Kỹ thuật nuôi cá trê
Các loài cá trê nói chung đều có tính chịu đựng cao với môi trường khắc nghiệt như: ao tù, mương rãnh, nơi có hàm lượng oxygen thấp vì cơ thể cá trê có cơ quan hô hấp phụ gọi là “hoa khế” giúp cá hô hấp được nhờ khí trời.
Cá trê có đặc tính ăn tạp, thức ăn chủ yếu là động vật.
Trong tự nhiên cá trê ăn côn trùng, giun ốc, tôm cua, cá… ngoài ra trong điều kiện ao nuôi cá trê còn có thể ăn các phụ phẩm từ trại chăn nuôi, chất thải từ lò mổ… Mùa vụ sinh sản của cá trê bắt đầu từ tháng 4 – 9 tập trung chủ yếu vào tháng 5 – 7.
Trong điều kiện nuôi cá có thể sinh sản nhiều lần trong năm (4 – 6 lần).
Nhiệt độ đảm bảo để cá sinh sản từ 25 – 32 0C.
Sau khi cá sinh sản xong ta có thể nuôi vỗ tái phát dục khoảng 30 ngày thì cá có thể tham gia sinh sản trở lại.
Tuy nhiên để nuôi cá trê đạt hiệu quả cao, người chăn nuôi cần lưu ý một số điểm sau:
1. Chọn con giống
Giống cá trê hiện nay có 2 loại: Giống lai thường và giống lai trê phi.
Trê thường màu vàng có 8 râu.
Trê phi đầu nhọn nhỏ có từ 9 đến 12 râu, trên mình có đốm hoa.
Tùy theo nhu cầu tiêu thụ của từng vùng mà nên chọn nuôi loại nào.
Trê thường nuôi 6 tháng đạt cỡ 450g – 500g/con.
Trê phi 5 – 6 tháng đạt cỡ 1kg đến 1,2kg/con.
2. Nuôi trong ao đất
Diện tích ao có thể lớn hay nhỏ đều được.
Mực nước dao động từ 1,6 – 1,8 m.
Ao nuôi gần nơi cung cấp nước cũng như dễ thay nước khi cần thay nước và thu hoạch.
Đáy ao ít bùn, bờ bọng vững chắc, nếu có điều kiện thì nên kè và rào chắn xung quanh ao.
Cần tẩy dọn ao thật kỹ, tát cạn và diệt cá dữ bằng dây thuốc cá với liều lượng 0.5 – 1 kg/100m3, lấp tất cả hang hốc.
Bón vôi cho ao từ 7 – 15 kg/100 m2.
3. Mật độ thả nuôi
Cá giống có kích cỡ đồng đều, kích thước từ 5 – 10 cm, không xây xát, dị hình.
Mật độ cá thả từ 30 – 50 con/m2.
Nên thả cá vào lúc trời mát.
Trước khi thả cá cần cân bằng nhiệt độ nước trong dụng cụ vận chuyển và nước trong ao.
4. Thức ăn
+ Cá trê ăn tạp thiên về thức ăn động vật, địa phương sẵn có nên tận dụng để giảm giá đầu vào.
Ngoài ra có thể nuôi cá trê bằng thức ăn công nghiệp theo từng giai đoạn sinh trưởng của cá để đảm bảo đủ lượng đạm cần thiết cho cá phát triển.
Lượng thức ăn hằng ngày dao động từ 3 – 12 %/ khối lượng cá trong ao.
Hàm lượng đạm cần thiết để duy trì cá phát triển tốt ở tháng thứ 1 là 28 – 30 %, tháng thứ 2 là 24 – 26 % và tháng thứ 3 là 18 – 20 %.
+ Cách cho ăn: Tập tính của cá trê là ăn theo đàn, nên người nuôi cần cho ăn vào một số giờ nhất định hàng ngày để khi ăn con nào cũng được ăn đạt độ đồng đều về trọng lượng.
Mỗi ngày cho cá ăn từ 2 – 4 lần.
Nên dùng sàng và lập nhiều điểm cho ăn ở trong ao để cá phát triển đều hơn.
5. Chăm sóc và quản lý ao nuôi
+ Nguồn nước nuôi: Trê lai ăn tạp, nhưng ở lại sạch nên nguồn nước nuôi cũng phải đảm bảo trong sạch.
Nếu nguồn nước bị nhiễm bẩn trê lai sẽ chậm lớn và dễ phát sinh bệnh.
Do vậy người nuôi phải định kỳ xử lý và thay nước thường xuyên.
Khi nước quá bẩn, có mùi hôi thối phải thay nước ngay cho đến khi nước tốt trở lại mỗi lần thay 1/3 nước trong ao sau đó cấp nước vào cho đủ, tốt nhất là định kỳ thay nước ao nuôi một lần / tuần.
+ Theo dõi hoạt động của cá hằng ngày.
Điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp sao cho vừa đủ không thừa mà cũng không thiếu, thông thường khẩu phần ăn dao động từ 5 – 7 %/trọng lượng cá nuôi/ngày.
+ Định kỳ trộn thêm vitamine C (60 – 100 mg/kg thức ăn) và chất khoáng vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cũng như cá tăng trưởng tốt hơn.
+ Quan tâm và phòng ngừa bệnh cho cá.
+ Thường xuyên kiểm tra bờ bọng, rào chắn cẩn thận đề phòng sự thất thoát cá nuôi nhất là vào mùa mưa lũ.
6. Thu hoạch
Sau thời gian 4 – 5 tháng nuôi cá trê sẽ đạt kích cỡ thương phẩm.
Có thể thu tỉa dần những cá lớn, để cá nhỏ lại tiếp tục nuôi hoặc thu toàn bộ cá trong ao.
Năng suất cá trê nuôi thường đạt 5 – 15 kg/m2.
Ngoài ra cá trê còn có thể nuôi ghép với một số loài cá khác.
Một số mô hình nuôi ở cá trê kết hợp với lợn, gà, vịt hay ruộng lúa, ao sen, mương vườn cũng mang lại hiệu quả kinh tế.
Bên cạnh đó hình thức nuôi cá trê trong lồng cũng cho năng suất cao.
Có thể bạn quan tâm
Kỹ thuật nuôi Cá trê phi - Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá trê - Phần 1
Kỹ thuật nuôi Cá trê phi - Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá trê - Phần 2
Cá trê đã được người dân xã Tân Phúc đưa vào nuôi thả khá lâu, song do điều kiện thời tiết, nguồn nước, khoa học kỹ thuật... lại nuôi với quy mô nhỏ nên hiệu quả kinh tế đem lại chưa cao.