Kinh Doanh Thức Ăn Chăn Nuôi Thời Khủng Hoảng
Kinh tế thời hưng thịnh, sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi (TACN) là nghề kiếm được “lãi khủng”. Nay, kinh tế khó khăn, ngành kinh doanh này phải chật vật, cạnh tranh với nhau bằng nhiều chiêu thức để tồn tại.
Cạnh tranh khốc liệt
Thời kinh tế hưng thịnh, những thương hiệu thức ăn nổi tiếng cho cá, gia súc, gia cầm được người chăn nuôi ưa chuộng, trước hết phải kể đến thức ăn của các nhãn hiệu Afiex, Cargill, Proconco, GreeFeed, Cỏ Mây, Việt Thắng…
Những thương hiệu này đua nhau mở rộng cửa hàng, đại lý để phục vụ người chăn nuôi. Mức tăng trưởng thị trường hàng năm đạt từ 15 – 20% cho các nhãn hiệu. Nay, kinh tế khó khăn, giá cá tra ở mức thấp, người nuôi cá tra liên tục thua lỗ; gia cầm bị dịch bệnh nên số lượng người nuôi ít, thị phần bị “teo tóp”, các công ty sản xuất và kinh doanh TACN đã giành giựt nhau “chiếc bánh” thị phần.
“Nếu trước đây, các doanh nghiệp sản xuất TACN lấy chiêu thức giá để cạnh tranh với nhau (ít chú ý đến chất lượng) thì nay, ngoài giá thấp, các công ty luôn phải chú ý đến vấn đề chất lượng, các chính sách hấp dẫn dành cho người chăn nuôi cũng như đại lý, hay nói khác hơn, sự cạnh tranh hiện nay rất khốc liệt; cạnh tranh ở phần cứng lẫn phần mềm” – đại diện bán hàng của một hãng TACN, cho biết.
An Giang có 4 doanh nghiệp chế biến TACN, gồm các công ty: TNHH Á Châu, Việt Thái, Afiex và Lương thực Thực phẩm An Giang.
Trong số này, chỉ thương hiệu TACN của Afiex là còn trụ vững trên thị trường, các đơn vị còn lại dần biến mất trên thị trường bởi sự cạnh tranh khốc liệt. “Có được điều này là do trong từng thời điểm cụ thể, chúng tôi đã dự báo, dự đoán thị trường tương đối chính xác, từ đó đưa ra những quyết sách phù hợp trong sản xuất và kinh doanh.
Chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ với các viện, trường, cơ quan nghiên cứu để có được sự tư vấn, hỗ trợ kịp thời về mặt kỹ thuật, về những tiến bộ khoa học - kỹ thuật để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, phù hợp với thị trường”- bà Lê Thị Mai Khanh, Phó Trưởng phòng Kinh doanh Xí nghiệp TACN Thủy sản (Công ty Afiex), cho biết.
Chất lượng là hàng đầu
Năm 2008, sản lượng nuôi cá tra ở ĐBSCL đạt mức 1,2 triệu tấn/năm, nay con số này đã giảm sút đáng kể. Sản lượng nuôi giảm, thị phần giảm nên việc cạnh tranh giữa các sản phẩm, các công ty để dành thị phần và khách hàng trở nên khốc liệt.
“Nông dân hiện nay rất thông minh, trình độ kỹ thuật và tay nghề trong chăn nuôi được nâng cao, vì vậy các hãng thức ăn không đơn thuần cạnh tranh nhau về giá và hình thức thanh toán (trả chậm), mà còn phải chú ý đến chất lượng.
Chu kỳ nuôi cá tra hiện nay chỉ có 6 tháng, cá lóc từ 4 – 5 tháng. Sau một chu kỳ nuôi mà hệ số thức ăn trên mức tăng trưởng của cá cao thì xem như không đạt. Nếu ở cá tra, ngày xưa hệ số thức ăn là 1.8 cho 1 kg cá tăng trọng thì nay con số này đã hạ xuống còn 1.7 hoặc 1.65.
Ngoài hệ số thức ăn, thịt cá nuôi có trắng, ít mỡ hay không, khi chế biến tỷ lệ thu hồi thịt tốt hay không… là những tiêu chí đánh giá cho chất lượng của một nhãn hiệu thức ăn. Vì vậy, các công ty chuyên sản xuất TACN phải chú trọng đến vấn đề chất lượng”– chị Nguyễn Thị Lài, chủ cửa hàng TACN ở huyện An Phú, cho biết.
“Nếu trước đây, các hãng TACN ghi tỷ lệ độ đạm trên bao bì là 40% nhưng thực chất, độ đạm trong viên thức ăn không đạt tới, điều này làm ảnh hưởng nhiều đến người chăn nuôi, tiêu tốn thức ăn nhiều mà cá không lớn thì nay tình trạng này đã giảm đáng kể và nông dân chúng tôi sẵn sàng “tẩy chay” đối với cách làm ăn chụp giựt của các công ty.
Trong việc lựa chọn thức ăn để chăn nuôi, gia đình tôi luôn tìm mua những sản phẩm được người sử dụng bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao”- ông Nguyễn Văn Toàn, hộ chăn nuôi cá lóc ở TX. Tân Châu, nói
Để tồn tại và phát triển, các công ty chế biến TACN đã lấy khách hàng làm mục tiêu cho sự phát triển, kinh doanh từng bước đi vào chiều sâu, lấy sự thân thiết, quen biết, uy tín, chất lượng làm tiêu chí để phát triển thị trường lẫn thị phần.
Sự cạnh tranh giữa các nhãn hiệu từng bước đã lành mạnh hóa, người chăn nuôi hiện nay đã đích thực trở thành “thượng đế”. Tuy là giai đoạn khủng hoảng của nền kinh tế nhưng những công ty làm ăn có uy tín, chất lượng, đồng hành cùng người chăn nuôi như Afiex vẫn phát triển.
Có thể bạn quan tâm
Nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất nuôi trồng thuỷ sản trong năm 2014. Đồng thời hạn chế những thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và phấn đấu đạt chỉ tiêu kế hoạch của Ngành Nông nghiệp.
Chiều 5-3, ông Huỳnh Văn Quân, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã khoai lang Tân Thành, huyện Bình Tân (Vĩnh Long) cho biết: Giá khoai lang tím Nhật xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đang tăng rất mạnh, từ 830.000 - 860.000 đồng/tạ, cao hơn cùng kỳ năm ngoái từ 300.000 - 350.000 đồng/tạ.
Giá mía nguyên liệu dao động ở mức thấp dẫn đến việc thua lỗ kéo dài nên hàng loạt nông dân ở ĐBSCL ào ạt phá bỏ ruộng mía. Dọc các vùng mía trọng điểm ở Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang, Long An… nhiều ruộng mía biến thành những ao nuôi tôm, lên bờ trồng cây ăn trái, rau màu… Trước thực trạng cây mía đang bị hắt hủi, các nhà máy lo lắng thiếu nguyên liệu hoạt động trong thời gian tới.
Hiện nay, cả nước còn 63 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 22 tỉnh. Ngày 4/3, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm đã có phiên họp thường kỳ. Theo đó, các đoàn công tác của Cục Thú y sẽ tiếp tục đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm tại các địa phương.
Bộ NN&PTNT vừa có công điện yêu cầu các địa phương sớm hướng dẫn, kiểm tra chứng nhận và công khai địa chỉ cơ sở chăn nuôi an toàn, không có dịch. Từ đó, có biện pháp khuyến khích tiêu thụ gia cầm sạch từ các cơ sở này.