Kinh tế Việt Nam đối mặt nhiều thách thức
Nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhanh hơn kỳ vọng.
Dự báo đến cuối năm nay sẽ đạt 6,5%, cao hơn mức 6,3% đưa ra từ đầu năm. Đây là thông tin vừa được Ngân hàng phát triển châu Á - ADB công bố.
Nguyên nhân khiến ADB nâng mức dự báo tăng trưởng như vậy là do sự tăng mạnh về sản xuất công nghiệp, chi tiêu tiêu dùng và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Đồng thời ADB cũng đưa ra nhiều khuyến nghị về chính sách điều hành kinh tế trước các thách thức kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt trong thời gian tới.
Sản xuất công nghiệp của Việt Nam 6 tháng đầu năm nay tăng trưởng ấn tượng, sản lượng tăng 9,9%, có được điều này là do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã tập trung vào sản xuất các mặt hàng xuất khẩu.
Thị trường bất động sản hồi phục, đầu tư công vào lĩnh vực hạ tầng cho hiệu quả tốt… dẫn tới ngành xây dựng tăng trưởng 6,6%. Đây là hai điểm sáng của nền kinh tế nửa đầu năm nay, cũng là cơ sở chính để ADB nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên 6,5% cho năm nay và 6,6% cho 2016.
Mặc dù vậy, ADB cũng đề cập đến các thách thức mà Việt Nam sẽ gặp phải. Kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản đều đang chậm lại, trong khi đây lại là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam, còn các doanh nghiệp nội địa đang chật vật cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Hiện phần lớn tăng trưởng xuất khẩu là từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nên sự cải cách mà Chính phủ đang tiến hành cần tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tư nhân.
Ông Eric Sidgwichk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB khuyến nghị:
“Thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển, đưa các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia nhiều hơn vào nền kinh tế là rất quan trọng. Như vậy Việt Nam cần đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN và cải thiện thị trường tài chính.
Ngoài ra, Chính phủ cần nâng cao hiệu quả đầu tư công, nhất là về chất lượng các dự án đầu tư, biến thành chất xúc tác cho phát triển kinh tế. Việt Nam đã có nhiều điều luật thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân, tiếp đến cần sự kiểm chứng trong thực tế, việc thực thi luật cần được triển khai hiệu quả”.
Nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, vì vậy khi ngành này gặp khó cũng đồng nghĩa cả nền kinh tế đối mặt với thách thức.
Theo ADB, thách thức còn lớn hơn khi nông nghiệp lại là ngành yếu nhất khi Việt Nam mở cửa kinh tế.
Ông Aaron Batten, Chuyên gia kinh tế, Ngân hàng phát triển châu Á - ADB đánh giá: “Trong số 3 ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ thì nông nghiệp Việt Nam đang yếu nhất.
Thời tiết khắc nghiệt sẽ ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp, ngoài ra là những khó khăn khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do mới.
Tôi nghĩ Chính phủ cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp với kế hoạch rất cụ thể, cần mở cửa cho doanh nghiệp tư nhân giam gia nhiều hơn vào chuỗi sản xuất nông nghiệp để họ có thể nâng cao năng lực và sức cạnh tranh”.
Trong lĩnh vực ngân hàng, ADB dự báo tăng trưởng tín dụng cho cả năm nay vượt qua chỉ tiêu ban đầu 13-15% của Chính phủ và sẽ còn tăng nhanh hơn trong năm 2016. Trước xu hướng mất giá của các đồng tiền châu Á khác, ADB hoan nghênh phản ứng và chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt của NHNN thời gian qua.
Có thể bạn quan tâm
Các doanh nghiệp chế biến,xuất khẩu cá tra cạnh tranh không lành mạnh chào bán giá thấp rồi quay lại ép giá mua cá của người dân để chế biến có lời.
Ngày 10/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Sau đó, Bộ Nông nghiệp-PTNT cũng đã ban hành chương trình hành động thực hiện đề án này của Chính phủ, đồng thời chỉ đạo các tỉnh, thành phố ban hành chương trình hành động thực hiện. Hiện nay, ngành Nông nghiệp cũng đã có một số định hướng để tiến hành tái cơ cấu.
Tham gia tập huấn, các học viên đã được giảng viên Trường Đại học Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh hướng dẫn quy cách hồ nuôi, mật độ số lượng lươn nuôi/m2, tiêu chuẩn đạm trong thức ăn cho lươn, thay nước sau khi cho lươn ăn, phương pháp cho lươn sinh sản đạt hiệu quả… một số dịch bệnh thường gặp ở lươn và phương pháp điều trị...
Hoa cúc có thể trồng quanh năm trên đất cát có nhiều mùn, đất pha sét, đất đỏ bazan hoặc đất thịt nhẹ nhưng tất cả đều phải tơi xốp và thoát nước tốt, độ pH từ 6 – 6,5. Đất phải có dinh dưỡng thỏa mãn nhu cầu phát triển của cây, do đó cần phải áp dụng phân bón cân đối.
Sản lượng tiêu thụ rau màu giống tăng từ 20 - 30% so với năm trước nhưng giá vẫn giữ ở mức ổn định. Sau khi trừ các khoảng chi phí, ông Sang thu lãi gần 1 triệu đồng/ngày.