Kích Thích Cho Thanh Long Ra Quả Trái Mùa
Phương pháp xử lý thanh long ra quả trái mùa bằng cách chạy máy phát điện, thắp đèn cho cây tuy có mang lại hiệu quả kinh tế, nhưng chi phí lớn, chúng tôi giới thiệu một cách đơn giản, giảm chi phí khi dùng hỗn hợp dinh dưỡng kích thích nở hoa theo ý muốn.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Mười Mẫn ở xã Hồng Thái, huyện Bắc Bình (Bình Thuận), ông cho biết: Mua một bộ máy phát điện cả bóng đèn, dây điện, phụ kiện khoảng 25 triệu đồng, sử dụng được 150 bóng điện thắp sáng cho 150 trụ thanh long. Sau khi chạy máy 20 đêm liền thì ngừng lại, nếu gặp điều kiện thời tiết thuận lợi, sau khoảng bảy ngày thanh long sẽ ra nụ, sau khoảng 22 ngày nở hoa.
Tuy nhiên, đôi khi gặp trời mưa liên tục thì công chạy máy phát điện suốt 20 đêm coi như uổng. Mỗi đêm chạy máy phát điện hết khoảng 35 lít dầu diesel. Gia đình ông Mười Mẫn có năm máy phát điện, mỗi đêm tiêu hao 175 lít dầu mà cũng chỉ đủ thắp sáng cho 750 trụ, mà một mẫu có tới 1.000 trụ, tổng diện tích nhà ông tới 12 mẫu, không có tiềm lực kinh tế sắm máy phát điện thắp sáng cho toàn bộ diện tích. Phương pháp kỹ thuật này chỉ áp dụng cho những hộ gia đình sản xuất lớn có nguồn kinh tế khá, những hộ nghèo khó có thể áp dụng được.
Qua mấy năm nghiên cứu, Công ty giống cây ăn quả Đồng Nai (VACDONA) đã thành công trong việc sử dụng hỗn hợp dinh dưỡng VSL-1 chấm vào mắt trên cây thanh long để kích thích ra hoa vào thời điểm mà mong muốn. Phương pháp này rất đơn giản, áp dụng quy trình chăm sóc, bón phân và phun dung dịch VSL-2 kết hợp ni-tơ rát ka-li để kích thích mắt thanh long nở to đồng đều, sau đó bóc mắt và lựa chọn mắt có khả năng nở hoa để chấm hỗn hợp dinh dưỡng VSL-1 vào. Nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, chỉ ba ngày sau cây đã nhú nụ và nở hoa sau khoảng 22 ngày.
Tuy nhiên, để thanh long ra hoa, đậu quả và có hình dáng quả đẹp cần phải biết kỹ thuật bóc mắt và chấm hỗn hợp dinh dưỡng đúng thời kỳ cây có khả năng tập trung dinh dưỡng ra hoa, kết quả. Hỗn hợp dinh dưỡng VSL-1 đã được Hội đồng khoa học (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công nhận là loại phân bón có chất kích thích sinh trưởng cây trồng ra hoa năm 2002, nhưng đến nay mới triển khai được trên một số hộ nông dân các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Đồng Nai và Long An...
Hiện nay Công ty VACDONA đang cùng một số hộ trồng thanh long nghiên cứu để pha chế hỗn hợp cho phù hợp mỗi mùa vụ và điều kiện khí hậu ở mỗi vùng để đạt năng suất, sản lượng cao nhất. Đây thật sự là một giải pháp giúp bà con nông dân muốn có sản phẩm thanh long thu hoạch trái vụ theo ý muốn để tiêu thụ dịp lễ tết hay thu hoạch theo ý muốn phục vụ xuất khẩu. Chất lượng quả xử lý theo phương pháp này có mầu sắc đẹp, độ ngọt cao hơn, cây thanh long khỏe vì được bổ sung thêm dinh dưỡng sau mỗi lần xử lý. Bà con nông dân quan tâm hoặc muốn giúp đỡ để làm thanh long trái vụ theo phương pháp này có thể liên hệ với Công ty TNHH giống cây ăn quả Đồng Nai (VACDONA), ấp 8, xã An Phước, huyện Long Thành (Đồng Nai). Điện thoại: (061).511086.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian gần đây, các vùng trồng thanh long trên địa bàn tỉnh ta bị bệnh đốm nâu gây hại thanh long (nông dân thường gọi là bệnh đốm trắng hay bệnh tắc kè). Bệnh có tốc độ lây lan nhanh và mức độ gây hại ngày càng tăng, làm giảm giá trị thương phẩm của trái thanh long.
Theo kết quả giám định một số mẫu bệnh đốm trắng trên cành thanh long do Chi cục Bảo vệ thực vật Bình Thuận gửi đến, qua kết quả phân lập và giám định tác nhân đã xác định tác nhân gây bệnh đốm trắng trên thanh long là do nấm Neoscytalidium dimidiatum gây ra.
Cây thanh long có nguồn gốc nhiệt đới, chịu hạn giỏi, nhưng không chịu được giá lạnh. Chúng dễ sống, dễ trồng, mọc được trên nhiều loại đất khác nhau.
Lâu nay, nông dân trồng thanh long VietGAP đang gặp khó trong các khâu đảm bảo vệ sinh môi trường. Một trong những nguyên do là sau khi cắt tỉa cành, phế phẩm từ cây thanh long không có chỗ tiêu hủy. Tìm biện pháp để “biến” các loại phế phẩm đó trở thành phân hữu cơ sinh học, đang là sự quan tâm của không ít nông dân trong tỉnh Bình Thuận.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, đến thời điểm này vẫn chưa có thuốc đặc trị loại bệnh đốm nâu trên thanh long. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đã có những kinh nghiệm khá hay và hiệu quả trong quá trình phòng chống bệnh...