Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Gạo Việt Tăng Giá Cao Kỷ Lục, Mắc Bẫy Thái Lan?

Gạo Việt Tăng Giá Cao Kỷ Lục, Mắc Bẫy Thái Lan?
Ngày đăng: 04/08/2014

Gạo Việt tăng mạnh khi cầu vượt cung song, Việt Nam có thể phải trả giá vì Thái Lan vẫn giữ giá, tấn công thị trường xuất khẩu truyền thống của VN.

Giá gạo Việt Nan tăng cao kỷ lục

Theo thống kê tại trang thông tin chuyên về lúa gạo Oryza, giá gạo của Việt Nam đang đứng ở mức cao nhất kể từ tháng 10/2012, cao hơn lúa gạo Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Campuchia... trong khi trước đó ít lâu giá lúa gạo của Việt Nam chỉ ở mức thấp nhất.

Cụ thể theo thông tin tại trang Oryza ngày 2/8, giá gạo 5% tấm của Việt Nam là 460-470 USD/tấn, gạo 5% tấm của Ấn Độ, Pakistan hiện đang ở mức 435-445 USD/tấn, gạo Thái Lan ở mức 445-455 USD/tấn.

Giá gạo xuất khẩu tăng kéo theo giá thu mua cũng tăng theo, ghi nhận của TBKTSG, vào chiều 31/7 vừa qua, gạo nguyên liệu của giống IR 50404 tại Tiền Giang, Đồng Tháp được doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu mua vào với giá 7.600-7.700 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg so với mức giá hôm đầu tuần (28/7) và đây cũng là mức giá đỉnh được xác lập tính đến thời điểm này.

Đối với mặt hàng lúa IR 50404 (tươi), ông Nguyễn Thanh Thọ, thương lái kinh doanh lúa gạo tại chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang, cho biết hiện được thương lái ở ĐBSCL mua vào phổ biến ở mức 5.000-5.200 đồng/kg (tùy vùng), tăng khoảng 50-100 đồng/kg so với mức giá hồi đầu tuần.

Trên tờ TBKTSG, ông Nguyễn Đình Bích - chuyên gia lúa gạo lý giải, nguyên nhân khiến giá gạo của Việt Nam tăng mạnh do lệnh cấm xuất khẩu của Thái Lan vẫn đang có hiệu lực và diện tích gieo trồng ở Ấn Độ tiếp tục sụt giảm, dù tình hình thời tiết được cải thiện là những yếu tố tác động trực tiếp đến xu hướng giá lúa gạo châu Á, trong đó có Việt Nam.

Trong khi đó, theo một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại ĐBSCL, nhu cầu từ Trung Quốc đang cao và nguồn cung trong nước khan hiếm là nguyên nhân kéo giá lúa gạo nội địa tiếp tục tăng.

Gạo Thái Lan tấn công TQ, ASEAN bằng chính sách giá rẻ?

Như vậy, giá lúa gạo của Việt Nam tăng mạnh trong thời gian vừa qua không xuất phát từ việc chất lượng gạo tăng khiến giá lúa gạo tăng mà nguyên nhân chính xuất phát từ lý do khách quan là nguồn cung cho gạo xuất khẩu hạn chế trong khi nhu cầu vẫn tăng cao, vì nhiều lý do khác nhau các nước vốn là đối thủ xuất khẩu gạo của Việt Nam như Thái Lan, Ấn Độ đang giảm lượng gạo xuất khẩu.

Song có một thực tế khác đang diễn ra là phía Thái Lan vẫn khẳng định họ tìm cách xuất khẩu gạo sang Trung Quốc và một số nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong nửa cuối năm nay.

Vụ trưởng Vụ Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại Thái Lan Duangporn Rodphayathi cũng cho biết Thái Lan sẽ tìm cách tăng khối lượng xuất khẩu gạo sang quốc gia láng giềng Malaysia theo các thỏa thuận liên chính phủ, trong khi các nhà xuất khẩu gạo tư nhân của Thái Lan sẽ tìm cách mở rộng thị trường ở Philippines và Indonesia.

Trong khi cùng lúc, xuất khẩu gạo của Việt Nam theo thống kê 6 tháng đầu năm 2014 lại đang giảm sút ở hầu hết các thị trường, trong đó có các thị trường truyền thống tại khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia.

Đến thời điểm này, theo ghi nhận, để có thể xuất khẩu mạnh sang các thị trường như Trung Quốc, các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á thì ngoài lý do vị trí địa lý thuận lợi, gạo Việt Nam từ trước đến nay vẫn "ghi bàn" nhờ giá rẻ.

Như vậy, dù điều chỉnh giá tăng mạnh diễn ra tại thời điểm này, rất có thể gạo Việt Nam sẽ khó khăn khi gạo Thái Lan vốn dĩ vẫn có chất lượng được đánh giá cao hơn Việt Nam cộng với thế mạnh giá thấp hơn sẽ chiếm lĩnh thị trường truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc và các nước ASEAN.


Có thể bạn quan tâm

Nghề thu lộc rừng và những nguyên tắc ngầm Nghề thu lộc rừng và những nguyên tắc ngầm

Những ngày theo chân thợ lấy mật ong rừng ở xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu (Nghệ An), tôi vỡ ra nhiều điều thú vị của cái nghề thu “lộc rừng” này.

28/09/2015
Từ điểm nóng dồn điền đổi thửa thành xã đạt chuẩn nông thôn mới Từ điểm nóng dồn điền đổi thửa thành xã đạt chuẩn nông thôn mới

Những ngày cuối tháng 8.2015, người dân xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì (Hà Nội) hồ hởi đón nhận tin vui: Tổ công tác giúp việc Hội đồng thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) của TP.Hà Nội đã rà soát, đánh giá và chấm điểm gần tuyệt đối cho Vĩnh Quỳnh, đạt 98/100 điểm.

28/09/2015
Nhà nông bắt đất phèn đẻ tiền tỷ Nhà nông bắt đất phèn đẻ tiền tỷ

Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích đất phèn và đất phèn mặn khoảng 1,6 triệu ha, (chiếm 40% tổng diện tích tự nhiên của khu vực).

28/09/2015
Doanh nghiệp chung tay xây dựng nông thôn mới Doanh nghiệp chung tay xây dựng nông thôn mới

Nhằm tạo điều kiện cho các xã hoàn thành, nâng chất tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới (NTM), Tổng Công ty Xây dựng số 1 - TNHH một thành viên (CC1) vừa phối hợp với Sở NNPTNT Hậu Giang hỗ trợ 2.000 tấn xi măng xây dựng NTM.

28/09/2015
Đề xuất chính sách dân tộc giai đoạn 2016 -2020 Đề xuất chính sách dân tộc giai đoạn 2016 -2020

“Lần này các chính sách được Uỷ ban Dân tộc (UBDT) xây dựng với một khoảng thời gian dài, có tính chủ động cao nên chắc chắn sẽ lồng ghép, phối hợp được tốt hơn”.

28/09/2015