Kinh Nghiệm Vỗ Béo Bò Của Nông Dân Xã Bắc Phong
Gần đây, phong trào nuôi bò vỗ béo phát triển mạnh ở xã Bắc Phong (Thuận Bắc - Ninh Thuận). Nhiều hộ nuôi giàu lên nhờ có kinh nghiệm trong chọn giống, chế độ chăm sóc hợp lý.
Mỹ Nhơn là thôn đi đầu trong toàn xã thực hiện mô hình có hiệu quả. Hiện trong thôn có 300/367 hộ nuôi bò vỗ béo. Hộ nuôi ít từ 1 đến 2 con, hộ nhiều 5 đến 6 con. Trước đây, bà con chăn thả tự do ngoài đồng, về mùa khô thiếu thức ăn nên bò bị còi cọt. Năm 2002, từ Chương trình cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò của huyện, bà con được hỗ trợ trồng cỏ voi. Có nguồn thức ăn dồi dào, một số hộ có sáng kiến mua những con bò ốm yếu về chăm sóc, từ đó hình thành nên nghề nuôi bò vỗ béo.
Anh Huỳnh Phượng là người có nhiều kinh nghiệm trong nuôi bò vỗ béo ở địa phương. Ban đầu anh chỉ nuôi thử nghiệm 1 con, so sánh với nuôi bò theo truyền thống hiệu quả hơn nên anh đã đầu tư sửa chữa chuồng trại, trồng cỏ mở rộng quy mô. Hiện nay, anh luôn duy trì 1 cặp bò nhỏ, 1 cặp vừa, một cặp lớn, nuôi theo hình thức “gối đầu”, cứ bán cặp lớn thì mua thêm một cặp nhỏ về vỗ béo.
Với cách nuôi này, năm nào anh cũng có bò bán, thu về khoản tiền khá lớn. Anh Phượng, cho biết: Mua cặp bò 6 tháng tuổi, giá thời điểm hiện nay khoảng 20 triệu đồng, sau 18 tháng vỗ béo bán được khoảng 60 triệu đồng/cặp. Đáng nói là, hộ nuôi chỉ đầu tư tiền mua giống ban đầu, còn thức ăn tận dụng được từ phụ phẩm nông nghiệp, giảm được nhiều chi phí, nên lợi nhuận cao, lãi ròng 35 triệu/cặp.
Thấy anh Phượng nuôi bò vỗ béo hiệu quả, nhiều hộ trong vùng học hỏi làm theo, tuy nhiên cách thức có khác. Cách vỗ béo bò của anh Đỗ Đăng Nhiên là tìm đến các trại trại bò trong tỉnh, chọn mua những con đực khoảng một năm tuổi gầy gò, về “thúc” từ 3 đến 5 tháng rồi xuất chuồng. Với hình thức này, mỗi năm anh bán được từ 2 đến 3 đợt bò, thu lời hơn 30 triệu đồng.
Nhờ chế độ ăn uống tốt, nuôi nhốt trong chuồng ít bị tác động của biến đổi thời tiết nên bò ít bị bệnh. Tuy nhiên, thi thoảng bò vẫn gặp một số bệnh như lở mồm long móng, cúm… hộ nuôi cần phát hiện sớm để chữa trị. Triệu chứng của bệnh cúm là bò sổ mũi, miệng khô, run rẩy, nằm xuống đứng dậy khó. Khi bò có dấu hiệu trên bà con chích thuốc vài ngày là khỏi. Riêng bò bị lỡ mồm long móng hộ nuôi chịu khó thường xuyên xoa thuốc tím, chà chanh là hết. Với cách chăm sóc đơn giản như trên, từ trước đến nay ở Mỹ Nhơn chưa có con bò vỗ béo nào bị chết do dịch bệnh.
Đồng chí Phạm Thái Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bắc Phong, cho biết: Mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ nông dân. Ở địa phương có nhiều hộ thoát nghèo nhờ nuôi bò vỗ béo. UBND xã đang chỉ đạo Hội Nông dân truyền đạt kinh nghiệm, vận động, giúp đỡ bà con nhân rộng mô hình vỗ béo bò.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Nam đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh với kỳ vọng chấm dứt kiểu khai thác tràn lan, tận diệt.
Từ đầu năm 2013 đến nay, tình hình xuất khẩu chung của cả nước gặp nhiều khó khăn, nhưng mặt hàng tôm lại có những bứt phá đầy ấn tượng, với kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD.
Thị phần xuất khẩu cá tra Việt Nam chiếm 97% thị trường thế giới nhưng 3 năm nay, giá xuất khẩu bình quân giảm, hàng loạt doanh nghiệp, người nuôi liên tục thua lỗ và phá sản.
Ngành cá tra từng có giai đoạn phát triển mạnh đến khó tin, mỗi hecta có thể đạt cả chục tỷ đồng và đem lại hàng tỷ USD kim ngạch xuất khẩu mỗi năm. Thế nhưng thời “dễ nuôi, dễ ăn” đã nhanh chóng đi qua sau hàng loạt “đợt bão”: giá cá sụt giảm sâu, giá thức ăn tăng, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng…
Trong khi các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm đang tìm mọi cách để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải của vật nuôi thì người dân xã Yên Hòa (Yên Mỹ - Hưng Yên) đã và đang áp dụng thành công mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng đệm lót sinh học, giúp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí và hạn chế dịch bệnh, mở ra hướng phát triển chăn nuôi bền vững.