu trùng có thể là bể composite hoặc bể xi măng. Trước khi cua mẹ nở 1 ngày, tiến hành cấp nước vào các bể ương, lắp sục khí, xử lý hóa chất. Khi cấp nước xong, lắp sục khí, sử dụng EDTA 5 ppm để kết tủa hết kim loại nặng trong khoảng thời gian 30 phút.

Thức ăn cho ấu trùng zoea 1 là thức ăn tổng hợp và Artemia bung dù, cho ăn sau khi cua nở 1 giờ.

Khi nở hết trứng phải vớt ngay cua mẹ ra để hạn chế tối đa sự nhiễm bẩn do phân và tơ trứng của cua mẹ thải ra. Giảm nhẹ sục khí cho toàn bộ chất bẩn lắng xuống đáy bể, đồng thời dùng 1 que nhỏ để vớt toàn bộ những màng trứng nổi trên mặt, sau đó xi phông hết chất bẩn.

Tiến hành thu ấu trùng bằng vợt mịn, tắm qua nước biển có pha Iodine rồi đưa vào bể ương. Mật độ thả ấu trùng vào các bể ương: 150 cá thể/lít.

Ấu trùng giai đoạn 1: Cho ấu trùng ăn Artemia bung dù đến hết ngày thứ 7. Mỗi ngày cho ăn 4 lần: 6h, 12h, 18h, 0h.

Thông thường đến ngày thứ 5 thì xi phông thay nước, nếu thấy nước quá bẩn có thể xi phông ở ngày thứ 3. Mức độ thay nước không quá 30%.

Ấu trùng giai đoạn 2: Khi trong bể ương xuất hiện ấu trùng zoea 5 thì tiến hành san thưa ra các bể mới. Lượng thức ăn vẫn được duy trì như cũ, đồng thời bổ sung thêm thức ăn tổng hợp tùy theo khả năng bắt mồi của ấu trùng cua.

Khi ấu trùng chuyển sang giai đoạn megalops thì ngưng cho ăn Artemia, chuyển sang dùng thức ăn chế biến/tổng hợp. Mỗi ngày cho ăn 6 - 8 lần, lượng cho ăn tùy theo khả năng bắt mồi của ấu trùng. Giai đoạn megalops chuyển xuống dưới đáy cần tiến hành rải vỏ hến vào bể ương để cho chúng trú ẩn tránh hiện tượng ăn thịt lẫn nhau khi lột xác. Vài ngày sau tiếp tục thả vật bám bằng các dây plastic vào trong bể.

Khoảng 26 - 28 ngày thì chuyển hoàn toàn ra cua có thể thu và xuất bán được.


Có thể bạn quan tâm

Kỹ thuật nuôi cua biển thương phẩm trong ao vừa tiết kiệm vừa cho lãi lớn Kỹ thuật nuôi cua biển thương phẩm trong ao vừa tiết kiệm vừa cho lãi lớn

Cua biển là loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và có giá trị kinh tế cao. Để nuôi được cua biển trong ao đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc hết sức cẩn thận.

24/10/2017
Kỹ thuật cải tạo ruộng nuôi cua đồng cho năng suất cao Kỹ thuật cải tạo ruộng nuôi cua đồng cho năng suất cao

Cua đồng được nuôi tại ruộng chiêm trũng là phù hợp nhất, cua nhanh lớn và sinh sản nhanh do chủ yếu tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên, cho năng suất

22/12/2017
Nuôi cua biển thương phẩm trong ao đất cho năng suất tốt Nuôi cua biển thương phẩm trong ao đất cho năng suất tốt

Nuôi cua biển thương phẩm trong ao đất cho năng suất cao giúp bà con ngư dân vùng biển xóa đói giảm nghèo.

22/12/2017
Kỹ thuật nuôi cua đồng năng suất cho thu nhập cao Kỹ thuật nuôi cua đồng năng suất cho thu nhập cao

Nuôi cua đồng đang là một nghề mới rất hấp dẫn người dân khi đem lại thu nhập khá cao.

05/01/2018
Kỹ thuật nuôi cua đồng trong bể xi măng. Cách nuôi đồng trên cạn năng suất cao Kỹ thuật nuôi cua đồng trong bể xi măng. Cách nuôi đồng trên cạn năng suất cao

Cua đồng có thể được nuôi ở nhiều hình thức khác nhau như nuôi trên ruộng trũng, nuôi trong ao hoặc có thể nuôi cua đồng trong bể xi măng hay ao có lót bạt

11/01/2018