Kinh Nghiệm Trồng Dừa Sáp
Đi ngang qua một vườn dừa, dân tay ngang không thể phân biệt được cây nào sẽ cho trái dừa sáp- đặc sản " độc nhất vô nhị" của Cầu Kè (Trà Vinh). Thậm chí trên một buồng trái cũng khó nhận ra trái dừa sáp đặc ruột và những trái không được gọi là dừa sáp. Riêng ông Thạch Chia, 82 tuổi, không chỉ có thể phân biệt được dừa sáp mà còn biết rất rõ cội nguồn của giống này.
Ông Thạch Chia kể lại: "Những năm Nhật chiếm đóng, sư cả Thạch Sô trụ trì chùa Chợ (chùa Bô Tum SaKor) ở thị trấn có dịp sang tận Battambang-Campuchia được thưởng thức món dừa sáp, khi trở về người dân địa phương cho hai trái dừa sáp để trồng. Khoảng 5 năm sau thì cây dừa sáp cho trái đặc ruột, bà con trong bổn sóc ăn thấy ngon, rồi từ đó hàng năm ai cũng tìm cách xin cho được trái dừa sáp mang về trồng. Tôi xin được vài trái dừa sáp ở chùa Chợ và bắt đầu ươm trồng vào năm 1950".
Hiện tại vườn dừa sáp nhà ông Thạch Chia có khoảng 100 cây lớn nhỏ, có cây bắt đầu cho trái, dáng cây và dạng trái như loại dừa ta. Ông chỉ cách phân biệt: Lúc trái dừa chưa bóc vỏ thì lắc có tiếng kêu nhẹ "ọc ạch", sau khi bóc vỏ dùng cây gõ vào gáo có tiếng kêu "lụp bụp", còn tiếng gõ nghe thanh "cóc cóc" là không phải dừa sáp. Khi bổ trái dừa sáp, nước rất ít, cơm dừa gần như đặc ruột, ăn thử thấy béo và có mùi thơm đặc trưng. Để có mùi vị thơm ngon hơn, người ta nạo lấy cơm cho vào ly nước dừa sáp, thêm một ít sữa và nước đá đập nhỏ hoặc cho vào máy quay sinh tố tạo nên loại thức uống có mùi vị tuyệt hảo, ngon và bổ dưỡng. Những năm qua, vào mùa lễ Vu Lan (15 tháng 7 âm lịch) có nhiều du khách hành hương đến Cầu Kè và tìm mua ăn thử, dừa sáp không đủ bán, mỗi trái lên đến 25.000 đồng.
Về cách ươm trồng, theo kinh nghiệm của ông Thạch Chia, lúc cây con ra vài lá cao hơn 5 tấc và thấy rễ đâm ra khỏi vỏ dừa thì đem trồng được. Trồng dừa sáp cũng như dừa ta, trên liếp đào hố sâu 8x8 tấc hoặc lên mô đất, cây cách nhau 8x8 mét. Khi cây cho trái, hàng năm bón 1 kg phân NPK (20-20-15) trộn thêm 10 kg phân hữu cơ chôn chung quanh rễ cách gốc 1,5 mét và vét mương vun liếp. Mỗi năm rửa tán hai lần để tránh chuột cắn phá trái và bọ dừa gây hại cây.
Vườn dừa của ông cũng đã được thả ong ký sinh diệt bọ cánh cứng, vì có hai cây chết do bọ dừa. Một cây dừa sáp bình quân cho 100 trái/năm, nhưng tỷ lệ trái sáp trên buồng khoảng 30%, cả năm mỗi cây có thể cho 30 trái dừa sáp. Hàng năm ông thu nhập từ 100 cây dừa sáp khoảng 74 triệu đồng, nếu qui ra số cây theo khoảng cách trồng (64 m2) thì mỗi hecta chừng 150 cây, thu nhập của gia đình ông lên đến 110 triệu đồng/ha/năm, trồng dừa sáp lại ít tốn công chăm sóc và hiệu quả không thua kém cây dừa thơm. Cây dừa sáp cũng được sử dụng thân làm gỗ cất nhà, xây cầu nông thôn, đóng cột đáy sông biển, đồ mỹ nghệ; lá che mát và làm chất đốt...
Có thể bạn quan tâm
Bọ vòi voi là loại côn trùng gây hại trên rễ và thân cây dừa làm ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng của cây. Phòng trừ bọ vòi voi gây hại cây dừa
Để sản phẩm dừa uống nước ổn định về chất lượng và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người trồng dừa, người trồng cần quan tâm đến một số vấn đề
Điều kiện đất đai, khí hậu miền Nam nước ta khá phù hợp cho việc phát triển cây dừa; đặc biệt trong bối cảnh bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu
Tỉ lệ dừa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu là không cao do nhiều nguyên nhân như trái nhỏ, trái bị thẹo do sâu hại, trái bị rỗng xơ, độ ngọt thấp…
Cây dừa có nguồn gốc nhiệt đới được trồng nhiều ở các vùng ven biển. Dừa mọc trên cả đất thịt, đất cát pha hay có độ ẩm dồi dào và có khả năng chịu mặn tốt.