Kích cầu vụ đông
Sáng lúa chiều ngô
Muốn đạt kế hoạch gieo trồng 51.000 ha trở lên (ngô 22.500 ha; đậu tương 3.000 ha; lạc 1.500 ha; khoai lang 5.000 ha; rau, quả các loại 18.000 ha và cây thức ăn chăn nuôi 1.000 ha), từ đầu tháng 9/2015 Sở NN-PTNT Thanh Hóa đã chỉ đạo các địa phương động viên bà con đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa mùa, giải phóng đất theo phương châm “sáng lúa chiều ngô”.
Theo đó, những diện tích lúa chín trên 85% tập trung gặt để đảm bảo “chắc ăn”, nhất là các huyện vùng trũng như Hà Trung, Nông Cống, Hậu Lộc, Nga Sơn…
Các xã giao kế hoạch cụ thể đến từng thôn bản; phát thanh liên tục trên loa truyền thanh xã về cơ cấu cây trồng, diện tích, thời vụ để bà con nắm được lịch, chủ động SX. Hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc từng loại cây trồng, trong đó, chú trọng vào các giải pháp kỹ thuật mới như làm ngô bầu, ngô bánh; che phủ rơm rạ, nilon…
“Vụ đông 2015 là vụ đầu tiên thực hiện kế hoạch SX nông nghiệp 5 năm (giai đoạn 2015 - 2020) nên chủ trương mở rộng diện tích gắn với việc tạo sự kiên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, HTX và hộ nông dân là hết sức cần thiết, góp phần đảm bảo sự cân đối giữa cung - cầu”, ông Mai Nhữ Thắng, PGĐ Sở NN-PTNT Thanh Hóa nói. Theo ông Thắng, nhóm cây chủ lực vụ đông năm nay là ngô, đậu tương, khoai lang, khoai tây và rau đậu.
Trong đó, cây ngô phát triển diện tích lớn nhất nên cần tạo bước thay đổi trong canh tác; nâng cao năng suất bằng việc sử dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật ở tất cả các vùng, có cả ngô biến đổi gen.
Đặc biệt là SX ngô trên đất lúa, đồng thời từng bước mở rộng diện tích ngô làm thức ăn phục vụ chăn nuôi bò sữa. Gieo trồng rải vụ và đẩy mạnh các cây trồng mới có thị trường tiêu thụ ổn định như dưa chuột, dưa bao tử, ớt, bí xanh và các loại cây làm thức ăn gia súc.
“Nhờ triển khai kế hoạch kịp thời, cụ thể đến từng thôn nên nông dân một số xã vừa gặt xong lúa là lên luống trồng cây vụ đông luôn. Ngoài ra, huyện cũng đã chỉ đạo các HTX đứng ra ký hợp đồng với 10 doanh nghiệp như Cty Đồng Giao, Á Châu, An Việt… bao tiêu sản phẩm cho bà con”, ông Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cho hay.
Hậu Lộc là huyện ven biển, diện tích SX vụ Đông không lớn nhưng để nâng cao thu nhập cho nông dân, địa phương này chủ yếu gieo trồng cây hàng hóa có giá trị kinh tế như ớt xuất khẩu, ngô ngọt, rau màu. Đến ngày 10/9 toàn huyện đã gieo trồng được hơn 660 ha.
Đột phá chính sách
Không chỉ dừng lại ở việc đặt mục tiêu, vụ đông 2015 Thanh Hóa còn đột phá trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ. Theo đó, tổng kinh phí hỗ trợ được nâng từ 10,2 tỷ đồng (2014) lên 17 tỷ đồng (2015).
Cụ thể, hỗ trợ kinh phí mua giống ngô và đậu tương SX trên đất 2 lúa 7,9 tỷ đồng (trong đó ngô 5,5 tỷ; đậu tương 2,4 tỷ đồng); đối tượng hỗ trợ là các hộ nông dân, nhóm hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp, các mô hình liên kết SX và bao tiêu sản phẩm.
Hỗ trợ phát triển các mô hình liên kết SX và bao tiêu sản phẩm với kinh phí là 9,1 tỷ đồng; đối tượng được hỗ trợ gồm các hộ nông dân (hoặc nhóm hộ nông dân), HTX, doanh nghiệp tham gia liên kết theo mô hình HTX hoặc doanh nghiệp liên kết với hộ nông dân từ SX đến tiêu thụ các loại cây trồng như khoai tây, ngô ngọt, ngô bao tử, dưa bao tử, dưa xuất khẩu, cà chua, cỏ các loại làm thức ăn chăn nuôi bò sữa, bò thịt trên đất lúa, lúa màu…
“Chưa bao giờ chính sách hỗ trợ SX vụ đông ban hành sớm và hấp dẫn như năm nay. Tôi còn nhớ năm 2013, mãi đến tận 30/9 mới có văn bản gửi về địa phương, trong khi thời vụ sắp hết, chúng tôi phải chỉ đạo bà con “vắt chân lên cổ mà chạy” nhưng cũng không thể hoàn thành được mục tiêu”, ông Nguyễn Văn Tám, Phó Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa nói.
Theo ông Tám, việc ban hành kịp thời chính sách hỗ trợ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương chỉ đạo SX. Không những thế, khi tỉnh quan tâm, hỗ trợ các đối tượng là doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác sẽ thổi “luồng gió mới” vào chủ trương kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực “lắm rủi ro” như nông nghiệp.
Vụ đông 2015, huyện Thiệu Hóa đặt mục tiêu gieo trồng 3.305 ha; trong đó ngô 1.700 ha; đậu tương trên đất 2 lúa 500 ha; ớt 100 ha; khoai tây 100 ha; khoai lang 200 ha; mô hình đậu tương rau 5 ha và rau màu các loại 700 ha. Phấn đấu tổng giá trị SX đạt 131 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
Chỉ bằng nghề trồng chuối tây, hàng trăm hộ dân ở xã Kim Bình (huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang) đã có thu nhập từ 100 triệu đồng/hộ trở lên. Chuối tây ở Kim Bình giờ được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với số lượng và giá cả ổn định.
Là người tiên phong chăn nuôi giống gà Phùng tại địa phương, mỗi năm gia đình chị Phạm Thị Hoan, xóm Tân Đông, Đồng Văn, Tân Kỳ (Nghệ An) thu lãi hơn gần 500 triệu đồng.
Với thu nhập trên 400 triệu đồng lãi ròng mỗi năm, chị Nguyễn Thị Quỳnh ở bản Kẻ May, xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) trở thành triệu phú nhờ nuôi ếch, gà giống.
Vụ tôm nuôi (vụ 1/2016), do hạn, mặn nên tôm chết hàng loạt, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Trước tình hình đó, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã có chuyến khảo sát thực tế tại huyện Hồng Dân để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông dân trong sản xuất.
Ai đi ngang qua xã Sơn Dung (Sơn Tây, Quảng Ngãi) trên cung đường Đông Trường Sơn vào thời điểm này cũng ngạc nhiên và trầm trồ vườn rau xanh mướt của ông Võ Hồng Thơ.