Kinh Nghiệm Làm Mai Vàng Bán Tết Của Ông Nguyễn Văn Định
“Chăm sóc cây mai vàng xem ra không khó, nhưng để có một cây mai đẹp, vừa ý khách hàng, trổ hoa đúng vào dịp Tết là đều không đơn giản đối với người làm mai”. Đó là lời tâm sự của ông Nguyễn Văn Định ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Thành (Chợ Lách) người có hơn 20 năm gắn bó với cây mai vàng.
Ông Định cho biết, gia đình ông đến với nghề làm hoa kiểng, chủ yếu là cây mai vàng được khá lâu. Nghề này trước đây không phát triển nhiều, khoảng 10 năm trở lại khi đời sống vật chất của người dân tăng cao, nhu cầu để sở hữu một chậu mai đẹp trong những ngày Tết đến được nhiều người quan tâm. Nghề sản xuất cây mai vàng từ đó phát triển, kinh tế gia đình ông cũng vươn lên với nghề truyền thống này.
Trước đây do chưa có nhiều kinh nghiệm và thị trường tiêu thụ ít, ông Định cùng nông dân trong ấp chỉ sản xuất vài chục đến vài trăm chậu mai vàng mỗi năm. Khi đã thông thạo về kỹ thuật và thị trường ngày càng mở rộng, ông Định nâng dần số lượng. Tết năm 2011, ông Định đầu tư làm 1.000 chậu mai lớn nhỏ trên diện tích 1,5 công đất, bán xong thu về khoảng 70 triệu đồng.
Riêng Tết Nhâm Thìn 2012, ông làm 1.200 sản phẩm, trong đó mai nhỏ chiếm khoảng 70% và 30 % là mai lớn có bề hoành từ 40-50cm, trị giá từ 5-10 triệu đồng/cây. Để chuẩn bị sản phẩm mai vàng bán Tết, những ngày qua gia đình ông Định đã bận rộn chăm sóc, uốn cành, tạo dáng,… cho cây mai khỏe đẹp để chào bán trong những ngày Tết đến.
Ông Định cho biết: “Đối với một cây mai thành phẩm, các giai đoạn chăm sóc, bón phân, lãi lá, uốn cành đều rất quan trọng, phải có thời gian chăm sóc hợp lý, thời tiết thuận lợi cây mới trổ bông đúng vào dịp Tết. Theo kinh nghiệm của tôi, khoảng tháng 5 âm lịch bắt đầu xử lý cho cây, khoảng tháng 6 tôi lãi lá để cây ra lá mới và dùng phân bón có hàm lượng kali ít để bón cho cây, cách 10 ngày bón một lần, khoảng tháng 9 âm lịch ngưng phân. Đến tháng 10, khi chuẩn bị sửa cành tạo dáng, tôi dùng phân có hàm lượng kali cao để bón giúp cây chắc, khỏe, xanh tốt… Đến rằm tháng 12 âm lịch hoặc 20/12 âm lịch là bắt đầu lãi lá, tùy theo nụ lớn nhỏ, cây mai sẽ cho hoa nở đúng vào dịp Tết.
Mỗi năm, sản phẩm mai vàng đưa ra thị trường ngày càng nhiều và số hộ đến với nghề làm mai vàng bán Tết cũng đông hơn nên nguồn mai hậu bị ở địa phương không đủ cung cấp cho người sản xuất, người làm mai kiểng phải mua từ nhiều nơi khác. Đối với hộ ông Nguyễn Văn Định để có nguồn mai vàng hậu bị nuôi bán hàng năm, ông mua của thương lái đến từ Long An sang bán. Sau đó mang về cắt tháp, nuôi từ 2-3 năm mới có cây thành phẩm. Trước đây, do chưa có kinh nghiệm nên khi mua cây mai về trồng, tỷ lệ tháp dính không cao đạt khoảng 60% còn hiện nay đạt từ 90%, điều đặc biệt khi mua cây mai về, người làm mai cắt tỉa lại cây cho gọn gàng loại bỏ rễ dư thừa và cắt đọt để lại một đoạn từ gốc lên khoảng 1 tấc cũng tùy theo cây có gốc đẹp, xấu cắt bỏ cho thích hợp, sau đó đặt cây vào bầu được sơ chế sẵn, dùng túi nylon trùm gốc mai lại, khoảng 10-15 ngày cây mai nứt mụt, lấy bịt ra, tưới nước và phun dưỡng lá, lãi bỏ đọt đối với những cây có đọt đỏ, sau đó dùng bo cây đầu dòng tháp vào và trùm bịt lại. Khoảng 15-20 ngày sau, cây mai được tháp sẽ đâm tượt, công đoạn tháp mai xem như hoàn tất, sau đó tháo túi nylon ra và nuôi dưỡng bình thường cho đến khi cây mai thành phẩm.
Kinh nghiệm này đã giúp cho vườn mai của ông Định luôn phát triển xanh tốt, hàng năm được thương lái đánh giá cao, chưa đến ngày Tết đã có thương lái đến đặt mua. Ông hy vọng, Tết này thời tiết thuận lợi vườn mai được ông chăm sóc cẩn thận, giá bán tốt hơn, gia đình ông có lãi cao.
Để có được kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc và xử lý cho cây mai vàng trổ hoa đúng vào dịp Tết là nhờ ông thường xuyên theo dõi báo, đài và đặc biệt là tham dự các lớp tập huấn về kỹ thuật uốn sửa kiểng bonsai, chăm sóc cây mai vàng do Hội sinh vật cảnh của huyện và tỉnh tổ chức. Bên cạnh đó, ông còn tham gia vào các buổi sinh hoạt của Chi hội sinh vật cảnh trong ấp và trao đổi kinh nghiệm với những người trồng mai vàng ở địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Gần 30 năm đổi mới, nhiều chuyên gia nhận định: Thành tựu nổi bật nhất của ngành nông nghiệp ĐBSCL và cả nước là đưa nước ta từ thiếu ăn đến đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước, đảm bảo dự trữ quốc gia và xuất khẩu gạo nhiều năm liền đứng hàng thứ 2 trên thế giới.
Ngày 30-10, Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng phối hợp với Công ty TNHH Yanmar Việt Nam tổ chức Hội thảo mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ bã thải rơm rạ tại xã Mỹ Hương (huyện Mỹ Tú).
Trái với niềm vui trúng giá của năm trước, hiện nhiều nhà vườn trồng gừng tại ĐBSCL bước vào vụ thu hoạch gừng với giá bán giảm hơn 50% so với năm trước.
Những năm gần đây, giống nghệ N8 được du nhập, trồng xen canh, luân canh cùng cây trồng truyền thống ở vùng đất Thạch Quảng, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, mùa khô năm 2015 - 2016 có khả năng mặn xâm nhập sớm, sâu và kéo dài: các vùng cách biển 25 - 35km từ tháng 12 mặn có khả năng vượt quá 4g/l, từ tháng 1 - 2 trở đi, các vùng này gần như không có khả năng lấy nước ngọt từ cửa sông.