Kiên Giang Sẽ Là 1 Trong 5 Trung Tâm Nghề Cá Lớn Của Cả Nước
Sáng 16-12, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Kiên Giang đã phối hợp tổ chức hội nghị về công tác quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Lãnh đạo 5 tỉnh ven biển gồm Khánh Hòa, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu và Kiên Giang đã đến tham dự. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, nhiều bất cập, hạn chế trong công tác quản lý, quy hoạch cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão đã được nêu ra. Nhìn chung mức đầu tư cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão rất thấp, đặc biệt là khu vực ven biển miền Trung là vùng có tần suất bão cao, số lượng tàu thuyền khai thác lớn lại có mức đầu tư thấp nhất, chỉ bằng 1/3 - 1/2 so với mức đầu tư ở vùng Vịnh Bắc Bộ và vùng Đông Nam bộ. Công tác quy hoạch, thiết kế cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão chưa theo kịp sự phát triển của đội tàu khai thác thủy sản.
Trong 4 năm qua, từ năm 2010 – 2014, bằng nhiều nguồn vốn, ngành nông nghiệp đã đầu tư, nâng cấp 83 cảng cá trong cả nước với tổng vốn hơn 850 tỷ đồng. Tuy nhiên do việc đầu tư thiếu kết hợp các cảng cá với khu neo đậu tránh trú bão thành hệ thống đồng bộ trong đầu tư, quản lý và sử dụng; các hạng mục đầu tư chưa phù hợp với loại tàu, nghề khai thác…, đặc biệt cơ sở hạ tầng không đồng bộ, thiếu hệ thống xử lý nước thải… đã ảnh hưởng đến chất lượng và tổn thất sau thu hoạch và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, dẫn đến các công trình này chưa phát huy hiệu quả tốt, nhanh xuống cấp…
Trong tình hình này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng để hướng đến nghề cá hiện đại nhất thiết phải xây dựng những trung tâm nghề cá lớn. Chính phủ cũng đã xác định 5 trung tâm nghề cá lớn gắn với các ngư trường trọng điểm, trong đó có trung tâm nghề cá Kiên Giang gắn với ngư trường Tây Nam bộ. Các trung tâm nghề cá lớn sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2015 – 2020. Trước mắt ưu tiên đầu tư cho trung tâm nghề cá Khánh Hòa gắn với ngư trường Nam Trung bộ và Trường Sa.
Phát biểu tại hội nghị, ông Mai Anh Nhịn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, Kiên Giang là tỉnh có ngư trường lớn, và có điều kiện phát triển rất lớn về kinh tế biển. Năm 2014, sản lượng khai thác của tỉnh đạt trên 462.000 tấn cao nhất cả nước và có hơn 10 ngàn tàu đăng ký hoạt động khai thác. Trong những năm vừa qua được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh đã đầu tư nhiều cảng cá, nơi neo đậu tránh trú bão tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ hạ tầng cho phát triển thủy sản và kinh tế biển của tỉnh.
Theo ông Nguyễn Ngọc Oai – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, căn cứ vào chiến lược phát triển thuỷ sản, sự cần thiết và cấp bách của từng ngư trường và vùng lãnh thổ thì trong năm 2015 sẽ ưu tiên chuẩn bị đầu tư cho trung tâm nghề cá Khánh Hoà gắn với ngư trường Nam Trung bộ và Trường Sa. Tiếp theo là trung tâm nghề cá Đà Nẵng gắn với ngư trường trọng điểm Biển Đông và Hoàng Sa. Sau đó là trung tâm nghề cá Hải Phòng gắn với ngư trường Vịnh Bắc Bộ, trung tâm nghề cá Bà Rịa – Vũng Tàu gắn với ngư trường Đông Nam bộ và trung tâm nghề cá Kiên Giang gắn với ngư trường Tây Nam bộ sẽ được kêu gọi đầu tư trong giai đoạn 2016 – 2020.
Theo mô hình tham khảo từ tổ hợp khu chức năng chợ cá quốc tế BuSan, Hàn Quốc thì mỗi trung tâm nghề cá đều có các hạng mục công trình chính là: Toà nhà văn phòng, chợ đầu mối, bãi đỗ xe, khu vực kho lạnh, khu lưu giữ hải sản tươi sống, khu phân loại và cảng cá có thể tiếp nhận tàu trọng tải lên tới 20.000 tấn…
Trong đó, công trình quan trọng bậc nhất là cảng cá sẽ có các hạng mục như: Cầu cảng, kè chắn sóng, khu neo đậu tránh trú bão… Vị trí xây dựng cảng cá bắt buộc phải chọn các cửa sông lớn, vịnh biển hoặc hải đảo gắn liền với ngư trường trọng điểm, tập trung tàu cá của nhiều tỉnh và là đầu mối phân phối hàng thuỷ sản tại khu vực, kể cả các trung tâm công nghiệp thuỷ sản của các địa phương.
Nguồn vốn xây dựng các trung tâm nghề cá lớn sẽ huy động theo hình thức công – tư, trong đó vốn ngân sách sẽ đầu tư các hạng mục hạ tầng chính, các công trình, hạng mục phụ trợ sẽ kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước tham gia.
Theo báo cáo của Tổng cục Thuỷ sản Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2014 ngành thuỷ sản đóng góp khoảng 3,7% vào GDP chung của cả nước. Lĩnh vực này hiện đang giải quyết việc làm cho trên 4,5 triệu lao động. Tổng sản lượng thuỷ sản năm 2014 ước khoảng 6,2 triệu tấn cho giá trị sản xuất vào khoảng 300 nghìn tỉ đồng.
Nguồn bài viết: http://www.kiengiang.gov.vn/index2.jsp?menuId=117&articleId=29491
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, nông dân ở các huyện Cao Lãnh, Châu Thành và Lấp Vò (Đồng Tháp) đang chuyển dần từ trồng giống ổi thường sang ổi Mỹ, vừa cho năng suất cao vừa bán được giá.
Nhắc lại câu chuyện bị điện giật, anh C.V.D xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) lại không cầm được nước mắt khi nhớ lại người vợ xấu số đã ra đi, để lại con thơ dại.
Vụ đông 2013 là năm thứ hai các địa phương tiến hành lưu đông cá giống theo chương trình hỗ trợ của UBND tỉnh Bắc Ninh. Thời điểm này, những đơn vị cung ứng đã chuẩn bị đầy đủ và giao cá cho các cơ sở nuôi với số lượng, chất lượng đảm bảo.
Cá chiên là loài cá hoang dã, sống ở các sông; cá có thịt thơm ngon và có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, loài cá này đang bị khai thác quá mức, dẫn đến ngày càng cạn kiệt. Vì vậy, giá thành của cá chiên ngày một cao, có thời điểm dao động từ 370 – 430 nghìn đồng/kg. Xuất phát từ thực tiễn đó, một số hộ dân của xã Tân Thành, huyện Bắc Quang (nơi có dòng sông Lô chảy qua), đã mạnh dạn đầu tư các lồng bằng tre kiên cố để nuôi cá chiên trên sông.
Ngày 29/11, huyện Ngọc Hiển phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Cà Mau tổ chức hội thảo mô hình nuôi cá mú trong ao đất tại xã Tân Ân.