Trang chủ / Hải sản / Ốc hương

Kỹ Thuật Nuôi Ốc Hương Thương Phẩm Trong Đăng, Lồng

Kỹ Thuật Nuôi Ốc Hương Thương Phẩm Trong Đăng, Lồng
Ngày đăng: 24/08/2013

Hiện nay có 4 loại hình nuôi ốc hương thương phẩm: nuôi trong đăng, nuôi lồng, nuôi trong ao đất, nuôi trong bể xi măng. Tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên, vị trí của từng vùng mà chọn loại hình nuôi cho thích hợp. Trong số này, xin giới thiệu cùng bà con và bạn đọc kỹ thuật nuôi ốc hương thương phẩm trong đăng, lồng để bà con tham khảo.

1. Yêu cầu điều kiện nuôi

Phải chọn nơi có vùng nước trong sạch, không bị ô nhiễm để đặt lồng hoặc cắm đăng nuôi ốc. Cần phải quan tâm đến các điều kiện sau:

-Chất đáy: chất đáy phải là cát hoặc san hô, ít bùn.

-Độ mặn: độ mặn của nước ổn định trong khoảng 25-35‰.

-Nguồn nước: nước phải trong sạch và không bị ảnh hưởng của nước ngọt do tác động của nước sông vào mùa mưa.

-Độ sâu: độ sâu đặt lồng hoặc cắm đăng từ 1,5m nước trở lên.

2. Cấu tạo đăng, lồng

-Diện tích lồng: tùy theo điều kiện nuôi mà có thể làm lồng có diện tích khác nhau, thông thường là từ 1-4 m2.

-Khung lồng làm bằng sắt, có lưới bảo vệ bên ngoài nhằm ngăn không cho cá dữ, cua, ghẹ lọt vào ăn ốc. Lồng nuôi phải được chôn sâu dưới lớp cát đáy khoảng 5cm để có nền cát cho ốc vùi mình.

-Đăng làm bằng tre, có bao lưới xung quanh nhằm ngăn không cho cá dữ, cua ghẹ lọt vào ăn ốc. Độ cao lưới cắm đăng phải vượt trên mức nước thủy triều cao nhất là 1m để ốc không bị sóng đánh ra ngoài. Đăng nuôi phải chôn sâu xuống dưới cát ít nhất 10cm để tránh ốc chui ra ngoài.

3. Thả giống

-Chọn giống: ốc giống có kích cỡ tối thiểu từ 8.000 - 10.000 con/kg trở lên.

-Mật độ thả giống khoảng 500 - 1000 con/m2.

-Cách thả giống: Trước khi thả ốc hương giống cần phải để ốc giống thích nghi dần với nhiệt độ không khí và nhiệt độ nước, không được thả ngay để tránh hiện tượng gây sốc nhiệt cho ốc.

4. Chế độ cho ăn

- Thức ăn của ốc hương bao gồm cá, cua, ghẹ, trai nước ngọt…

- Cho ăn: mỗi ngày ốc hương ăn một lần vào buổi chiều tối, lượng thức ăn tùy theo tháng tuổi.

+ Tháng thứ nhất: lượng thức ăn chiếm 15-20% trọng lượng ốc nuôi.

+ Tháng thứ hai: lượng thức ăn chiếm 10-15% trọng lượng ốc nuôi.

+ Tháng thứ ba: lượng thức ăn chiếm 8-10% trọng lượng ốc nuôi.

+ Tháng thứ tư về sau: lượng thức ăn chiếm 5-7 trọng lượng thân ốc nuôi.

- Cách cho ăn:

+ Đối với cá nhỏ thì có thể để nguyên con thả vào cho ốc ăn.

+ Đối với trai, sò, hầu… thì cần đập vỡ rồi thả vào cho ốc ăn.

+ Đối với cua, ghẹ phải lột mai, đập bể càng trước khi cho ăn.

5. Chế độ chăm sóc

- Hàng ngày theo dõi lượng thức ăn để điều chỉnh cho phù hợp. Vớt toàn bộ thức ăn thừa, xương, đầu, cá, vỏ sò… ra khỏi lồng để tránh ô nhiễm nước.

- Thường xuyên kiểm tra lưới, phát hiện kịp thời địch hại để diệt trừ, thường xuyên làm vệ sinh lồng lưới, thu lượm rác rưởi mắc trên lưới để nước lưu thông.

- Trường hợp đáy lồng quá bẩn và có mùi hôi thì sẽ làm cho ốc hương không ăn và yếu dần. Gặp trường hợp này cần chuyển lồng sang vị trí mới. Đối với nuôi trong đăng cắm cố định thì cần ngăn thành nhiều ngăn, chuyển ốc hương sang ngăn mới khi đáy ngăn cũ nuôi lâu ngày bị bẩn.

6. Thời gian nuôi

Thời gian nuôi ốc hương khoảng từ 5 - 6 tháng, tùy theo điều kiện môi trường nuôi và quá trình quản lý, chăm sóc.

7. Thu hoạch

- Khi ốc nuôi đạt kích thước khoảng từ 90-150 con/kg thì có thể thu hoạch để bán thương phẩm.

- Cách thu hoạch: Ốc hương nuôi trong đăng thu hoạch bằng cách đặt bẫy hoặc lặn bắt. Nuôi trong lồng thu hoạch bằng cách nhấc lồng lên rồi nhặt ốc.

- Ốc hương sau khi thu hoạch cần nhốt trong giai hoặc trong bể từ 1-2 ngày để làm sạch bùn đất và làm trắng vỏ trước khi xuất bán.


Có thể bạn quan tâm

Ươm Giống Ốc Hương Ươm Giống Ốc Hương

Bể ương cọ rửa, tẩy trùng bằng chlorin nồng độ 100ppm, rửa sạch bể bằng nước biển sạch, để khô. Dùng ống nhựa dán xung quanh thành bể, cách đáy bể 50cm để ngăn không cho ốc bò lên khỏi mặt nước

25/12/2010
Nuôi Ốc Hương Kết Hợp Với Ốc Nhảy Thương Phẩm Nuôi Ốc Hương Kết Hợp Với Ốc Nhảy Thương Phẩm

Mô hình Nuôi kết hợp ốc Hương với ốc Nhảy thương phẩm đã được thực hiện tại ao nuôi của hộ ông Nguyễn Sinh, thôn Tân An, xã Tri Hải, Huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, với thời gian sau 5 tháng nuôi đã thu hoạch và đạt hiệu quả kinh tế cao

17/02/2011
Ốc Hương, Loài Hải Sản Quý Cần Được Bảo Vệ Ốc Hương, Loài Hải Sản Quý Cần Được Bảo Vệ

Việc khai thác, chế biến ốc hương để xuất khẩu là hợp lý và cần khuyến khích, song do chưa nắm được đặc tính của loài ốc quý này, chỉ nhìn thấy lợi trước mắt nên ngư dân ta khai thác khá bừa bãi từ ốc bố mẹ mang trứng đến cả ốc con, làm sản lượng giảm dần và cỡ ốc càng nhỏ lại, rất có nguy cơ tuyệt chủng.

17/12/2011
Nghề Nuôi Ốc Hương Ở Vạn Ninh Nghề Nuôi Ốc Hương Ở Vạn Ninh

Sau nhiều vụ ốc hương chết hàng loạt, nghề nuôi ốc hương ở Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã dần ổn định và phát triển. Tuy nhiên, do là nghề mang tính tự phát nên bà con ngư dân vẫn lúng túng, bị động khi phát triển nghề này.

17/02/2011
Nuôi Ốc Hương- Nghề “Một Vốn Bốn Lời” Ở Phú Quốc Nuôi Ốc Hương- Nghề “Một Vốn Bốn Lời” Ở Phú Quốc

Anh Phạm Hùng Vững, một trong những người nuôi ốc hương đầu tiên ở Phú Quốc, cho biết: Nghề nuôi ốc hương xuất phát từ Nha Trang. Môi trường biển Phú Quốc còn rất tốt, có nhiều bãi biển rất sạch chưa được khai thác, nên chúng tôi đã ra Nha Trang học hỏi kinh nghiệm rồi về áp dụng nuôi tại đảo.

15/05/2012