Kiểm soát thuốc BVTV không chỉ là mệnh lệnh hành chính
Muốn giữ được thị trường nội địa và tìm cách xuất khẩu, chất lượng rau, quả phải giữ được niềm tin của người tiêu dùng, bắt đầu từ việc hạn chế tồn dư thuốc BVTV.
Thận trọng với chất lượng rau, quả tươi
Chị Nguyễn Huyền Trân, Hà Đông, Hà Nội cho biết: “Ngày xưa cứ trái chín cây bứt xuống là ăn, xấu xí một chút nhưng an tâm.
Giờ rau, củ cứ xanh non mơn mởn, nhìn càng đẹp mã càng lo phun thuốc.
Như ở nhà tôi mua rau, củ về thường không mấy khi ăn luôn mà để 1,2 ngày, coi như trừ thêm ngày lượng tồn dư hóa chất giảm bớt đi cho an toàn rồi mới chế biến và ăn”.
Khác với chị Trân, chị Đoàn Kim Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội lại có cách lựa chọn riêng.
Chị Hoa làm tại tổ Công đoàn của một nhà máy lớn.
Khi lo bếp ăn tập thể tại công ty, chị đã tìm nguồn thực phẩm được cung cấp từ quê của chính các đồng nghiệp mình.
Chị Hoa cho rằng, bây giờ có nhiều sản phẩm dán tem mác đàng hoàng nhưng để “bắt đền” được đơn vị sản xuất khi sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm rất khó và mất thời gian.
Tuy nhiên, nếu sử dụng nguồn sản phẩm từ chính cán bộ, công nhân viên của công ty thì họ sẽ có trách nhiệm với các sản phẩm của mình bán cho tập thể…
“Làm như thế một công đôi việc, anh em trong công ty vừa có thêm thu nhập mà mình cũng yên tâm hơn về chất lượng thực phẩm”, chị Hoa cho biết.
Cách làm của chị Trân, chị Hoa và của nhiều bà nội trợ khác đều có chung một lý do là trước những thông tin đa chiều về dư lượng thuốc BVTV còn tồn lại trong rau, củ, quả sau khi thu hoạch khiến người dân ngày càng thận trọng hơn trong sử dụng thực phẩm tươi sống.
Kiểm soát chặt từ trong nước
Theo ông Nguyễn Xuân Hồng Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN&PTNT), việc kiểm soát tốt tồn dư chất BVTV trên rau, quả sẽ giúp chúng ta giữ được thị trường trong nước và hướng đến XK trong thời gian tới.
Và đây không phải là lý thuyết.
Thực tế mới đây khi chúng ta kiểm soát tốt chất lượng xoài Cát Chu, Nhật Bản - một thị trường khó tính về an toàn thực phẩm đã đón nhận khá tốt và có ngay các đơn hàng tiếp theo.
Nói kỹ hơn về chất lượng thực phẩm của Nhật Bản có thể dẫn chứng qua câu chuyện của anh Trần Minh Tuấn, Quận 3, TPHCM, là du học sinh tại Nhật Bản nhiều năm.
Anh Tuấn kể, người Nhật dù rất thích hoa trái nhưng hoa trái trong vườn nhà hiếm khi người dân hái vào để ăn bởi họ cho rằng chất lượng nước và không khí trong vườn nhà không được kiểm soát chuyên nghiệp nên dù tẩy, rửa thế nào cũng không đảm bảo bằng sản phẩm bán tại các siêu thị thực phẩm.
Còn tại các siêu thị thực phẩm thì trên các nhãn hàng luôn để sẵn nhiều mức giá khác nhau, qua mỗi giờ tùy vào các sản phẩm (thịt, cá, rau, củ, quả…) lại được giảm giá dần theo độ tươi ngon.
Quay trở về thị trường thuốc BVTV tại Việt Nam, đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, không khuyến khích kinh doanh.
Các đơn vị làm khuyến nông cũng thường tuyên truyền cho người nông dân càng hạn chế dùng thuốc BVTV có độ độc cao càng tốt, trước chính là để bảo vệ môi trường và sức khỏe giống nòi cho dân tộc, sau là tạo tiền đề để nông sản có chất lượng, bán được giá cao.
Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, hiện trong danh sách quản lí của Cục BVTV có khoảng 1.600 hoạt chất cộng hỗn hợp hoạt chất thuốc BVTV với khoảng 4.100 tên thương phẩm.
Trong Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật mới được Quốc hội thông qua, Cục BVTV cũng đã đưa vào một loạt điều khoản, yêu cầu nhằm siết chặt và hạn chế việc kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV.
Theo đó, những hoạt chất thuốc nhóm 1, 2 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và 3, 4 theo tiêu chuẩn quốc tế (GHF) có độ độc cao đều bị loại ra khỏi danh mục được kinh doanh.
Đặc biệt, với những cây trồng ăn trực tiếp và có nguy cơ cao như rau, cây ăn quả hay chè, từ năm 2014 đến nay, Cục BVTV sau khi nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng đã rút gọn hoạt chất thuốc BVTV dành cho những loại cây trồng này xuống mức tối thiểu và theo hướng thuốc sinh học là chính.
Những nỗ lực kiểm soát việc sử dụng và kinh doanh thuốc BVTV đến nay không còn là mệnh lệnh hành chính.
Mệnh lệnh hành chính có thể chỉ thực hiện với mục đích tạo tác động tích cực với xã hội nhưng đến thời điểm này, việc kiểm soát này đã là yêu cầu của thời cuộc, của thị trường chung rộng lớn với sự đón nhận và đào thải từ chính người dân, người tiêu dùng nhiều nước.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 29-3, tại khu vực biển Ninh Chử - Bình Sơn, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức thả tôm sú giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, với số lượng 76 vạn con (post 25). Ngoài ra, Trung tâm giống hải sản cấp 1 cũng hỗ trợ thêm 8 vạn con giống tham gia chương trình.
Thời gian gần đây, vào một số nhà hàng ở TP Vinh (tỉnh Nghệ An) thực khách được thưởng thức các món ngon được chế biến từ cây măng tây. Người thưởng thức rất ngạc nhiên khi biết món ăn có nguồn gốc từ các nước Âu - Mỹ này lại được trồng ngay chính trên đất Nghệ An và một số địa phương khác. Tại Nghệ An, chỉ sau hơn một năm du nhập, cây măng tây đã thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây và đang hứa hẹn mang lại thu nhập cao.
Các xã ven đê thuộc huyện Khoái Châu (Hưng Yên) có gần 700 ha ngô và đay đã được chuyển sang trồng chuối tiêu hồng.
Trong thời gian tới, những hộ dân nuôi trồng thủy sản tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp cho con tôm, cá tra sẽ nhận được tiền bồi thường thấp hơn trước đây.
Ngày 31-3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ cùng một số đơn vị liên quan tổ chức thả cá bản địa về tự nhiên nhân Ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam 1/4/1959 - 1/4/2013.