Khởi Sắc Nuôi Cá Điêu Hồng Lồng Bè
Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành (Bến Tre), toàn huyện hiện có 373 bè nuôi cá; tập trung nhiều nhất ở xã Tân Thạch với hơn 30 hộ nuôi, tổng số trên 120 bè và tổng thể tích nuôi gần 15.000m3.
Thời gian qua, các khoản chi phí đầu vào để nuôi cá như: giá thức ăn, thuốc, hóa chất… liên tục tăng, nhưng đầu ra chưa ổn định, giá cá thương phẩm luôn đứng ở mức thấp hoặc giảm giá nên người nuôi không có lợi nhuận cao hoặc bị thua lỗ, cho nên có gần 50% hộ nuôi buộc phải treo bè.
Tuy nhiên, khoảng hai tháng trở lại đây, dọc theo mé sông Tiền, thuộc địa phận ấp 10 - xã Tân Thạch, từ chân cầu Rạch Miễu xuống bến phà Rạch Miễu cũ, những hộ nuôi cá bám trụ kiên trì, không bỏ cuộc bắt đầu có niềm vui trở lại, giá cá thương phẩm tăng lên, người nuôi có lãi cao. Anh Trịnh Công Trung, ở ấp 10, cho biết anh hiện có 6 bè nuôi (5 bè nuôi cá điêu hồng và 1 bè nuôi cá lăng). Các năm trước, anh nuôi bình thường thì lỗ công chăm sóc, nhưng anh vẫn bám nghề. Gần 2 tháng nay, giá cá thương phẩm đột nhiên tăng cao ổn định (từ 41.000-43.000 đ/kg), lượng cá thịt không còn đủ để cung ứng cho thị trường.
Vừa rồi, anh Trung đầu tư 1 bè (150m3), thả nuôi mật độ tối đa là 170 con/m3 mặt nước. Con giống đem về từ các cơ sở ương nuôi tại địa phương và Đồng Tháp, dưỡng lại trong vèo lưới đến khi cá đạt trọng lượng 25-30 con/kg thì tuyển chọn lại thả vào bè nuôi. Anh Trung cho cá ăn thức ăn công nghiệp dạng viên nổi.
Ở giai đoạn cá còn nhỏ (nhỏ hơn 200 gr/con), anh cho cá ăn 3-4 lần/ngày (3-5% trọng lượng thân), giai đoạn 200 gr/con trở lên, cá ăn 2 lần/ngày (2-3% trọng lượng thân). Anh Trung bổ sung men tiêu hóa và Vitamin C vào thức ăn cho cá. Định kỳ 7-10 ngày, anh Trung trộn kháng sinh (được sự cho phép của ngành thủy sản) cho cá ăn liên tục 2-3 ngày để phòng bệnh cho cá.
Sau thời gian nuôi 5 tháng, hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR): 1.7 (1,7kg thức ăn/kg cá), tỷ lệ sống: 78%, cá đạt trọng lượng 0,5 kg/con trở lên; anh Trung thu hoạch được 9,75 tấn cá thương phẩm, với giá bán 41.000 đ/kg, sau khi trừ chi phí, anh Trung có lãi trên 100 triệu đồng (lãi khoảng 12.000 đ/kg cá).
Nuôi cá điêu hồng lồng bè trên sông ngoài tận dụng diện tích mặt nước, còn tạo nguồn thực phẩm thủy sản, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Hai anh Sa Lés và Da Cốp (ngụ ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Hanh, Châu Thành, An Giang) đã thành công với mô hình nuôi le le bán hoang dã để lấy thịt và cho sinh sản. Mô hình chăn nuôi độc đáo này không những mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn gián tiếp bảo tồn loài chim đang khan hiếm…
Hình ảnh những chiếc máy xới, gặt đập liên hợp (GĐLH) hoạt động hối hả ngoài ruộng vào giai đoạn làm đất, thu hoạch rộ; cùng câu chuyện chế tạo ra nhiều loại máy móc từ thực tiễn sản xuất của nông dân để phục vụ công việc đồng áng nói chung, như đã gián tiếp khẳng định một bước tiến mới của tiến trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở Hậu Giang vào giai đoạn hiện nay.
Nuôi cua xanh kết hợp tôm sú là một mô hình nuôi mang lại hiệu quả và đang được người dân ven biển ở TX Sông Cầu nhân rộng. Mô hình này vốn đầu tư ít, cua có thể ăn thức ăn thừa trong ao nên giúp cải tạo môi trường đáy ao, ít đầu tư về thời gian và công chăm sóc, không sử dụng thuốc nhiều như nuôi tôm chuyên canh.
Nhiều năm nay, người dân xã Thiệu Đô (huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) quen với hình ảnh ông Nguyễn Hữu Hùng - Chủ tịch Hội nông dân (ND) xã cần mẫn như con ong chăm chỉ dạy nghề cho ND, vận động quỹ khuyến học…
Mặc dù an ninh lương thực vẫn đang là vấn đề toàn cầu, nhưng thời “tích cốc, phòng cơ” đã qua. Vựa lúa không phải là mục tiêu ưu tiên mà phải chuyển từ trồng lúa để ăn sang trồng lúa để bán, từ “chén cơm đầy” sang “chén cơm ngon”, thương mại hóa ngành lúa gạo, cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cư dân nông thôn.