Lâm Thao Chuyển Hướng Sản Xuất Vụ Đông
Trao đổi với chúng tôi về tình hình sản xuất vụ đông, đồng chí Cao Xuân Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Thao đánh giá: Là huyện đồng bằng, đất chật, người đông, từ lâu Lâm Thao đã chú trọng tăng vụ, trong đó sớm đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính.
Những năm gần đây, do tác động thị trường, diện tích trồng ngô đông giảm dần, thay vào đó các xã lựa chọn những cây rau, củ, quả giá trị cao để sản xuất, qua đó tăng hiệu quả cây trồng.
Chúng tôi về Kinh Kệ một xã làm vụ đông vào diện tiên tiến của huyện, đồng chí Nguyễn Vinh Dự - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Nông nghiệp ở Kinh Kệ hiện vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu kinh tế, vì vậy hàng năm xã phải tập trung chỉ đạo làm sao để có 3 vụ “ăn chắc”.
Đặc biệt vụ 3 phải chuyển đổi những cây trồng có giá trị kinh tế cao, lựa chọn phương thức sản xuất tiên tiến để mang lại hiệu quả bền vững. Nhiều năm nay thay vì trồng ngô làm lương thực, xã chuyển sang trồng ngô giống.
Xã hợp đồng với Viện Ngô Trung ương, quy hoạch sản xuất ngô giống; các hộ dồn đổi ruộng đất tạo thành vùng chuyên canh, xã chỉ đạo toàn bộ khâu kỹ thuật, cuối vụ thu hoạch toàn bộ ngô được Viện Ngô mua hết.
Cách làm này mang lại hiệu quả cao gấp 2 lần so với trồng ngô thịt. Năng suất ngô đạt 2,5 tạ/sào, với giá bán ngô giống 10.500 đồng/kg, mỗi sào thu gần 3 triệu đồng, mỗi ha thu gần 80 triệu đồng. Năm 2012-2013 riêng ngô vụ đông của xã đạt giá trị 5-6 tỷ đồng.
Vì vậy xã đã chỉ đạo quy hoạch vùng để tiện chăm sóc, cách ly về sâu bệnh chuyên sản xuất ngô giống. Ngoài cây ngô, Kinh Kệ còn trồng hơn 50ha khoai lang Nhật, bí xanh, bí đỏ, cà chua, dưa chuột… Nhiều năm nay, từ dịp tháng 12 cuối năm trước đến tháng 4 năm sau khách qua lại khu vực gần đầu cầu Phong Châu có dịp dừng lại mua cà chua, bí xanh, dưa chuột do dân Kinh Kệ sản xuất, chất lượng tốt, giá rẻ.
Vụ đông năm nay Kinh Kệ dự kiến gieo trồng trên 110ha ngô, trong đó có khoảng 80ha trồng ngô giống. Đây là xã đầu tiên xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn quy mô diện tích - cùng giống - cùng trà - hợp đồng bao tiêu sản phẩm trong sản xuất vụ đông. Mục tiêu toàn xã phấn đấu đạt thu nhập trên 6 tỷ đồng từ sản xuất vụ đông.
Không riêng gì Kinh Kệ, nhiều xã, thị trấn của huyện Lâm Thao cũng tổ chức sản xuất vụ đông khá tốt. Trong đó nhiều nơi đạt trình độ tiên tiến như trồng rau, hoa ở thị trấn Lâm Thao, xã: Hợp Hải, Sơn Vi, Tứ Xã, Vĩnh Lại; trồng ngô ở Kinh Kệ, Bản Nguyên, Cao Xá, Sơn Dương, Xuân Huy…
Vụ đông năm 2013, toàn huyện đã trồng được trên 766ha ngô, 139ha đậu tương, lạc và 374ha rau xanh các loại. Vụ đông năm nay, Lâm Thao duy trì trồng 690ha ngô, 105ha rau, củ quả cao cấp, 190ha đậu tương, lạc và 465ha rau xanh các loại.
Những xã có quy mô diện tích lớn là Bản Nguyên 164ha ngô, 58ha rau, đậu; Kinh Kệ 110ha ngô, 54ha rau, đậu; Tứ Xã 40ha ngô, 140ha rau đậu; Vĩnh Lại 85ha ngô, 65ha rau, đậu; Xuân Huy 61ha ngô, 20ha rau đậu; Cao Xá 55ha ngô, 85ha rau, đậu…
Nếu cách đây 5-7 năm, diện tích ngô đông của Lâm Thao đạt hàng ngàn ha, những năm gần đây do đầu tư, chi phí cao, giá trị thu từ cây ngô hạn chế nên các xã có xu hướng thay bằng các cây trồng khác thu nhập cao hơn.
Xã Sơn Dương trước đây vụ đông thường trồng từ 150-180ha ngô, nay rút xuống còn trên 40ha, thay vào đó diện tích rau, màu tăng lên 75ha, trong đó có 15ha rau, củ quả cao cấp. Xã Tứ Xã cũng giảm diện tích ngô đông từ vài trăm ha xuống còn 40ha, nhưng diện tích rau, màu tăng lên trên 140ha, gồm 20ha rau, củ quả cao cấp, 10ha đậu tương, 110ha rau xanh các loại…
Thực tế qua hạch toán cho thấy trồng rau, màu đều cho thu nhập cao hơn trồng ngô, riêng trồng rau an toàn, hoa, củ quả cao cấp chi phí thấp hơn ngô nhưng thu nhập cao từ hai đến ba lần. Với một địa phương có nhiều yếu tố thuận lợi về điều kiện thổ nhưỡng, trình độ thâm canh và thị trường… đây là sự chuyển hướng tích cực.
Năm nay, thông qua hợp đồng với một số doanh nghiệp trồng ngô giống, trồng dưa chuột xuất khẩu và rau an toàn huyện đang xúc tiến hướng tới mở rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn trồng cây vụ đông, tạo tiền đề xây dựng vùng chuyên canh rau củ, quả phục vụ hình thành nhà máy chế biến nông sản cao cấp, chuyển hướng tăng giá trị, hiệu quả sản xuất vụ đông.
Có thể bạn quan tâm
Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) cho biết: Hiện nay, bà con nông dân trên địa bàn huyện đang bước vào vụ thu hoạch sầu riêng đại trà. Năm nay, sầu riêng trên địa bàn huyện được mùa hơn mọi năm, nhưng chín muộn nên giá thấp hơn các năm trước.
Đây là sản phẩm mới của vùng đất đầu nguồn, xuất xứ từ mô hình “cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả” của ông Trịnh Thanh Trà (khóm Long Thạnh B, phường Long Thạnh) được hội viên, nông dân các xã, phường ở thị xã Tân Châu (An Giang) đánh giá cao từ nhiều năm nay. Bởi lẽ, bưởi da xanh, ruột hồng là loại “trái cây có múi” nổi tiếng...
Vụ lúa hè thu năm 2014, huyện Vĩnh Thạnh xuống giống hơn 25.000 ha, đến nay thu hoạch được gần 80% diện tích với năng suất bình quân 5,5 tấn/ha. Nhờ chủ động chọn giống lúa chất lượng cao, năng suất lúa tốt, giá bán ổn định nên hầu hết bà con nông dân đều có lãi.
Xã Phước An ( huyện Nhơn Trạch) từ lâu đã nổi tiếng về nguồn thủy sản nước lợ phong phú với nhiều loài được xem là đặc sản, như: tôm sú, cua xanh, bạch tuộc, cá nâu, cá hường…
Nuôi trồng thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bạc Liêu, không chỉ góp phần tăng trưởng kinh tế, mà còn giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Thế nhưng, khoảng 16.000ha tôm nuôi thâm canh và bán thâm canh của tỉnh vẫn trong tình trạng “đói điện”.