Kinh nghiệm phòng chống bệnh đốm nâu trên thanh long
Tìm thuốc
Cách đây 3 năm, tại các huyện trọng điểm thanh long của tỉnh như Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Bắc Bình, bệnh đốm nâu (đốm trắng) cành, quả thanh long xuất hiện, gây hại đã gây ảnh hưởng lớn đến thu nhập của nhiều nông dân trồng thanh long. Diện tích bị nhiễm bệnh đốm nâu cao nhất vào tháng 8 - 9/2014 lên đến 12.870 ha, chiếm 53,1% diện tích thanh long toàn tỉnh.
Theo tiến sĩ Hồ Văn Chiến - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật (BVTV) phía Nam, trở ngại trong phòng trừ bệnh này là do bào tử nấm bệnh có thể phát tán theo gió, theo nước, côn trùng... nên việc quản lý bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tập quán của nông dân kết hợp thuốc bệnh với nhiều loại phân bón lá, kích thích sinh trưởng vào trong bình để phun và chỉ phun lên trái cũng làm giảm hiệu quả của thuốc trừ bệnh này.
Từ khi xuất hiện bệnh đốm nâu đến nay, Chi cục BVTV tỉnh đã kết hợp với Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc BVTV phía Nam, các công ty phân bón và thuốc BVTV tiến hành hơn 40 khảo nghiệm thuốc BVTV để phòng trừ bệnh đốm nâu (được tiến hành từ cuối năm 2012 đến cuối năm 2014), nhưng đến nay đối với loại bệnh này vẫn chưa có một loại hoạt chất nào, hoặc một loại sản phẩm thuốc nào đặc hiệu. Tuy nhiên trong quá trình khảo nghiệm có quy trình phòng trừ đạt 55 - 65%.
Chẳng hạn, kết quả bộ sản phẩm của Công ty cổ phần đầu tư Hợp Trí, Công ty Nông dược HAI có hiệu lực phòng trừ bệnh đốm nâu ở mức trung bình khá... Theo đó, qua phối hợp với Trung tâm BVTV phía Nam và Chi cục BVTV các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, Công ty Nông dược HAI đã tiến hành nhiều khảo nghiệm nhằm tìm ra giải pháp quản lý tốt nhất bệnh đốm nâu trên thanh long. Từ đó đưa ra bộ giải pháp HAI - CAL quản lý bệnh đốm trắng trên thanh long.
Với quy trình sử dụng bộ giải pháp HAI - CAL (Carbenda Supper 50 SC, Aviso 350 SC, Lipman 80 WP) được Trung tâm BVTV phía Nam và Chi cục BVTV các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang và bà con nông dân đánh giá khá cao...
Những kinh nghiệm
Quá trình nghiên cứu và tổng hợp những kết quả khảo nghiệm, kết hợp những mô hình mà Chi cục BVTV tỉnh đã thực hiện cùng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam và quy trình phòng chống bệnh đốm nâu (sửa đổi) của Cục Bảo vệ thực vật và một số công ty thuốc BVTV. Đến nay chi cục đã tìm ra được một số loại thuốc BVTV cũng như cách sử dụng, giai đoạn sử dụng để hạn chế được bệnh đốm nâu, mặc dù hiệu lực của các thuốc này chưa đạt được như mong muốn của cơ quan tiến hành thí nghiệm.
Nổi bật trong các biện pháp phòng chống bệnh đốm nâu vẫn là biện pháp canh tác. Cụ thể, cần cắt bỏ những cành, quả bị bệnh, thu gom và xử lý tiêu hủy bằng chế phẩm sinh học. Tuyệt đối không bỏ cành, quả bị bệnh lại trong vườn nếu chưa qua xử lý, không vứt bỏ xuống nguồn nước hay các khu vực công cộng khác. Sau khi cắt cành, sử dụng các thuốc có chứa đồng đỏ để sát khuẩn; có thể sử dụng kết hợp với phun thuốc BVTV. Cắt sạch cỏ dại trong vườn, không để vườn quá rậm rạp tạo nơi tích lũy bào tử nấm và làm tăng ẩm độ trong vườn.
Không tưới nước lên tán cây trong mùa mưa (chỉ được tưới vào gốc cây), trong mùa khô được tưới phun lên tán cây; không tưới nước vào chiều tối (vì sẽ tạo điều kiện ẩm độ cho bào tử nấm gây bệnh nảy mầm, gây hại). Không vận chuyển cành, quả bị bệnh từ khu vực có bệnh sang khu vực khác. Không để chồi non trong mùa mưa, nếu có cắt bỏ. Cắt tỉa cành già hợp lý để tạo độ thông thoáng, giảm nơi tích lũy nguồn bệnh và giảm ẩm độ trong vườn; sử dụng giống sạch bệnh để trồng; tuyệt đối không sử dụng cành bị bệnh để trồng, không sản xuất giống ở khu vực thanh long đã nhiễm bệnh...
Ngoài ra, nông dân có thể áp dụng các biện pháp hóa học như rắc vôi bột khử trùng trên mặt đất với liều lượng 1 - 1,5 tấn/ha. Thường xuyên kiểm tra vườn, phát hiện bệnh sớm khi mới chớm xuất hiện để phun trừ kịp thời. Mặt khác, tạm thời sử dụng các thuốc chứa hoạt chất gốc đồng, Azoxytrobin + Difenoconazole để phòng trừ bệnh đốm nâu, lượng dùng theo khuyến cáo của nhà sản xuất in trên bao bì...
Có thể bạn quan tâm
Sau thời gian bốn năm nghiên cứu thực nghiệm giống thanh long ruột đỏ (2001-2004), đến nay Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả Phủ Quỳ (Nghệ An) bước đầu đã khẳng định giống thanh long ruột đỏ hoàn toàn có thể thích nghi và sinh trưởng phát triển tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng... có thể trồng đại trà tại khu vực Bắc Trung bộ, đặc biệt là trên vùng đất bazan Phủ Quỳ.
Phương pháp xử lý thanh long ra quả trái mùa bằng cách chạy máy phát điện, thắp đèn cho cây tuy có mang lại hiệu quả kinh tế, nhưng chi phí lớn, chúng tôi giới thiệu một cách đơn giản, giảm chi phí khi dùng hỗn hợp dinh dưỡng kích thích nở hoa theo ý muốn.
Tỉa cành tạo tán là giúp cho thanh long là tạo bộ tán, bộ khung cân đối hài hòa và đẹp mắt, cắt bỏ bớt những cành yếu, xấu và khả năng cho trái kém. Sau khi trồng, cần chọn lại để cành phát triển tốt và buộc áp sát vào cây trụ từ mặt đất cho tới giá đỡ.
Ngày 29/10, Hội nông dân tỉnh phối hợp với Trung tâm SEDEC Bình Thuận, đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả ứng dụng bóng đèn Compact cho thanh long ra hoa trái vụ. Tham dự hội nghị, có đại diện một số Sở, Ban ngành, Hiệp hội thanh long Bình Thuận, Trung tâm nghiên cứu& phát triển thanh long, Hội làm vườn,…và một số hộ dân trồng thanh long tại các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc.
Vụ thanh long nghịch mùa thường xuất hiện những loại côn trùng phá hại, nếu không phát hiện kịp thời và diệt trừ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng trái xuất khẩu, hiệu quả kinh tế không cao. Xin giới thiệu 2 biện pháp diệt trừ côn trùng rất hữu hiệu cho các nhà vườn.