Khủng Hoảng Sau Thu Hoạch Khốn Khổ Vì Đầu Ra
Với gần 46 ngàn hécta, Đồng Nai đứng trong tốp đầu các tỉnh có diện tích cây ăn trái lớn nhất khu vực phía Nam với nhiều loại trái ngon, như: chôm chôm, mít, xoài, sầu riêng, thanh long ruột đỏ... Đây đều là những trái cây có tiềm năng xuất khẩu lớn.
Nhưng thời gian qua, trái cây liên tục rớt giá, nhiều nông dân đã phải tỉa bỏ trái non hoặc bỏ mặc trái cây chín rục tại vườn vì giá bán không đủ trả công thu hoạch. Nguyên nhân ở chỗ, sau thu hoạch, vẫn là những khoảng trống do ngành chế biến chưa phát triển.
Nhiều loại trái cây đang liên tục rớt giá vì Trung Quốc giảm nhập hàng. Trong khi đó, thị trường Dubai, Hàn Quốc, Nhật Bản... đang có nhu cầu nhập khẩu trái cây từ Đồng Nai với số lượng lớn, nhưng nông dân lại chưa tìm thấy cơ hội hợp tác vì cung không gặp cầu.
Một nghịch lý đáng buồn là nông dân đổ bỏ trái cây vì tắc đầu ra, trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) lại phải từ chối đơn hàng xuất khẩu.
* Thừa nhưng vẫn thiếu
Vụ xoài năm nay, nhiều nông dân Đồng Nai đã trắng tay chỉ vì giá xoài giảm mạnh xuống, còn 1,5-2 ngàn đồng/kg. Giá đã giảm mạnh, thương lái chỉ ưu tiên mua tại vườn có đường đi lại thuận lợi, còn những vườn ở sâu bên trong, nông dân phải thu hoạch và vận chuyển ra bán cho đại lý.
Nhiều nhà vườn tính toán, xoài ba mùa mưa loại đẹp bán chỉ được 2 ngàn đồng/kg, loại trung bình 1,5 ngàn đồng/kg, nếu phải thuê công hái, vận chuyển ra tới đại lý thì tiền bán xoài không đủ trả công thợ, chưa nói đến tiền đầu tư.
Ông Nguyễn Hữu Hiểu, Phó tổng giám đốc Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico), cho biết: “Một số DN nước ngoài muốn thông qua Dofico nhập khẩu xoài từ Đồng Nai với số lượng lớn.
Các thị trường trên chỉ chuộng xoài cát Hòa Lộc và Cát Chu, trong khi nông dân Đồng Nai chủ yếu trồng xoài ba mùa mưa nên dù có rất nhiều xoài nhưng lại không xuất khẩu được”. Cũng theo ông Hiểu, muốn trái cây không rơi vào nghịch lý thiếu nhưng vẫn thừa, trước khi trồng loại cây nào, nông dân phải tìm hiểu xem thị trường chuộng giống gì để từ đó trồng cho phù hợp.
Ông Huỳnh Văn Hải, Giám đốc Công ty TNHH trái cây Long Khánh, nhận xét: “Đồng Nai có diện tích trái cây lớn nhưng được trồng khá phân tán, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Trong khi đó, trái cây xuất khẩu phải đảm bảo về sản lượng và độ đồng đều về chất lượng.
Sự liên kết giữa nông dân và DN vẫn chưa chặt chẽ nên hay xảy ra tình trạng giá thị trường cao, người dân sẵn sàng phá vỡ cam kết và bán hàng cho thương lái. Nhiều cơ hội xuất khẩu trái cây bị bỏ lỡ do những bất cập trên”.
* Thiếu liên kết
Không chỉ Dofico, nhiều DN khác cũng đã và đang nhìn thấy nhu cầu lẫn cơ hội trên thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, sự thiếu thông tin và liên kết đã khiến DN thiếu hàng chuẩn để xuất khẩu, trong khi nông dân phải đổ đống trái cây. Theo ông Trần Cầu, chủ trang trại trồng xoài tại xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu): “Hiện giống xoài có nguồn gốc từ Florida (Mỹ) của trang trại đang xuất khẩu rất tốt qua các thị trường Mỹ, New Zealand...
Nhiều đoàn khách từ Dubai, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng về tận nơi đặt vấn đề xuất khẩu nhưng trang trại không đủ hàng cung cấp. Tôi sẵn sàng hướng dẫn chuyển giao giống, kỹ thuật canh tác và cam kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân phát triển vùng chuyên canh giống xoài này. Ở đây rất cần vai trò của Nhà nước trong việc định hướng, hỗ trợ cho nông dân đầu tư vào sản xuất”.
Ông Nguyễn Thế Bảo, Chủ nhiệm Hợp tác xã xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc), nhận định: “Nhờ tổ chức tốt sự liên kết trong xã viên nên chúng tôi đã xây dựng được vùng chuyên canh cây xoài với sản lượng lớn và ổn định về chất lượng nên xuất khẩu sang được những thị trường khó tính.
Hiện hợp tác xã đang triển khai dự án nhà máy chế biến xoài dẻo. Tuy đang trong giai đoạn thử nghiệm nhưng đã có nhiều khách nước ngoài muốn đặt hàng. Chúng tôi rất mong thu hút được DN cùng tham gia đầu tư để nhà máy chế biến sớm đi vào hoạt động”.
Đồng Nai cũng đã ban hành hàng loạt những chính sách hỗ trợ nhằm tạo ra những vùng sản xuất cây ăn trái theo hướng hàng hóa để xuất khẩu ổn định đầu ra và nâng cao thu nhập. Cụ thể, tỉnh đã chọn lọc và phát triển các loại cây ăn trái chủ lực, như: bưởi, xoài, sầu riêng...
Nông dân được hỗ trợ một phần giống, kinh phí, vật tư nông nghiệp để hình thành các vùng thâm canh, chuyên canh lớn đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu. Đây được xem là tiền đề cho mục tiêu phát triển chuỗi liên kết giữa DN và nông dân - một lỗ hổng khá trầm trọng. Qua đó, giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản một cách bền vững.
Ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, cho biết để ổn định đầu ra cho các loại trái cây, tỉnh đã tiến hành tìm các đối tác nước ngoài xem họ có nhu cầu với các loại trái cây mình đang có hay không để xúc tiến xuất khẩu. Bên cạnh đó, tỉnh có chính sách kêu gọi, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào sơ chế, chế biến các loại trái cây để giải quyết đầu ra và nâng giá trị sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm
Tại Hội nghị tổng kết thí điểm bảo hiểm nông nghiệp của Chính phủ sáng 27/6, báo cáo của các địa phương và doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, đến nay việc thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đã được triển khai ở 20 tỉnh, thành phố trong 3 năm qua.
Tại một số quận huyện như: Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Điền… lúa tươi IR50404 vụ thu đông 2014 được nhiều nông dân bán ngay tại ruộng cho thương lái ở mức 4.700-4.800 đồng/kg, còn lúa đã phơi sấy khô ở mức: 5.100-5.500 đồng/kg, tùy điều kiện giao thông. Nhiều loại lúa tươi hạt dài đang có giá 4.900- 5.100 đồng/kg; lúa phơi sấy khô có giá 5.800-5.900 đồng/kg.
Cam sành Hàm Yên (Tuyên Quang) không chỉ nổi tiếng trong tỉnh mà còn nổi tiếng cả nước. Năm 2013 cam sành Hàm Yên đã được vinh danh và lọt vào Top 10 loại trái cây bậc nhất Việt Nam. Để giữ vững thương hiệu cam sành Hàm Yên, toàn huyện đã và đang có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hơn 10 năm qua, cây ca cao có bước phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng, góp phần tăng thu nhập đáng kể cho người nông dân. Song, cũng như các loại cây trồng khác, việc phát triển trong giai đoạn đầu trải qua không ít khó khăn, cần rút kinh nghiệm, tìm giải pháp phát triển bền vững cây trồng này trong thời gian tới.
Ông Phạm Văn Hoàng, Chi hội trưởng Chi Hội nông dân khu phố 3, phường Tân Định, TX.Bến Cát (Bình Dương) cho biết, nghề nuôi chim cút tại khu phố phát triển mạnh khoảng 4 năm trở lại đây. Để đạt hiệu quả kinh tế cao, khu phố đã thành lập Tổ chăn nuôi chim cút và nhận được sự hưởng ứng của các hộ chăn nuôi.