Trang chủ / Cá nước ngọt / Cá rô đồng

Kỹ Thuật Nuôi Cá Rô Đồng

Kỹ Thuật Nuôi Cá Rô Đồng
Ngày đăng: 11/02/2011

I . KỸ THUẬT ƯƠNG TỪ BỘT LÊN GIỐNG:

Diện tích ao ương từ 300-1000 m2, có cống chủ động cấp, thoát nước khi cần. Chiều sâu mực nước trong ao từ 1,2-1,5m, mặt ao thoáng để không ngăn cản ánh sáng mặt trời chiếu vào nước tạo điều kiện cho vi sinh vật trong nước phát triển.

1. Cải tạo ao:

- Bơm cạn nước, bắt hết cá tạp, lấp hang mọi, nạo vét bùn đáy ao nhưng chừa lại lớp bùn dày khoảng 1,5-2 tấc, vệ sinh sạch cây cỏ trên bờ ao, bón vôi từ 10-15kg/100m2, phơi đáy ao.

- Sau khi phơi ao từ 3-5 ngày tiến hành lấy nước vào từ 1,2-1,5m, nước phải lọc qua lớp lưới cước nhằm ngăn không cho cá tạp theo nước vào ao.

- Bón phân gây màu nước:

+ Phân vô cơ: Sau khi lấy nước vào ao đủ yêu cầu, tiến hành bón phân đạm, urê và superphosphate. Tỷ lệ N/P = 2/1, liều lượng 200 gam/m3 nước, hòa nước rải đều khắp ao.

+ Phân hữu cơ: (phân chuồng như phân heo, bò, gà....): Sau khi ủ cho oai mục thì bón vào ao. Liều lượng từ 25-30kg/100m2 ao. Rải đều ở mặt đáy ao trong lúc phơi ao, bón xong mới lấy nước vào.

Sau khi bón phân 3-5 ngày nước ao có màu xanh đọt chuối non, tiến hành thả cá ương và nâng mực nước lên từ từ.

2. Mật độ thả ương: 1500-2000 con/m2

3. Thức ăn chế biến:

- Từ ngày 1-7 cho cá bột ăn 3 lòng đỏ trứng + 100 gr sửa bột đậu nành cho 10.000 con cá bột/ngày.Lòng đỏ luộc chín nghiền thành bột hòa tan trong nước, đậu nành ngâm trong nước 24 giờ xay nhuyễn thành bột. Khi cho ăn hòa tan thức ăn trong nước và rải đều khắp ao. Mỗi ngày cho ăn 3 lần.

- Ngày thứ 8- thứ 10: cám, tấm 30% + 70% bột cá (hoặc cá tươi). Khẩu phần 300-500 gr/10.000 con cá/ngày. Thức ăn nấu chín, vò viên đặt trong sàn ăn.

- Ngày thứ 30-60: Cám 40% + bột cá 60% (hoặc phế phẩm của nhà máy chế biến thủy sản). Khẩu phần 3-5% trọng lượng đàn cá/ngày. Cho ăn 2-3 lần trong ngày.

Trong thời gian ương nên duy trì màu nước xanh trong ao vì đây là nguồn thức ăn rất tốt cho sự phát triển của cá bột.

4. Chăm sóc:

Định kỳ 10- 15 ngày thay 1/3 lượng nước trong ao. Trên mặt ao thả rau muống, lục bình 1/10 diện tích ao nhằm hấp thu một phần chất dinh dưỡng, tránh ô nhiễm môi trường và hạn chế sự phát triển quá mức của tảo.

II. NUÔI CÁ THỊT:

Diện tích từ 500-1000m2 (1 công đất), có thể nuôi ở diện tích lớn hơn, độ sâu từ 1,2-1,5 m, có cống cấp thoát nước.

1. Cải tạo ao:

Trước khi thả ao nuôi phải được cải tạo bằng các biện pháp giống như phần cải tạo ao ương. Vì nuôi cá thịt nên không cần bón phân gây màu nước.

2. Cá giống:

Cá giống có kích thước từ 3-5 cm ( 3- 5 phân), có trọng lượng trung bình 300-500 con/kg.

- Tiêu chuẩn: Cá mập, khỏe, không xây sát, không dị hình và tương đối đồng cở.

- Cách thả cá nuôi:

+ Thả cá vào ao nuôi lúc sáng sớm hay chiều mát nhằm tránh nhiệt độ cao của môi trường sẽ ảnh hưởng xấu tới cá do cá bị mệt trong quá trình vận chuyển.

+ Cách thả: Trước khi thả cá ra ao, thả bao nilon trên mặt nước từ 10-15 phút để tránh cá bị sốc do chênh lệch nhiệt độ. Khi thả mở miệng bao cho cá ra từ từ.

3. Thức ăn:

Cho cá rô ăn cám tấm (60%) + bột cá (cá tươi hoặc các phế phẩm của nhà máy chế biến thủy sản), xay nhỏ (40%). Khẩu phần từ 5-7% trọng lượng đàn cá/ngày.

4. Cách cho ăn:

Thức ăn được kết dính bằng bột gòn hay nấu chín, vò viên và đặt trong sàn ăn. Sàn ăn được cố định trong ao, nên đặt nhiều sàn ăn tránh sự cạnh tranh làm thức ăn bị rơi rớt do lượng cá tập trung nhiều vào một chỗ. Khoảng cách giữa hai sàn ăn là từ 5-7m. Mỗi ngày cho ăn 2 lần, sáng sớm và chiều tối.

5. Chăm sóc và quản lý:

- Thường xuyên kiểm tra cống, lưới bao quanh bờ ao nếu có hư rách phải vá ngay, đặc biệt chú ý vào giai đoạn mang trứng, cá có thể dùng nắp mang leo lên bờ thoát ra ngoài.

- Trên mặt nước thả 1/10 diện tích rau muống hay bèo lục bình để hấp thu dinh dưỡng dư thừa, hạn chế ô nhiễm môi trường trong nước ao.

- Thường xuyên kiểm tra tình hình thức ăn của cá để điều chỉnh hợp lý.

- Nước trong ao rất dễ nhiễm bẩn do thức ăn tạo nên, do đó tốt nhất nên thay nước hàng ngày theo thủy triều. Nếu ao xa nguồn nước thì định kỳ 10-15 ngày thay phân nửa lượng nước trong ao.

- Hàng ngày kiểm tra tình hình hoạt động của cá để sớm phát hiện nếu cá bệnh.

6. Thu hoạch:

Sau 4-5 tháng nuôi cá đạt trọng lượng 50-100 gr/con. Tiến hành thu hoạch bằng hai cách sau:

a. Cách 1: Thu hết một lần.

Tát cạn ao, bắt hết cá. Ao được cải tạo lại chuẩn bị cho vụ nuôi kế tiếp.

b. Cách 2: Thu tỉa.

Có thể dùng lưới kéo hay tát cạn, bắt những con cá lớn để bán, những con cá còn nhỏ để lại nuôi tiếp. Hình thức này hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn do con giống lớn, thời gian nuôi lần sau ngắn. Nhưng do lượng cá còn lại ít nên chuyển sang nuôi ở 1 ao khác có diện tích nhỏ hơn để tận dụng ao cũ thả nuôi giống mới có số lượng lớn.

Năng suất: Cá nuôi trong ao năng suất có thể đạt từ 2,5-10 tấn/ha/năm.


Có thể bạn quan tâm

Kỹ Thuật Nuôi Cá Rô Đồng Trong Ao Kỹ Thuật Nuôi Cá Rô Đồng Trong Ao

Cá rô đồng là loài cá sống tự nhiên và rất phổ biến ở Đồng bằng sông Cửu Long. Cá sống được trong điều kiện môi trường nước xấu mà một số loài cá khác không thể sống được.

11/02/2011
Phòng Trị Bệnh Cho Cá Rô Đồng Phòng Trị Bệnh Cho Cá Rô Đồng

Hiện nay, phong trào nuôi cá rô đồng ở ĐBSCL phát triển khá mạnh, cá rô đồng có chất lượng thịt cao nên bán rất có giá và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với nuôi các loại cá khác.

05/08/2013
Kỹ Thuật Sản Xuất Giống Cá Rô Đồng Kỹ Thuật Sản Xuất Giống Cá Rô Đồng

Cá rô đồng Anabas testudineus phân bố ở các nước Nam Á và Đông Nam Á. Cá rô thường sống trong kinh rạch, đầm lầy, các ao tù. Cá có cơ quan hô hấp phụ, có thể sống một thời gian dài trên cạn, sống được vùng nước phèn pH = 4, thịt ngon là một loài cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao.

13/07/2013
Nuôi Sặc Rằn, Rô Đồng Trong Mương Nuôi Sặc Rằn, Rô Đồng Trong Mương

Hai loài cá này nuôi trong mương khóm là loại cá chịu được hàm lượng pH thấp, cá ăn thức ăn tự nhiên và các loại rau, lá non, bèo tấm, bèo dâu, các loại bột, thức ăn tổng hợp... Cá có khả năng chịu được với sự thay đổi bất lợi của môi trường.

08/08/2013
Những Điểm Cần Lưu Ý Khi Nuôi Cá Rô Đồng Những Điểm Cần Lưu Ý Khi Nuôi Cá Rô Đồng

Cá rô đồng nuôi theo hướng công nghiệp là một mô hình được nhiều hộ gia đình thuộc khu vực ĐBSCL nói chung và TP. Cần Thơ nói riêng áp dụng. Vì loại hình vật nuôi này thường mang lại nguồn lợi nhuận khá cao và rủi ro về dịch bệnh không lớn. Nếu người nuôi am tường về con giống, áp dụng tốt kỹ thuật nuôi cũng như quy luật cung cầu cá thịt.

28/08/2013