Vì Sao Ốc Hương Ở Vạn Ninh Chết Hàng Loạt?
Vừa qua, người dân ở Vạn Ninh không khỏi bàng hoàng khi ốc hương nuôi chung với tôm hùm lồng tại khu vực thôn Xuân Tự, xã Vạn Hưng chết hàng loạt, trong khi ốc hương thương phẩm trên thị trường giá đang rất cao. Hầu như cơn ''đại dịch'' ốc hương vừa qua không thể cứu chữa được, các cơ quan chức năng trong tỉnh phải bó tay. Theo ước tính ban đầu, người nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn huyện thiệt hại gần 2 tỷ đồng. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ốc hương chết hàng loạt?
Ốc đã lên hương
Năm 1998, Trung tâm Nghiên cứu thủy sản III đã nghiên cứu thành công công trình khoa học cấp Nhà nước với đề tài "Sinh sản nhân tạo ốc hương giống". Sau khi công trình khoa học này thành công, phong trào nuôi ốc hương bắt đầu phát triển mạnh, nhất là trên đại bàn huyện Vạn Ninh. Bởi, so với nghề nuôi tôm hùm lồng, nghề nuôi ốc hương sướng hơn nhiều do rút ngắn được thời gian nuôi trồng, đỡ tốn chi phí, có hiệu quả kinh tế cao.
Được biết, nghề nuôi ốc hương chỉ kéo dài 4 tháng là thu hoạch, trong khi nghề nuôi tôm hùm lồng muốn thu hoạch phải mất từ 1 năm trở lên. Ngoài ra, giá đầu ra của con ốc hương luôn ổn định từ 120 -150 nghìn đồng/kg nên nghề này mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều người nuôi ốc hương ở Xuân Tự cho biết, nếu nuôi trót lọt thì tiền lãi thu được tương đương hoặc cao hơn so với tiền vốn đầu tư, có không ít hộ mỗi năm thu lãi từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Năm 2001, toàn huyện có 130 lồng nuôi ốc hương, người nuôi trồng lãi khoảng 2 tỷ đồng.
Sang năm 2002, nhiều hộ nuôi tôm hùm lồng ở Vạn Ninh đã chuyển sang nghề nuôi ốc hương nên số lồng nuôi đã tăng vọt, khoảng 500 lồng. Từ chỗ Vạn Ninh không có trại sản xuất ốc hương giống, đến nay toàn huyện đã có 8 trại ương.
Và ốc chết hàng loạt
Do chưa được kiểm dịch về môi trường nuôi, phó mặc cho môi trường nên hậu quả đã xảy ra. Từ đầu tháng 10-2002, người nuôi ốc hương tại thôn Xuân Tự đang phấn khởi, say mê về con ốc, bỗng dưng "tai họa'' đột nhiên ập tới Anh Bính, một người nuôi ốc hương đã được hơn 1 năm, bàng hoàng kể lại: ''Bình thường con ốc hương ăn rất khỏe, thức ăn vừa bỏ xuống là ốc bu lại, trong nháy mắt ăn hết liền. Ăn xong, ốc vùi xuống cát. Thông thường, sau 1 tiếng đồng hồ, thợ lặn phải dọn vệ sinh đáy lồng và kiểm tra sức khoẻ con ốc. Hôm ấy, đám thợ lặn của chúng tôi hoảng hốt vì ốc không ăn hết thức ăn, lờ đờ, nổi lên ăn và không vùi xuống cát được nữa.
Sự việc này diễn ra rất nhanh. Cuối cùng, tôi đành phải cay đắng vớt ốc chết mới thả chưa được 1 tháng bỏ ra khỏi lồng. Một vài ngày sau tôi mới biết không phải chỉ riêng lồng ốc hương của tôi bị chết mà toàn vùng đều có tình trạng như vậy. Sự việc này kéo dài đến gần 2 tháng, ốc hương bị chết nhiều, đến nỗi không ai dám thả ốc hương nữa. Sau khi ốc hương chết hàng loạt, chúng tôi chỉ biết đoán già đoán non, không có cơ sở khoa học. Từ đó đến nay, chúng tôi vẫn chưa biết gì về nguyên nhân dẫn đến ốc hương bị chết đột ngột".
Đã tìm ra nguyên nhân
Ốc hương ở Vạn Ninh chết hàng loạt đã làm xôn xao dư luận. Tại một cuộc hội thảo mới đây tại Vạn Ninh giữa Sở Thủy sản Khánh Hòa và Trung tâm Nghiên cứu thủy sản III, sự việc này đã được làm sáng tỏ. Tại hội thảoThạc sĩ Võ Văn Nha, cán bộ bộ môn Môi trường và Bệnh học thuộc Trung tâm Nghiên cứu thủy sản III đã thông báo về kết quả bước đầu nghiên cứu ký sinh trùng gây bệnh ở ốc hương tại Khánh Hòa''.
Qua các mẫu nghiên cứu, anh Nha cho biết, ốc hương tại khu vực Xuân Tự trong thời gian qua có dấu hiệu bệnh lý: ốc kém ăn dần, phơi mình trên nền đáy, ít vùi đáy; ống Si phông và vòi lấy thức ăn bị sưng, bên trong có nhiều chấm đỏ; chân bụng phồng và có bọng nước. Ban đầu, Trung tâm đã phát hiện một số loại trùng lông, với tên khoa học là Ciliophora, có trên các mẫu ốc gây bệnh với cường độ cảm nhiễm cao và gặp hầu hết ở các mẫu phân tích. Theo kết quả nghiên cửu, trùng lông đã tấn công vào vòi lấy thức ăn (cơ quan tiêu hóa) và ống si phông (cơ quan hô hấp) của ốc, làm cho hai cơ quan này sưng lên, gây tổn thương, tạo cơ hội cho vi khuẩn và nấm tấn công vào chỗ tổn thương, từ đó ốc lấy thức ăn không được, khó thở, rồi chết.
Vi khuẩn, nấm và trùng lông là những tác nhân gây bệnh, làmcho ốc hương chết hàng loạt ở Vạn Ninh trong thời gian qua. Anh Nha cũng cho biết thêm, vật chất hữu cơ trong vùng NTTS giàu lên chính là điều kiện cho trùng lông phát triển mạnh. Theo kết quả nghiên cửu, vật chất hữu cơ tại vùng nuôi ốc hương và tôm hùm ở thôn Xuân Tự trong thời gian qua giàu lên do các nguyên nhân: Thức ăn dư thừa trong nuôi trồng; vào thời điểm mùa mưa nên vật chất hữu cơ từ đất liềnchảy xuống; lượng ốc hương chết không được vớt lên. Và, đây chính là nguyên nhân chính tạo điều kiện cho trùng lông phát triển mạnh vì ốc hương là sinh vật giàu dinh dưỡng, khi ốc chết được các vi khuẩn phân hủy nhanh.
Nhanh chóng kiểm dịch, quy hoạch trong NTTS
Trước đây, ốc hương tự nhiên không xuất hiện ở Khánh Hòa mà chỉ xuất hiện ở các tỉnh khác. Vì vậy nghề nuôi ốc hương phát triển mạnh trong thời gian qua không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn có ý nghĩa trong việc đa dạng môi trường biển ở Khánh Hòa. Có ai ngờ nghề này mới xuất hiện đã phải chết dở! Bây giờ, ở Vạn Ninh, không ai dám mạo hiểm nuôi ốc hương. Gần 2 tỷ đồng thiệt hại từ nghề nuôi ốc hương đã để lại cho chúng ta nhiều bài học đắt giá, đó là vấn đề môi trường có sự ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả trong NTTS.
Thực tế cho thấy, ảnh hưởng đến môi trưởng có nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết là do ý thức cộng đồng trong NTTS từ người nuôi trồng chưa cao. Ðợt ốc hương chết hàng loạt vừa qua là một ví dụ. Tiếp đến là sự hạn chế của các cơ quan chức năng trong việc kiểm dịch môi trường NTTS, từ đó dịch bệnh tràn lan, không được ngăn chặn kịp thời. Do chậm quy hoạch những vùng NTTS nên tình trạng NTTS tràn lan, không kiểm soát nổi đã diễn ra ở nhiều nơi, làm phá hủy cân bằng sinh thái môi trường biển. Hiện nay, ốc hương thương phẩm trên thị trường có lúc đã lên đến 150 nghìn đồng/kg. Ốc chết, thiệt hại nhiều vẫn là người NTTS. Có cách nào để cho người dân đỡ phải thiệt hại trong NTTS, vươn lên làm giàu?
Có thể bạn quan tâm
Dịch bệnh trên ốc hương phát triển nhiều, đặc biệt là bệnh do ký sinh trùng gây ra làm giảm năng suất, hiệu quả nuôi trồng.
Một số hộ dân ở vùng Ngũ Điền, huyện Phong Điền, tỉnh TT-Huế đã chuyển đổi một số diện tích sang nuôi ốc hương, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thời gian qua, người nuôi ốc hương trên địa bàn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đứng ngồi không yên khi ốc liên tục chết, thậm chí có hộ thả nuôi đến lần thứ 2
Một nghiên cứu của các nhà khoa học tại trường Đại Học Cần Thơ đã cho thấy ảnh hưởng của các giá trị pH khác nhau đến kết quả ương giống ốc bươu đồng.
Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Nha Trang (Khánh Hòa) vừa sản xuất thành công giống ốc nhảy nhân tạo, mở ra cơ hội phát triển nghề nuôi thương phẩm đối tượng