Kinh Nghiệm Chăn Nuôi Vịt Của Ông Lương

Trong những năm gần đây, người chăn nuôi vịt thường gặp nhiều rủi ro do dịch cúm gia cầm hoành hành. Tuy nhiên, bằng sự năng động và cần cù lao động của mình, ông Nguyễn Văn Lương, thôn Lĩnh Mai, xã Quảng Phú, huyện Lương Tài (Bắc Ninh) trở thành triệu phú với mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm.
Trao đổi với ông Lương được biết, lúc đầu gia đình ông chỉ nuôi khoảng 120 con vịt đẻ nhưng do chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật nên thu nhập không cao. Cũng trong khoảng thời gian này, ở xã ông có nhiều người đi xuất khẩu lao động nên kinh tế rất khá giả.
Với ước muốn làm giàu nhanh, năm 2001 ông Lương đã xin đi xuất khẩu lao động mấy năm. Về nước với chút vốn có được cùng niềm đam mê và quyết tâm làm giàu từ nuôi vịt, ông mạnh dạn vay vốn thêm từ ngân hàng Nông nghiệp và PTNT để đầu tư mua gần 8000 m2 đất xây dựng chuồng trại chăn nuôi vịt thương phẩm và đào ao thả cá.
Chuồng trại nuôi vịt được ông Lương thiết kế theo hướng hiện đại, thoáng mát, hệ thống cấp thoát nước bảo đảm vệ sinh và chia thành nhiều ô chuồng để nuôi vịt theo từng ngày tuổi khác nhau. Chất thải của vịt cho xuống bể Bioga làm chất đốt. Hệ thống chuồng trại này không chỉ đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh mà còn hạn chế được dịch bệnh cho vịt.
Năm 2013, ông Lương chọn nuôi giống vịt Bầu cánh trắng và vịt Super M của Trung tâm nghiên cứu vịt Đại Xuyên ở Phú Xuyên, Hà Nội với giá giống trung bình 6.000 đồng/con 1 ngày tuổi. Đây là hai giống vịt siêu thịt, tỷ lệ thịt đùi và lườn cao, thơm ngon nên được hách hàng ưa chuộng. Thời gian đầu, gia đình ông chỉ nuôi khoảng 1000 con/lứa, mỗi năm nuôi được 6 đến 7 lứa.
Với kinh nghiệm tích luỹ được cùng việc tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho vịt do phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông Lương Tài tổ chức đến nay, mỗi năm ông đã nuôi được 11 đến 12 lứa bằng cách nuôi gối liên tục, số lượng mỗi lứa lên đến 1.500-2.000 con. Hàng năm, gia đình ông Lương cung cấp cho thị trường khoảng 20.000-22.000 con vịt thịt, trong đó có khoảng 5000 vịt Bầu cánh trắng còn lại là vịt Super M. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu lãi từ nuôi vịt thương phẩm trên 300 triệu đồng.
Theo ông Lương, nuôi vịt thương phẩm không khó nhưng người nuôi cần phải kiểm soát chặt chẽ quy trình chăn nuôi để bảo đảm an toàn dịch bệnh (yếu tố quyết định thành công trong chăn nuôi), hạn chế rủi ro, rút ngắn thời gian nuôi và tỷ lệ con sống đạt cao. Với kinh nghiệm của mình, ông còn cho rằng: để chăn nuôi vịt thương phẩm hiệu quả, người chăn nuôi cần tuân thủ một số nguyên tắc sau:
Thứ nhất: Giống vịt nuôi phải sạch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng.
Thứ hai: Hàng ngày phải vệ sinh chuồng trại, thu gom xử lý chất thải của vịt, thường xuyên khử trùng, rắc vôi bột xung quanh khu vực chuồng trại theo định kỳ.
Thứ ba: Tiêm phòng định kỳ cho vịt, cụ thể: Từ 1-3 ngày tuổi tiêm vác xin phòng viêm gan; Từ 12-15 ngày tuổi tiêm vác xin phòng dịch tả; Từ 28-30 ngày tuổi tiêm vác xin H5N1.
Thứ tư: Thức ăn phải đảm bảo dinh dưỡng theo từng lứa tuổi.
Ngoài diện tích làm chuồng chăn nuôi vịt, ông đã sử dụng 3000 m2 đào ao nuôi thả cá thịt và 2000m2 ương cá hương. Các loại cá chủ yếu có giá trị kinh tế cao đã được ông lựa chọn là cá chép, trắm, chim, rô phi đơn tính… mỗi năm thu hoạch khoảng 4 tấn cá. Đối với ao ương cá hương, ông ương các giống cá truyền thống vừa để phục vụ gia đình vừa đem bán cho các hộ nuôi trồng thuỷ sản trong khu vực.
Nói về cách làm kinh tế của gia đình ông Lương, anh Nguyễn Văn Thuỷ - Cán bộ Khuyến nông xã Quảng Phú cho biết: “Những năm gần đây, xã Quảng Phú có rất nhiều hộ nuôi vịt nhưng nuôi với số lượng lớn và đem lại hiệu quả kinh tế cao thì chỉ có gia đình ông Lương. Ông Lương là một người dám nghĩ dám làm, vượt qua nhiều khó khăn để từng bước vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương mình”.
Có thể bạn quan tâm

Nghề chăn nuôi hươu ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) hình thành từ năm 1980, giúp nhiều gia đình thoát nghèo và có nhiều hộ khá, giàu. Trải qua những biến động, thăng trầm, giống hươu sao và sản phẩm nhung hươu của huyện Quỳnh lưu vẫn được thị trường ưa chuộng, góp phần khẳng định những nỗ lực bảo tồn, phát huy nguồn giống.

Ngày 26/5, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã tổ chức đối thoại về thủ tục kiểm dịch thực vật với hơn 30 DN nhập khẩu thức ăn chăn nuôi.

Cơ sở nuôi vịt trời của anh Phùng Văn Khanh, khu Vành Kiệu, phường Phương Nam (TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) vừa thực hiện thành công việc ấp nhân tạo giống vịt trời.

Ngày 24/5, Phòng Kinh tế TX Sông Cầu (Phú Yên) cho biết, sau thời gian rớt giá mạnh, khoảng gần 1 tháng trở lại đây, giá tôm hùm thương phẩm trên địa bàn Phú Yên đã tăng trở lại.

Cùng với sự phát triển hơn 15 năm qua, người dân nuôi tôm Cà Mau đã thật sự nhận thấy nuôi tôm công nghiệp mang lại nguồn thu nhập "khủng". Bởi thực tế trước đây chỉ cần 3 tháng nuôi thuận lợi là có thể thu về từ 100 - 300 triệu đồng/ao khoảng 2.000 - 4.000 m2, những hộ có số lượng ao nhiều có thể thu về trên 1 tỷ đồng.