Trang chủ / Cây ăn trái / Thanh long

Giải pháp tưới nhỏ giọt hiệu quả

Giải pháp tưới nhỏ giọt hiệu quả
Tác giả: Tạ Minh
Ngày đăng: 25/04/2015

Phương pháp này được áp dụng đối với vườn cây có hiệu quả kinh tế cao như ăn trái đặc sản, cà phê, hồ tiêu. Ưu điểm nổi bật của việc tưới nhỏ giọt là cung cấp lượng nước vừa đủ cho cây trồng, lượng nước thất thoát không đáng kể dẫn tới chi phí nước tưới giảm.

TS. Nguyễn Đăng Nghĩa cho biết, tưới nhỏ giọt phải đầu tư khá lớn nhưng tiết kiệm công tưới và làm cỏ, tiết kiệm phân bón, thuốc BVTV, đồng thời làm tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm, gián tiếp tăng giá bán và giá trị sản phẩm. Đặc biệt, tưới tiết kiệm phù hợp với vùng thiếu nước, các hộ thiếu lao động.

Mô hình tưới nhỏ giọt vườn cà phê 5.000m2 của ông Ama Chương ở xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) có hệ thống đường ống tưới được bố trí cách gốc cà phê 70 cm và chôn cách mặt đất 5 - 7cm; mỗi gốc 10 điểm nhỏ giọt cách nhau 30cm, mỗi ngày tưới một giờ vào buổi sáng (28 lít nước), cách 4 - 5 ngày tưới một lần. Được áp dụng công nghệ tưới và chăm sóc mới, năng suất cà phê tăng từ 1,6 lên 2,6 tấn/ha và năm kế là 4 tấn/ha. Việc tưới nhỏ giọt giảm được 40% lượng nước tưới, giảm 70 - 80% công tưới, làm cỏ, bón phân. Do hòa tan vào nước thấm vào vùng rễ, giảm 100% hư hao phân bón; tưới thuốc hạn chế tuyến trùng, nấm bệnh, gián tiếp tiết kiệm thuốc BVTV. Mỗi vụ, năng suất tăng trung bình 0,3 tấn/ha làm thu nhập của ông Chương tăng lên khá.

Ông Nguyễn Thanh Phước ở xã Hưng Lộc (Thống Nhất, Đồng Nai) lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt và tưới phân, thuốc BVTV cho 6 ha quýt, chôm chôm, sầu riêng, xoài. Riêng 400 gốc quýt, sản lượng tăng từ 5 lên 10 tấn, trái to, mẫu mã trái đẹp nên giá trị tăng hơn 200%. Sầu riêng được tưới nhỏ giọt cho trái to, nẩy đều và năng suất tăng từ 10 - 15 tấn/ha. “Đến cữ, nhấn nút vận hành là hệ thống tưới sẽ tự vận hành và tự tắt khi đủ nước (cài bộ nhớ), khỏe re”, ông Phước nói.

Về vốn đầu tư, theo ông Vũ Kiên Trung, giám đốc Công ty cổ phần công nghệ tưới Khang Thịnh, lấy cây cà phê làm mẫu, tổng chi phí đầu tư cho mô hình tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân, thuốc BVTV qua nước là 54 triệu đồng/ha; thời hạn sử dụng tối thiểu là 10 năm, như vậy khấu hao mỗi năm chỉ 5,4 triệu đồng/ha.

TS. Nguyễn Đăng Nghĩa lưu ý, lắp đầu tưới bù áp (nước phải chảy qua con đường dzich dzăc) sẽ tránh bị tắc do đất cát, kiến. Để tưới phân, thuốc BVTV (chữa bệnh rễ và tác dụng lưu dẫn qua bộ rễ) thì các nông dược phải tan 100%; độ acid và kiềm không quá lớn làm ảnh hưởng tuổi thọ của hệ thống tưới.


Có thể bạn quan tâm

Quản lý bệnh thối, chết cành thanh long Quản lý bệnh thối, chết cành thanh long

Để giúp bà con có biện pháp quản lý, ông Trần Minh Tân, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt - BVTV Bình Thuận đưa ra giải pháp.

28/09/2017
Hạn chế bệnh đốm trắng thanh long Hạn chế bệnh đốm trắng thanh long

Đốm trắng (bệnh đốm nâu, bệnh tắc kè…) là một bệnh mới xuất hiện cách nay khoảng chục năm, nhưng đã lây lan rất nhanh ở vùng chuyên canh cây thanh long

05/10/2017
Thêm giải pháp trừ bệnh đốm nâu hại thanh long Thêm giải pháp trừ bệnh đốm nâu hại thanh long

Có được kết quả này là do ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai giải pháp hiệu quả trừ bệnh đốm nâu trên thanh long.

14/10/2017